Xét xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Trương Mỹ Lan tự chứng minh số liệu tại tòa, vì sao?

Chinh Hoàng Thứ ba, ngày 26/11/2024 10:42 AM (GMT+7)
Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 đang ở giai đoạn tranh tụng. Sáng 26/11, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nói: "Vì sao SCB không cung cấp số liệu để chứng minh, vậy để tôi tự cung cấp, chứng minh…".
Bình luận 0

Ngày 26/11, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 được tiếp tục với phần tranh tụng với bị cáo Trương Mỹ Lan.

Phúc Thẩm Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Bị cáo Lan tự chứng minh số liệu tại tòa vì sao? - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng tình việc SCB không cung cấp số liệu về các khoản dư nợ trước khi hợp nhất, bà Lan đã tự đối đáp. Ảnh: X.H

Cụ thể, bị cáo Trương Mỹ Lan muốn nhấn mạnh với Hội đồng xét xử (HĐXX) và đại diện Viện kiểm sát (VKS) về số liệu quy buộc trách nhiệm đối với bản thân với tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng tình việc SCB không cung cấp số liệu về các khoản dư nợ trước khi hợp nhất.

Theo bị cáo Lan, trong suốt quá trình xét hỏi và tranh luận tại tòa, bản thân bị cáo và đại diện VKS đã yêu cầu SCB cung cấp số liệu, thông tin để làm rõ các số liệu liên quan khoản nợ cũ trước thời điểm hợp nhất; dư nợ gốc và lãi đến thời điểm 31/12/2017; dư nợ gốc và lãi từ 1/1/2018 đến 7/10/2022 là thời điểm khởi tố vụ án. Trong đó, VKS cấp phúc thẩm yêu cầu SCB bóc tách trong tổng số dư nợ từng giai đoạn nêu trên, có bao nhiêu là vay để đảo nợ, bà Trương Mỹ Lan rút ra bao nhiêu tiền...

Cũng theo bị cáo Lan, gốc rễ của vấn đề ngay từ đầu xuất phát từ việc SCB cung cấp số liệu mập mờ, nhập nhằng, không rõ ràng cho Cơ quan điều tra dẫn đến số liệu quy buộc trách nhiệm hiện nay còn đang mập mờ.

"Nhưng đến phiên toà hôm nay, khi được yêu cầu làm rõ thì SCB lại không cung cấp. Việc SCB không cung cấp là có ý gì? Số liệu mập mờ không rõ ràng đã ảnh hưởng đến biết bao nhiêu sinh mạng", bị cáo Lan nói.

Do các số liệu trên không được SCB cung cấp nên luật sư của bị cáo Lan và bản thân bị cáo đã đưa ra những số liệu dựa trên kế hoạch tái cơ cấu SCB sau hợp nhất giai đoạn 2013-2014, kế hoạch tái cơ cấu SCB (2015-2019) và giai đoạn tiếp theo, cho phép SCB được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản vay thuộc phương án cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt trong giai đoạn 2012-2014 và căn cứ dựa trên kết luận thanh tra để chứng minh tổng số dư nợ gốc và lãi cho đến thời điểm khởi tố vụ án thực chất là các khoản dư nợ đã được tái cơ cấu, trong vòng xoáy lãi nhập vốn liên tục (giới ngân hàng gọi là "nhồi lãi").

Liên quan đến vấn đề này, trong phần đối đáp hôm qua (25/11), đại diện VKS lưu ý, SCB cho rằng "mình là bị hại và các thiệt hại đã được cơ quan tố tụng chứng minh, thể hiện trong quá trình điều tra, bản án sơ thẩm; SCB không cần cung cấp thêm tài liệu chứng minh" là hiểu chưa đúng và tự từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình.

Qua số liệu thể hiện từ cáo trạng, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng, trong đó, có 483.000 tỷ đồng nợ gốc. Theo VKS, trong số các khoản vay này thì các khoản vay của bà Lan chiếm đến 84%, đều thuộc nợ xấu nhóm 5.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem