Là người tham gia Hội đồng chung khảo cả 2 mùa Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông đánh giá như thế nào về những điểm mới của mùa giải năm nay?
Đây là năm thứ 2 Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tổ chức, cũng là năm thứ 2 tôi vinh dự tham gia Hội đồng chung khảo. Năm nay ngoài duy trì số lượng tác phẩm lớn thì chất lượng của các tác phẩm cũng khá đồng đều và có phần nhỉnh hơn năm ngoái, sự đa dạng về nội dung cũng là điểm mới rất lưu ý.
Mỗi một tác phẩm đều mang một câu chuyện, hình ảnh, tiếng nói rất riêng. Không những vậy, có những tác phẩm còn mang tính thời sự rất cao, phản ánh, phản biện chính sách... Điều này càng khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có một vị thế, vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.
Không chỉ khai thác các vấn đề xung quanh đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các tác giả còn đi sâu vào các đề tài chính luận, "dấn thân" vào điều tra, các vấn đề mang tầm khái quát, vĩ mô hơn như": nông nghiệp xanh giảm phát thải, văn hóa ở nông thôn…
Cái mới của năm nay là lần đầu tiên đưa thể loại phát thanh, truyền hình vào trao giải. Rất tình cờ trong số 42 tác phẩm đoạt giải năm nay có tác phẩm mà tôi đã xem trên truyền hình và khá tâm đắc, chính vì vậy khi gặp lại tác phẩm này, tôi đã đánh giá rất cao công tác sơ khảo của Ban Tổ chức, chứng tỏ các bạn làm việc rất chỉn chu, khách quan, chính xác.
Việc đưa thêm loại hình phát thanh, truyền hình phản ánh sự thức thời của Ban Tổ chức, bởi bên cạnh những trang báo in truyền thống, những bài viết trên báo điện tử, thì mảng phát thanh, truyền hình cũng là mảnh đất màu mỡ, thỏa sức sáng tạo của các tác giả mà nếu bỏ qua chúng ta sẽ rất hối tiếc vì mất cơ hội thưởng thức các tác phẩm hay.
Điều gì ở những tác giả khiến ông đưa ra nhận xét "bất ngờ, xúc động và cảm phục" khi chấm giải năm nay?
Ngay từ mùa giải đầu tiên tôi đã luôn đánh giá cao sự dấn thân, vất vả của các tác giả khi họ đã không ngại khó khăn để đầu tư công sức tạo nên những tác phẩm tuyệt vời. Đọc những tác phẩm đoạt giải cao năm nay, chắc hẳn độc giả cũng sẽ chung niềm xúc động như chúng tôi, từ những cảm xúc đó sẽ dẫn đến sự cảm phục và cả tự hào nữa.
Còn bất ngờ bởi vì năm nay giải thu hút được những tác giả hết sức đặc biệt, ngoài các nhà báo, các tác giả không chuyên, còn có cả các vị chính khách, nhà khoa học như Nhà báo Xích Lô - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, các thầy cô giáo, nhiếp ảnh gia, thẩm phán,... Đó là những bất ngờ thú vị và ngọt ngào.
Khi đến họp Hội đồng chung khảo, ông đã mang theo bảng chấm điểm của mình, bên cạnh mỗi tác phẩm ông đều ghi rất tỉ mỉ, chi tiết nhận xét, đánh giá trước khi cho điểm. Một số tác phẩm ông ghi rất dài, liệu đó có phải là những tác phẩm khiến ông tâm đắc nhất?
Như tôi đã nói ở trên, chất lượng các tác phẩm năm nay rất đồng đều. Tác phẩm điểm cao nhất và tác phẩm điểm thấp nhất chỉ chênh nhau 1,5 điểm, đây là tổng hợp điểm của các giám khảo chứ không riêng gì tôi, điều này đã phản ánh rất rõ thực tế chất lượng giải năm nay. Còn tất nhiên mỗi giám khảo sẽ có sự lựa chọn riêng về những tác phẩm khiến họ ưng ý nhất, với tôi có hai tác phẩm mà tôi dành nhiều thời gian đọc, nghiền ngẫm và nhận xét rất kỹ.
