Bình Phước: Nông thôn mới huyện Bù Đăng, nông nghiệp trù phú, thương mại, dịch vụ sôi động
Bình Phước: Nông thôn mới huyện Bù Đăng, nông nghiệp trù phú, thương mại, dịch vụ ngày càng sôi động
Cao Nguyễn Đông Anh
Thứ sáu, ngày 25/10/2024 05:29 AM (GMT+7)
Từ một vùng đất chủ yếu làm kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bình Phước. Nay, huyện Bù Đăng đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ... Đời sống, mức thụ hưởng của người dân ngày một nâng cao. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM)
Bù Đăng là huyện miền núi của tỉnh Bình Phước, có diện tích tư nhiên gần 1.500km2. Tổng dân số trên toàn huyện khoảng 144.000 nhân khẩu, với 31 dân tộc anh em sinh sống (đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khoảng 40%). Hàng chục năm qua người dân Bù Đăng chỉ biết trồng cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi; sản phẩm làm ra mang tính tự cung tự cấp.
Nhưng hôm nay, Bù Đăng đã chuyển mình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề tương xứng với tiềm năng của một vùng đất trù phú. Trên địa bàn huyện hiện có 24 tổ hợp tác; 37 hợp tác xã (HTX); trong đó có 35 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp; có 108 trang trại với tổng diện tích 1.413 ha, gồm 93 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi, 4 trang trại tổng hợp…
Ông Nguyễn Văn Lưu - phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: "Trong những năm gần đây, người dân đang dần thay thế cách làm cũ, mô hình cũ, bằng những mô hình phát triển kinh tế mới, với nhiều sáng tạo, có tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm thực tế. Họ đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật. Các HTX, tổ hợp tác, hộ trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đã phát triển theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm".
Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu nông sản bước đầu được chú trọng, các sản phẩm như sầu riêng, hồ tiêu, điều của các HTX, tổ hợp tác,... địa phương đã đăng ký mã vùng trồng ngày càng tăng.
Ông Lưu cũng cho biết thêm, toàn huyện Bù Đăng có 20 trang trại chăn nuôi theo mô hình công nghiệp. Hàng loạt chương trình, dự án nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại và hộ gia đình kết hợp với kinh tế vườn đồi.Một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáng kinh ngạc.
Nông thôn mới trường học, cho đến nông thôn mới…hồ tiêu
Điều khiến bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng, khi đến với Bù Đăng, vào những ngày địa phương này đang chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Bù Đăng (1975-2025) và 15 năm xây dựng nông thôn mới (2010-2024). Có thể nói, chính xây dựng nông thôn mới (NTM), như đòn bẩy, làm đổi thay cả vùng đất này.
Ông Nguyễn Đức Đặng - phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bom Bo, cho hay: "Xây dựng cơ sở hạ tầng là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Song, tách mỗi việc đầu tư trường học cho ngành giáo dục, sẽ thấy một sự đổi thay rõ nét tại xã Bom Bo".
Thật vậy, xã Bom Bo hiện có 4 trường học các cấp đã đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Năm 2023, Trường TH&THCS Trần Văn Ơn được UBND huyện Bù Đăng đưa vào kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trường đang được đầu tư xây dựng hệ thống khối phòng bộ môn, phòng hành chính khang trang, hiện đại.
Trên địa bàn xã Bom Bo hiện có 58 tuyến đường lớn nhỏ, với tổng chiều dài 135,75km. Trong đó, đường tỉnh quản lý 7km, đường huyện 10km, xã quản lý 118,75km.
Từ khi xã đạt chuẩn NTM vào năm 2019, các tuyến đường ngày càng được nhà nước quan tâm hơn, cùng nhân dân chung tay nâng cấp, sửa chữa và mở rộng đầu tư xây dựng mới. Đến nay, toàn xã có hơn 47km đường nhựa, gần 72km đường bê tông xi măng và hơn 16km đường cấp phối sỏi đá.
