Dân Việt

Nông dân nơi này ở Đồng Tháp bỏ ruộng không vài ngày cho hàng ngàn con chim hoang dã bắt ốc, săn mồi

Ý thức được lợi ích của chim, cò đối với sản xuất nông nghiệp cũng như trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, thay vì phun thuốc diệt ốc ngay từ khi mới làm đất, nhiều nông dân xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đã thay đổi cách làm bằng cách để đồng ruộng tự nhiên cho chim hoang dã đến săn mồi trong vài ngày.

Đây là cánh đồng rộng hơn 2.000 hecta của nông dân khu ô bao số 52, tại ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim). 

Nông dân nơi nay ở Đồng Tháp bỏ ruộng không vài ngày cho hàng ngàn con chim hoang dã bắt ốc, kiếm ăn - Ảnh 1.

Chim, cò (các loài chim hoang dã) đang săn mồi trên cánh đồng rộng hơn 2.000 hecta của nông dân khu ô bao số 52, tại ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim).

Nông dân trong khu ô bao không làm lúa vụ 3 mà xả lũ, đón phù sa. Nhờ vậy, lượng cua, ốc, cá và các loài thủy sinh có trên đồng khá nhiều.

Thời điểm này, nông dân đang vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân sớm 2024 - 2025. 

Khi cày xới, rút nước để chuẩn bị gieo sạ vụ mùa mới đã thu hút hàng vạn con chim, cò (chim hoang dã) các loại tập trung về đây để tìm thức ăn. 

Các loại chim, cò như: Cò ốc, cò trắng, quắm đen v.v. bay thành từng đàn rất đông, đặc biệt các loài chim di cư như: Chim choắc, chim Suốt và Nhàn cũng có mặt trên đồng.

Người dân nơi đây cho biết, số lượng chim, cò đợt này về nhiều hơn so với những năm trước, chúng sẽ ăn các loài cua, ốc, nhất là ốc bươu vàng gây hại cho lúa, nông dân cũng đỡ phần nào chi phí cho thuốc diệt ốc bươu vàng.

Ý thức được lợi ích của chim hoang dã đối với sản xuất nông nghiệp cũng như trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, thay vì phun thuốc diệt ốc ngay từ khi mới làm đất, nhiều nông dân đã thay đổi cách làm bằng cách để đồng ruộng tự nhiên cho chim, cò đến săn mồi trong vài ngày.

Đến khi xuống lúa giống mới bắt đầu phun xịt thuốc diệt ốc. Đó cũng là thời điểm chim cò đã tích trữ được năng lượng và trên đồng không còn thức ăn.