Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang Trần Văn Đức: Vinh dự khi loạt bài "tái cơ cấu nông nghiệp" đoạt giải
Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang Trần Văn Đức: Vinh dự khi loạt bài "tái cơ cấu nông nghiệp" đoạt giải
Minh Ngọc (thực hiện)
Thứ ba, ngày 03/12/2024 13:42 PM (GMT+7)
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024 có thêm thể loại truyền hình và phát thanh là một bước tiến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ban Tổ chức. Điều này không chỉ nâng cao quy mô của Giải mà còn mở rộng sức lan tỏa đến đa dạng đối tượng công chúng.
Ngày 27/11, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024 đã công bố 42 tác phẩm đoạt Giải năm nay. Trong đó, tác phẩm loạt 4 bài: "Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững" của nhóm tác giả Trần Văn Đức và Trịnh Thị Lan của Báo Bắc Giang nằm trong các tác phẩm đoạt giải được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao, bởi đã khắc họa toàn diện nông nghiệp tỉnh Bắc Giang thời gian qua, đồng thời chỉ ra những "điểm nghẽn", hạn chế, bài học từ thực tiễn và đưa ra định hướng, giải pháp để nông nghiệp Bắc Giang "cất cánh".
Trước thềm lễ trao giải Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Trần Văn Đức - Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang - đại diện nhóm tác giả đoạt giải.
Cảm xúc của ông ra sao khi loạt 4 bài "Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững" của Báo Bắc Giang là 1 trong 42 tác phẩm đoạt giải tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- 2024?.
- Thực sự lúc này, tôi và bạn đồng nghiệp Trịnh Thị Lan rất vui mừng khi loạt 4 bài "Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững" được vinh danh tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024. Đây không chỉ là niềm vui của nhóm tác giả mà còn là niềm tự hào của cả tập thể Báo Bắc Giang.
Đằng sau mỗi dòng chữ là những câu chuyện thực tế sống động của người nông dân, những nhà quản lý và cả những nhà khoa học đã nỗ lực hết mình vì sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Giải thưởng là sự ghi nhận cho nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, đồng thời khích lệ chúng tôi tiếp tục theo đuổi sứ mệnh phản ánh chân thực và đóng góp vào sự phát triển của "tam nông" Bắc Giang nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tôi hy vọng loạt bài không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận thành tích mà còn tạo cảm hứng và hiến kế những giải pháp thiết thực cho những người làm nông nghiệp, để họ thấy rõ hơn tiềm năng, cơ hội, cũng như hướng đi bền vững trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II - năm 2024 không chỉ dừng lại thể loại báo in và báo điện tử mà còn mở rộng thêm thể loại báo truyền hình và báo phát thanh. Ông có đánh giá gì về quy mô, sức lan tỏa của Giải năm nay?
- Tôi nghĩ rằng Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024 mở rộng thêm thể loại báo truyền hình và báo phát thanh là một bước tiến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ban Tổ chức. Điều này không chỉ nâng cao quy mô của Giải mà còn mở rộng sức lan tỏa đến đa dạng đối tượng công chúng.
Mỗi thể loại báo chí đều có thế mạnh riêng. Báo in và báo điện tử cung cấp chiều sâu phân tích, dữ liệu chi tiết, trong khi truyền hình và phát thanh lại có khả năng truyền tải thông điệp sống động qua hình ảnh và âm thanh. Sự bổ sung này giúp các tác phẩm báo chí tiếp cận người dân ở nhiều tầng lớp, khu vực khác nhau, từ thành thị đến nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa.
Qua theo dõi thông tin trên Báo điện tử Dân Việt, sau khi Hội đồng Giám khảo chấm chung khảo và công bố 42 tác phẩm đoạt giải, tôi đánh giá cao sức lan tỏa của Giải năm nay khi đã khuyến khích được sức sáng tạo, đổi mới trong cách tiếp cận của mỗi tác phẩm tham dự. Các tác phẩm không chỉ phản ánh thực tiễn mà còn khơi dậy cảm hứng, góp phần chuyển đổi nhận thức và hành động của người nông dân cũng như những người làm chính sách. Giải thưởng đã khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Trở lại với loạt 4 bài: "Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững", tác phẩm đã khắc họa toàn diện ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang. Vừa là lãnh đạo của Báo Bắc Giang và cũng là một trong các tác giả trực tiếp thực hiện bài viết, ông nhìn nhận gì về sự chuyển mình của nông nghiệp của Bắc Giang thời gian qua?.