Xã Bom Bo đã hoàn thành 20 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao và đang phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V. Mục tiêu trước mắt và lâu dài, Bom Bo đang tập trung mọi nguồn lực để trở thành vùng trung tâm, kinh tế và du lịch của huyện Bù Đăng.
Tương tự, ở khía cạnh khác trong sự đổi thay nhờ phát triển NTM, thì xã Thống Nhất lại có sự đột phá về sản xuất nông nghiệp. Tận dụng lợi thế về phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, trong đó có hồ tiêu. Trước đây, khi giá hồ tiêu xuống thấp, cộng với sâu bệnh, khiến nhiều hộ nông dân không mặn mà với loại cây trồng này.
Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi vào năm 2021, xã Thống Nhất được đầu tư về đích NTM, với hệ thống giao thông thông suốt, đi lại thuận tiện, các hộ dân đã liên kết vào HTX tiêu sạch. Từ đó, người dân yên tâm bám trụ trồng hồ tiêu, tích cực chăm sóc theo quy trình cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Ông Hoàng Văn Đình - Ctịch Hội Nông dân xã Thống Nhất - cho biết: "Trước đây, bà con bón phân hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình, liều lượng, dẫn đến cây tiêu chết nhiều.
Hội Nông dân đã vận động bà con tham gia HTX tiêu sạch, liên kết với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam để được hướng dẫn quy trình bón phân, chăm sóc, xử lý sâu bệnh trên cây trồng.
Tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, các chất cấm, mà chỉ bón phân chuồng, xịt thuốc sinh học để tạo cho vườn tiêu xanh tốt, năng suất, chất lượng cao".
HTX tiêu sạch xã Thống Nhất thành lập năm 2021 với 20 thành viên, diện tích 17 ha. Sản phẩm hồ tiêu được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam bao tiêu 100% với cam kết cao hơn giá thị trường.
Diện mạo đổi thay, cả vùng đất chuyển mình
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu: "Các tuyến đường liên xã cơ bản được nhựa hoá; 100% thôn có đường sỏi đỏ, đường thâm nhập nhựa hoặc bê tông xi măng. Chương trình làm đường bê tông xi măng nông thôn, với phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", toàn huyện đã vận động làm mới 447km đường giao thông nông thôn.
Đầu tư nâng cấp, xây dựng các trạm và hệ thống lưới điện cho các xã, thị trấn bằng nhiều nguồn vốn. Từ đó đảm đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và liên tục phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,86% góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn".
"Chung tay xây dựng NTM được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa bàn huyện Bù Đăng triển khai đồng bộ, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực sự trở thành phong trào sâu rộng, ý thức tự giác của mọi người dân. Vai trò chủ thể của người dân ở mỗi công trình, phần việc đươc khẳng định, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc" - Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu nói.
Đến nay, toàn huyện có 12/15 xã đạt chuẩn NTM tiêu chuẩn, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và phấn đấu đến cuối năm 2025 có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, 6/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 100% chỉ tiêu. Cùng với đó, huyện đang phấn đấu đưa thị trấn Đức Phong lên đô thị loại IV và thành lập đô thị Đức Liễu loại V thời gian tới.
Việc tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Bù Đăng đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân. Người dân đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình là nguồn lực chính xây dựng NTM. Họ tự nguyện tham gia tích cực, đặc biệt là đóng góp sức người, tiền và các nguồn lực khác để sửa chữa đường, kéo điện phục vụ chính cuộc sống của mình. Đây cũng là một sự chuyển biến, tạo đà cho phát triển chương trình NTM ở Bù Đăng thời gian tới.
Những con đường rộng mở tiếp tục được hình thành; những ngôi nhà mới, khang trang đã sáng lên ánh điện. Hình ảnh ấy cho chúng ta thấy một NTM đang trên đà phát triển, đời sống của nhân dân giàu có, sung túc và phồn thịnh. Chắc chắn, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở huyện Bù Đăng sẽ sớm hoàn thành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.