Hiện nay, các giải pháp kỹ thuật để xử lý chất thải đang được áp dụng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn có một số biện pháp, như xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất năng lượng sạch và phân bón hữu cơ.
Đồng thời, sử dụng đệm lót sau xử lý dùng để bón cho cây trồng. Ủ phân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón. Công nghệ vi sinh: sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải và khử mùi trong chăn nuôi. Chăn nuôi các loại côn trùng ăn chất thải chăn nuôi như trùn quế, ruồi lính đen. Hiện nay, biện pháp này ở nhiều địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi thu được nguồn đạm từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Theo Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, hiện Nông trại Tam Nông (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) là một trong những mô hình trực quan sinh động cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP. Tại Nông trại Tam Nông đang áp dụng chăn nuôi dê, gà, bồ câu, vịt trên nền đệm lót sinh học (rơm, trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh) để phân hủy chất thải.
Ngoài chất thải chăn nuôi thì rác hữu cơ tại nông trại được mang đi ủ bằng chế phẩm sinh học để tạo thành phân hữu cơ bón cho khu vườn, trong đó có cả rau xanh, cây ăn trái. Trong vườn còn có đàn vịt siêu trứng sử dụng thức ăn chính là ốc bắt trong trang trại, phân đàn vịt rơi xuống ao làm thức ăn cho cá tạo thành vòng tuần hoàn.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn TP, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông TP đã tổ chức cho nông dân chăn nuôi trên địa bàn TP và khuyến nông viên trực thuộc Trung tâm tham quan học tập một số mô hình kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Hậu Giang, như chăn nuôi bò thịt sử dụng nguồn thức ăn từ phụ phế phẩm trong trồng trọt và cỏ trồng, thu phân bò và chất thải hữu cơ trong trồng trọt đưa vào hầm ủ xử lý qua men vi sinh làm thức ăn nuôi trùn quế; nước thải chuồng trại và các chất thải rắn giàu đạm khác được đưa vào hầm biogas, nước sau biogas và nước thải thủy sản tưới cho cây trồng.
Để triển khai các hoạt động khuyến nông bám sát chủ trương, định hướng của ngành, TP, đáp ứng các nhiệm vụ, yêu cầu mới hiện nay; đồng thời tiếp tục phát huy tốt chức năng và nhiệm vụ khuyến nông trong thời kỳ mới, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 64 về định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông trên địa bàn TP.
Trong đó, có các nhóm mô hình trình diễn khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, mô hình theo nhu cầu sản xuất, thị trường và mô hình sản xuất giống phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp tuần hoàn.
Trước đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả…
Mục tiêu đến năm 2025, với ngành chăn nuôi, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất;
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng kỹ thuật công nghệ cho hình thành và phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực ưu tiên…