Dân Việt

“Thiên đường” du lịch của tỉnh Bình Phước khó phát triển, vì “dính” quy hoạch bauxite

Đông Anh 03/12/2024 18:30 GMT+7
Rất nhiều địa điểm, danh lam, thắng cảnh… của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đều bị “dính” trong không gian quy hoạch bauxite. Điều này khiến cho vùng đất được ví như “thiên đường” du lịch của tỉnh Bình Phước khó phát triển.

Sáng 3/12, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bình Phước, do ông Vũ Thanh Ngữ - phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước - làm trưởng đoàn, đã có buổi kiểm tra kết quả thực hiện các dự án phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bù Đăng.

Huyện Bù Đăng có vị trí chiến lược quan trọng, kết nối tỉnh Bình Phước và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, với các tỉnh Tây Nguyên. Huyện có nhiều lợi thế về danh lam, thắng cảnh, di tích, văn hóa lịch sử để phát triển du lịch.Trong đó, có 2 điểm nhấn thu hút đông đảo du khách tham quan, là Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo và khu du lịch sinh thái kết hợp sân golf trảng cỏ Bù Lạch.

Thiên đường du lịch của tỉnh Bình Phước khó phát triển, vì "dính" quy hoạch bauxite.- Ảnh 1.

Đoàn công tác làm việc với UBND huyện Bù Đăng ngày 3/12/2024. Ảnh: Đ.H

Trong buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Lưu – phó Chủ tịch UBND huyện, cùng các phòng chuyên môn của huyện Bù Đăng, cho biết: Thực hiện đề án phát triển du lịch, thời gian qua huyện Bù Đăng đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng, tôn tạo các di tích, khu bảo tồn…

Bên cạnh đó, chính quyền huyện Bù Đăng cũng chủ động đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và sản phẩm OCOP làm quà tặng du lịch như: Rượu cần, cơm lam, thổ cẩm, lúa gạo, hạt điều các loại.

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án du lịch tại những điểm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, để khai thác, thu hút khách du lịch du lịch, đều nằm trong không gian quy hoạch mỏ bauxite. Do đó, công tác xã hội hóa đầu tư nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống phục vụ du khách tham quan bị hạn chế rất nhiều.

Thiên đường du lịch của tỉnh Bình Phước khó phát triển, vì "dính" quy hoạch bauxite.- Ảnh 2.

Trảng cỏ Bù Lạch - thắng cảnh nổi tiếng của huyện Bù Đăng, nhìn từ trên cao. Ảnh: T.L

Huyện Bù Đăng được mọi người biết đến như là vùng đất huyền thoại, một "thiên đường" du lịch, vì nơi đây tập trung rất nhiều địa điểm có cảnh đẹp tự nhiên như: Trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, thác Bù Xa, thác Bù Tam, thác Voi, thác Pan Toong…

Đặc biệt, huyện Bù Đăng còn có Sóc Bom Bo. Đây là nơi cung cấp gạo cho bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tiếng chày khua giã gạo đã được nhiều nhạc sĩ, nhà thơ lấy làm nguồn cảm hứng để sáng tác. 

Trong số những tác phẩm về Sóc Bom Bo, bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" do nhạc sĩ Xuân Hồng viết, đã làm lay động biết bao người.

Vốn là một di tích lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sóc Bom Bo được chính quyền địa phương thành lập khu bảo tồn văn hóa với nhiều hạng mục hấp dẫn như: công trình nhà đón tiếp, hạng mục sân thả voi, sân lễ hội và hệ thống điện nước, đèn chiếu sáng… Song, hiện nay, khu di tích này cũng bị ảnh hưởng, do nằm trong không gian quy hoạch của dự án mỏ bauxite.

Thiên đường du lịch của tỉnh Bình Phước khó phát triển, vì "dính" quy hoạch bauxite.- Ảnh 3.

Tại một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc S'tiêng ở huyện Bud Đăng. Ảnh: T.L

Tại buổi kiểm tra, các thành viên trong đoàn kiểm tra đã thảo luận làm rõ, ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc trong việc triển khai, xúc tiến phát triển du lịch. Qua đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bù Đăng, phù hợp với thực tế.

Theo ông Vũ Thanh Ngữ - phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước: Tỉnh ghi nhận và đánh giá cao công tác phát triển ngành du lịch của huyện Bù Đăng trong thời gian qua. Huyện Bù Đăng có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch.

Trước các bất cập, chính quyền huyện Bù Đăng cần nỗ lực, rà soát, xem xét việc quy hoạch phát triển du lịch. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư, khắc phục những bất cập, vướng mắc".


Ngày 4/10/2024, báo Dân Việt đã đăng bài; "Gần 19.000 hộ dân tỉnh Bình Phước "mắc kẹt" giữa vùng quy hoạch bauxite". Nội dung bài báo phản ánh: Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/ 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Từ đó, dẫn tới việc quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước tới 90.000ha đất. Trong đó, riêng huyện Bù Đăng bị quy hoạch mỏ quặng bauxite gần như toàn huyện. Điều này dẫn tới ảnh hưởng cuộc sống của gần 19.000 hộ dân hiện đang sinh sống ổn định tại huyện Bù Đăng.

Thiên đường du lịch của tỉnh Bình Phước khó phát triển, vì "dính" quy hoạch bauxite.- Ảnh 5.

Danh thắng thác Voi ở huyện Bù Đăng. Ảnh: T.L

Huyện Bù Đăng cách TP.HCM 160 km, tiếp giáp các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Đồng Nai, cách TP. Đồng Xoài 54km. Bù Đăng có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Bình Phước (1.500km²), dân số trên 150 ngàn người.

Bù Đăng có 34 dân tộc anh em, đặc biệt có cộng đồng người S’tiêng, Mơnông sinh sống lâu đời. Trải qua nhiều thế hệ, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên đã hình thành những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc như: cồng chiêng, thổ cẩm, ẩm thực và các lễ hội dân gian…