- Với tư cách vừa là lãnh đạo Báo Bắc Giang, vừa là một trong các tác giả trực tiếp thực hiện loạt bài, tôi nhận thấy nông nghiệp tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và ấn tượng.
Như bạn biết đấy, Bắc Giang là vùng trọng điểm cây ăn quả của cả nước. Nhiều thương hiệu nông sản mạnh, đặc biệt vải thiều Bắc Giang được coi là "điển hình của nông sản Việt". Có được kết quả này là do Bắc Giang đã thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang các mô hình sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng đến giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm chủ lực như vải thiều, rau màu và các loại cây ăn quả khác không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới, khẳng định thương hiệu nông sản Bắc Giang trên bản đồ quốc tế.
Điểm sáng, những câu chuyện truyền cảm hứng không chỉ dừng lại ở sản xuất, mà còn ở sự chuyển đổi tư duy. Các nhân vật chúng tôi nhắc đến trong bài chỉ là một phần rất nhỏ trong những con người luôn tâm huyết, nặng lòng với nông nghiệp như: ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang, hay bà Sênh, ông Hành… như những "nghệ nhân nông nghiệp".
Điều đáng mừng là người nông dân Bắc Giang ngày càng tiếp cận với các mô hình kinh tế mới như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số, đặc biệt là nông nghiệp gắn với du lịch, kinh tế nông nghiệp đa tầng giá trị... Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro trong sản xuất mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường.
Loạt bài đoạt giải của Báo Bắc Giang không chỉ tuyên truyền về các mô hình hay, nhân vật điển hình mà còn chỉ ra những "điểm nghẽn" của nông nghiệp tỉnh Bắc Giang. Thời gian tới, Báo Bắc Giang sẽ triển khai kế hoạch gì để tiếp tục đồng hành với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần xây dựng nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, thưa ông?.
- Loạt bài "Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững" đã chỉ ra một số "điểm nghẽn" chủ yếu của nông nghiệp Bắc Giang, mà nếu không được tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong tương lai, đó là:
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dù đã có những nỗ lực trong việc tích tụ ruộng đất, quá trình này vẫn còn nhiều vướng mắc về chính sách, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các mô hình sản xuất quy mô lớn, hiện đại. Hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nhiều nông dân vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ công nghệ, làm giảm năng suất và sức cạnh tranh của nông sản. Thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, các vấn đề như ô nhiễm nguồn nước, suy thoái đất canh tác và ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan đang đặt ra những nguy cơ lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Đứng trước những thách thức này, Báo Bắc Giang xác định trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng mà còn đồng hành cùng nông dân, chính quyền và doanh nghiệp để thúc đẩy những thay đổi tích cực. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ sau:
(1) Tiếp tục đi sâu vào các vấn đề 'điểm nghẽn' lớn: Tổ chức các loạt bài phân tích, điều tra sâu về các vấn đề như tích tụ đất đai, ứng dụng công nghệ và kết nối thị trường, nhằm đóng góp tiếng nói xây dựng chính sách, thúc đẩy giải pháp thực tiễn.
(2) Khuyến khích và lan tỏa các mô hình thành công: Tăng cường tuyên truyền các mô hình nông nghiệp hiện đại, kinh tế đa tầng giá trị hay chuyển đổi số thành công, để nhân rộng điển hình, giúp nông dân có thêm động lực và kiến thức thực tiễn.
(3) Thúc đẩy chuyển đổi số: Tập trung tuyên truyền, kết nối các nguồn lực để nông dân tiếp cận với các nền tảng số, công nghệ thông minh trong quản lý sản xuất, kinh doanh và quảng bá sản phẩm.
(4) Phản ánh và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nông dân: Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa chính quyền và người dân, phản ánh kịp thời các khó khăn, bất cập, đồng thời theo sát việc triển khai các chính sách hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả.
(5) Đổi mới cách truyền tải nội dung: Chúng tôi sẽ đầu tư vào các sản phẩm báo chí đa phương tiện và các nền tảng mạng xã hội, giúp nội dung về nông nghiệp đến gần hơn với độc giả, đặc biệt hướng tới độc giả nông thôn.
Cuối cùng, thay mặt nhóm tác giả, tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đã chọn vinh danh tác phẩm "Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững" của Báo Bắc Giang tại Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.