Dân Việt

"Cây lơ lửng" là cây gì mà một ông nông dân Thái Bình trồng thành công, thu 1,4 tỷ?

Nghĩa Lê 04/12/2024 19:18 GMT+7
Từ năm 2021, mô hình trồng nấm từ rơm rạ tại Thái Bình đã trở thành một trong những giải pháp hiệu quả giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Có một nông dân ở đây trồng nấm từ rơm rạ mà thu 1,4 tỷ đồng/năm.

Mô hình trồng nấm sạch từ "phế phụ phẩm" rơm rạ ở Thái Bình...

Một nông dân Thái Bình trồng cây "lơ lửng", sản lượng hơn 14 vạn, lợi nhuận ròng đạt 1 tỷ 4 đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Chiều ngày 3/12/2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức thăm mô hình trồng nấm tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nghĩa Lê

Anh Đinh Thành Ninh, chủ mô hình trồng nấm ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), cho biết trong khoảng thời gian dịch bệnh năm 2020, vì không được đi đâu và làm gì nên anh thấy có quỹ đất hơn 2200m2 để không, nên anh đã mang ra và thử nghiệm mô hình trồng nấm ở quy mô nhỏ, lúc đầu anh sử dụng mùn cưa và bông phế thải để sản xuất nấm nhưng chi phí đầu vào quá cao nên anh chưa thấy lợi nhuận từ nó.

Sau một khoảng thời gian nghiên cứu và quan sát, anh thấy tình trạng bà con đốt rơm rạ ngày càng gia tăng và lãng phí nên anh đã nghĩ ra cách mang về tái sử dụng phế phụ phẩm này và đã mang lại nhiều thành tựu vượt qua mong đợi. 

Đến nay, với diện tích sản xuất phôi lên đến 1.000 m² và khu vực chăm sóc, thu hoạch nấm rộng 1.200 m², anh Ninh hiện nay sản xuất khoảng 7 vạn phôi nấm mỗi vụ, chia thành hai vụ, với tổng sản lượng lên đến 14 vạn phôi mỗi năm. 

Mỗi phôi nấm cho ra khoảng 6 lạng sản phẩm, sản xuất ra 1 phôi hết 3.500 ngàn đồng và bán ra thị trường được khoảng 16-18 nghìn đồng trừ hết các chi phí nhân công, nhà xưởng, điện nước,... thì lãi khoảng 10 đồng trên một phôi, giúp anh Ninh đạt được lợi nhuận 1 tỷ 4 đồng mỗi năm trên sản lượng 14 vạn. Đặc biệt, nhờ việc sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu chính, chi phí đầu vào đã giảm đáng kể so với các nguyên liệu truyền thống như mùn cưa hay bông phế thải.

Anh Ninh chia sẻ: “Rơm rạ có sẵn ngay trên các cánh đồng xung quanh trang trại. Trước đây, bà con chỉ đốt đi, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm. Tôi quyết định thu gom rơm về để làm nguyên liệu trồng nấm, không chỉ giúp giảm chi phí mà còn tận dụng được nguồn tài nguyên địa phương. Sau khi xử lý qua nước vôi, ủ và kết hợp với mùn cưa, sản phẩm nấm đạt chất lượng cao và chi phí rất thấp".

Một nông dân Thái Bình trồng cây "lơ lửng", sản lượng hơn 14 vạn, lợi nhuận ròng đạt 1 tỷ 4 đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Anh Đinh Thành Ninh, Chủ mô hình trồng nấm ở Thái Bình, có lợi nhuận ròng ước tính hơn 1 tỷ 4 mỗi năm, mong muốn được hỗ trợ bà con ở địa phương cùng mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng kinh tế cho bà con bên cạnh đấy cung cấp đủ nguồn cung cho thị trường. Ảnh: KNQG

Ngoài việc giảm chi phí nguyên liệu, mô hình trồng nấm của anh còn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, vì rơm rạ sau khi sử dụng có thể tái sử dụng rất phù hợp với nông nghiệp tuần hoàn để đạt được sản xuất khép nông nghiệp khép kín từ đó làm phân bón cho cây trồng như ớt, đậu hay lúa. 

Hơn nữa, việc sử dụng rơm rạ thu mua tầm 500-700 đồng/cân thay thế cho bông phế thải giúp anh tiết kiệm được khoảng 2.800 đồng/kg so với giá của mùn cưa và bông phế thải.

Đáng chú ý, trong quá trình sản xuất, anh Ninh áp dụng công nghệ hiện đại như hệ thống tưới phun sương thông minh, được trao tặng bởi Trung tâm Khuyến nông Thái Bình. 

Hệ thống này giúp anh kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ một cách chính xác, đồng thời giảm chi phí nhân công tưới nước, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng nấm. 

Chính quyền địa phương và Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cũng đã hỗ trợ anh rất nhiệt tình trong việc phát triển mô hình này, qua đó giúp nhiều hộ dân trong khu vực cải thiện đời sống.

Một nông dân Thái Bình trồng cây "lơ lửng", sản lượng hơn 14 vạn, lợi nhuận ròng đạt 1 tỷ 4 đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Mô hình trồng nấm của anh Ninh rất đáng được học hỏi và nhân rộng ở địa phương và các tỉnh thành lân cận. Ảnh: Nghĩa Lê

“Mô hình này rất phù hợp với người dân ở địa phương, đặc biệt là những người cao tuổi. Công việc chăm sóc nấm không vất vả như trồng các loại cây khác, vì vậy rất nhiều bà con có thể tham gia. Nếu mỗi gia đình chăm sóc khoảng 5.000 phôi, mỗi năm thu được khoảng 2 vạn phôi, thì họ có thể kiếm được từ 80-100 triệu đồng. Tôi mong muốn có thể phát triển quy mô sản xuất, cung cấp phôi cho bà con và giúp họ xây dựng cuộc sống tốt hơn”, anh Ninh chia sẻ thêm với phóng viên báo Dân Việt.