Đó là tác phẩm "Câu chuyện Đồng Giao" của báo Nhân dân. Đây là tác phẩm gây cho tôi nhiều điều bất ngờ. Đồng Giao vốn là nông trường quốc doanh được cổ phần hóa trở thành một tập đoàn lớn trong ngành nông nghiệp. Tác phẩm đã khái quát được ba vấn đề lớn: thứ nhất là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Thứ hai là đưa được giống dứa mới năng suất cao vào trồng góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, xây dựng được mối liên kết giữa nông trường và nông dân vô cùng bền vững.
Tôi đã gặp những người nông dân trồng dứa ở nông trường Đồng Giao, họ tưởng chúng tôi là đoàn kiểm tra đi quy hoạch lại đất, họ rất thẳng thắn bộc bạch: "Các bác làm gì thì làm, nhưng nếu không cho chúng tôi trồng dứa chúng tôi sẽ phản đối đấy", bởi năng suất khi đó quá lớn, lên tới 70 tấn/ha đồng nghĩa với thu nhập của nông dân cũng tăng thêm vài chục triệu mỗi ha, thế thì làm gì có ai không ham?
Vấn đề lớn thứ 3 mà tác phẩm này nói lên được, chính là khâu chế biến gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng Giao là một trong những đơn vị gần như không có sản phẩm thô mà chủ yếu là sản phẩm tinh chế. Chưa kể công nghệ chế biến rất hiện đại, đảm bảo phát triển xanh, thân thiện với môi trường…
Hay tác phẩm "Giàng A Hiếu – người đánh thức xứ sở hạnh phúc Suối Giàng" viết về câu chuyện một kiến trúc sư trẻ là anh Giàng A Hiếu, đang là một giảng viên với vị trí công việc mơ ước, dám đầu tư vào lĩnh vực mạo hiểm như nông nghiệp chỉ vì tình yêu với mảnh đất Suối Giàng. Tôi đã từng đến Suối Giàng, đó là địa phương vô cùng khó khăn, từ những năm 1979-1980, các mậu dịch viên ngoài 30 tuổi vẫn chưa lấy chồng, cuộc sống của người dân nghèo nàn, lạc hậu… Từ thực tế đó, chàng kiến trúc sư đã nuôi khát vọng biến vùng đất nghèo khó đó trở thành vùng đất giàu có và hạnh phúc.
Và còn rất nhiều các tác phẩm khác mà nếu được là thành viên Ban tổ chức, tôi sẽ đề xuất tăng thêm cơ cấu giải để chúng tôi không phải nâng lên, đặt xuống và tiếc nuối vì thấy một tác phẩm xuất sắc thiếu may mắn trong mùa giải năm nay.
Liệu có phải đó cũng là đề xuất của ông với Ban Tổ chức hay không? Theo ông để làm tốt hơn công tác nâng cao chất lượng giải trong những năm sắp tới, Ban Tổ chức cần chú trọng những vấn đề gì?
Đúng là tôi cũng như phần đông các thành viên Hội đồng chung khảo năm nay đều có chung sự tiếc nuối. Tiếc vì số lượng giải ít quá, phần báo in – báo điện tử chỉ có một giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến Khích, phần phát thanh – truyền hình – poscast cũng tương tự; trong khi như tôi đã nhấn mạnh năm nay số lượng bài chất lượng rất nhiều. Từ 70 tác phẩm vào chung khảo, chúng ta chọn ra được 42 tác phẩm – con số rất khiêm tốn so với tiềm năng và thực tế chất lượng giải năm nay.
Do đó, tôi mạnh dạn đề xuất sang năm Ban Tổ chức nên chia ra thành 4 nhóm thể loại riêng: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; có như vậy chúng ta mới tôn vinh được hết những tác phẩm hay, những tác giả xứng đáng.
Đồng thời, lan tỏa và khuyến khích thêm nhiều nhà báo, các tác giả không chuyên, các cơ quan báo chí trong cả nước tham gia nhiều hơn nữa, bởi tôi đánh giá đây là Giải báo chí uy tín nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là sân chơi bổ ích của các nhà báo chuyên viết về nông nghiệp… Vì thế cơ cấu giải tăng cao hơn cũng là cách để chúng ta thu hút nhân tài, thu hút nhiều tác phẩm, nâng vị thế uy tín cho các nhà báo viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ quý báu của ông!