Một nông dân Thái Bình trồng cây "lơ lửng", sản lượng hơn 14 vạn, lợi nhuận ròng đạt 1 tỷ 4 đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Những lao động cao tuổi vẫn hoàn toàn có thể tham gia vào quy mô sản xuất một cách dễ dàng và không hề có quá nhiều vất vả trong quá trình trồng nấm tại địa phương, theo anh Ninh chia sẻ. Ảnh: Nghĩa Lê

Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ mối lo ngại về tình trạng cung vượt cầu. Thị trường hiện nay rất cần nguồn nấm sạch như sản phẩm của anh, nhưng nguồn cung không đủ để đáp ứng.

Các sản phẩm nấm nhập khẩu từ Trung Quốc thường phải qua hóa chất bảo quản, không thể đạt được độ sạch và chất lượng như nấm nội địa. 

Chính vì vậy, anh Ninh mong muốn chính quyền địa phương và bà con nông dân có thể cùng chung tay phát triển quy mô sản xuất để đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường, đồng thời giúp nông nghiệp Thái Bình ngày càng phát triển bền vững hơn.

Giảm ô nhiễm môi trường gắn liền với nông nghiệp tuần hoàn...

Anh Lại Văn Chuyên, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình , cho biết: "Một trong những ưu điểm nổi bật của mô hình sản xuất nấm từ rơm rạ tại Thái Bình là khả năng giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua việc áp dụng nông nghiệp tuần hoàn".

Một nông dân Thái Bình trồng cây "lơ lửng", sản lượng hơn 14 vạn, lợi nhuận ròng đạt 1 tỷ 4 đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Anh Lại Văn Chuyên, cán bộ kỹ thuật ở Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, rất sát sao với mô hình trồng nấm của anh Ninh và cũng mong muốn hỗ trợ anh Ninh nhân rộng quy mô sản xuất ra rộng hơn nữa. Ảnh: Nghĩa Lê

Khi người dân tại các khu vực nông thôn vẫn duy trì thói quen đốt rơm rạ sau mùa vụ, việc đốt này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, ô nhiễm nguồn nước và tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, với mô hình mới này, rơm rạ không còn là "rác" mà trở thành nguồn nguyên liệu quý giá để sản xuất nấm, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm và đồng thời tăng cường giá trị kinh tế cho nông dân.

"Nông nghiệp tuần hoàn là một hệ thống sản xuất không có sự lãng phí, mọi "phế phụ phẩm" đều được tái sử dụng, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Trong mô hình này, rơm rạ không bị đốt bỏ, mà được thu gom, xử lý và tái sử dụng làm nguyên liệu chính để trồng nấm", anh Chuyên cho biết thêm.

Nguồn nguyên liệu rơm rạ tại địa phương vô cùng dồi dào, giúp giảm chi phí đầu vào đến một phần ba so với việc sử dụng bông phế thải và mùn cưa. Trong khi chi phí mua mùn cưa và bông phế thải thường dao động từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi mỗi tấn, thậm chí có thể lên đến 2 triệu khi giá cao, thì chi phí cho một tấn rơm rạ chỉ từ 500-600 nghìn đồng.

Điều đặc biệt hơn nữa, nấm được sản xuất từ rơm rạ không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn có chất lượng vượt trội. 

Một nông dân Thái Bình trồng cây "lơ lửng", sản lượng hơn 14 vạn, lợi nhuận ròng đạt 1 tỷ 4 đồng mỗi năm - Ảnh 6.

Những nhân công cao tuổi, đang trong quá trình xử lý phôi để nấm phát triển một cách tốt nhất. Ảnh: Nghĩa Lê

Sản phẩm từ rơm rạ có hương vị ngon hơn hẳn so với nấm trồng từ mùn cưa hay bông phế thải, mang lại giá trị dinh dưỡng cao hơn và cảm giác ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt khi giảm được chi phí đầu vào mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, anh Chuyên chia sẻ: "Chính vì nguồn nguyên liệu rơm rạ có sẵn tại địa phương, chúng tôi có thể tận dụng triệt để, tránh tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Rơm rạ sau khi thu gom được xử lý đúng quy trình kỹ thuật, qua đó không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao".

Việc sử dụng rơm rạ thay vì đốt bỏ giúp bảo vệ nguồn nước, giảm khí thải độc hại và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, một vấn đề rất nghiêm trọng đối với các khu vực nông thôn. 

Quan trọng hơn, quá trình này góp phần duy trì độ phì nhiêu cho đất, giúp bảo vệ chất hữu cơ và cácbon trong lòng đất, ngăn chặn hiện tượng xói mòn đất và sự suy thoái đất đai.

Mô hình này không chỉ giúp cải thiện chất lượng môi trường mà còn tạo ra một chu trình sản xuất nông nghiệp bền vững, trong đó các phế phẩm nông sản như rơm rạ được quay lại hệ sinh thái, phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp khác. 

Như anh Chuyên chia sẻ, “Phế phụ phẩm từ sản xuất nấm, sau khi được thu hoạch, sẽ trở thành nguồn phân bón hữu cơ tốt cho cây trồng, từ đó hình thành một hệ thống tuần hoàn khép kín".