Vì sao HTX, doanh nghiệp Bình Dương lại quan tâm đến nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn?

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 23/10/2024 05:42 AM (GMT+7)
Phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và thực hành trách nhiệm xã hội trong sản xuất kinh doanh nông sản là mục tiêu, nhiệm vụ cũng là giải pháp động lực để doanh nghiệp, HTX nông nghiệp Bình Dương phát triển bền vững.
Bình luận 0

Ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và HTX nông nghiệp

Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam có trụ sở tại Bình Dương, cùng hệ thống trang trại ở nhiều tỉnh thành. TS. Lê Thanh Phương - Giám đốc Chương trình chăn nuôi gia công heo, gà của Emivest cho biết, trách nhiệm xã hội không còn là tự nguyện mà phải tuân thủ các quy định của pháp luật ngày càng nghiêm ngặc.

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong cộng đồng tốt hơn, giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn. Trách nhiệm xã hội tại công ty được thể hiện đầy đủ trên cả 3 đối tượng: Người lao động tham gia sản xuất, hạ tầng phục vụ sản xuất và môi trường xung quanh.

Nông nghiệp Bình Dương ý thức trách nhiệm xã hội trong phát triển bền vững- Ảnh 1.

Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Riêng với người lao động, công ty phải đảm bảo lương và các chế độ chính sách; tạo môi trường làm việc thuận lợi và đảm bảo sức khỏe của người lao động trong ngắn hạn và lâu dài.

Hiện nay dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp. Để cắt đường lây nhiễm, người ra vào trại phải được sát trùng kỹ lưỡng. 

"Việc chọn lựa thuốc sát trùng nào, liều lượng ra sao để không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động về lâu dài cần tính toán kỹ vì tần suất sát trùng cao", ông Phương nêu ví dụ.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Sơn ở xã An Sơn (TP.Thuận An) có 11 thành viên trồng măng cụt với diện tích 12ha. Mục tiêu hoạt động của HTX là hình thành hệ thống quản lý an toàn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên.

Ông Trần Văn Viễn - Giám đốc HTX cho biết, kể từ khi thành lập đến nay, HTX vẫn duy trì trang điện tử nhằm quảng bá sản phẩm, thương hiệu măng cụt Lái Thiêu theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ đó, nhiều đối tác có thể truy cập, tìm kiếm thông tin và đặt hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện. HTX đã được đối tác từ Trung Quốc cấp mã vùng trồng và tạo điều kiện xuất khẩu.

Nông nghiệp Bình Dương ý thức trách nhiệm xã hội trong phát triển bền vững- Ảnh 3.

Thành viên HTX DV Nông nghiệp An Sơn thu hoạch măng cụt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Viễn, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của HTX đối với các chủ thể liên quan từ người lao động, người tiêu dùng, cho đến cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của HTX.

Không chỉ tuân thủ quy định pháp luật, HTX còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro với các yếu tố con người, xã hội và môi trường.

 "Đây là trách nhiệm của HTX, song Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ", ông Viễn nói.

Trách nhiệm xã hội không đơn thuần chỉ là đạo đức kinh doanh

TS. Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, HTX không chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức kinh doanh hay các hoạt động từ thiện, mà cần phải thực hiện theo đúng và đủ theo quy định pháp luật.

Nông nghiệp Bình Dương ý thức trách nhiệm xã hội trong phát triển bền vững- Ảnh 4.

Sản xuất chuối xuất khẩu tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, huyện Phú Giáo. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là một chủ trương lớn của tỉnh Bình Dương.

Cùng với đó, yêu cầu về việc thực hiện trách nhiệm xã hội luôn được xem là mục tiêu ưu tiên, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo Viện Nghiên cứu Châu Âu, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, HTX đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế, góp phần tích cực giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội khác.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tiễn trên đia bàn tỉnh Bình Dương cho thấy, trách nhiệm xã hội không phải là khái niệm mới. Chủ đề này đã được các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội lan tỏa.

Sự lan tỏa về trách nhiệm xã hội từ doanh nghiệp xuống các HTX, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng thông qua các chuỗi liên kết, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp xuất khẩu.

Nông nghiệp Bình Dương ý thức trách nhiệm xã hội trong phát triển bền vững- Ảnh 6.

Nông dân xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) sử dụng chế phẩm IMO chăm sóc vườn cây ăn trái. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, theo TS. Bùi Việt Hưng, khuôn khổ chính sách với việc quy định cụ thể về trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp, HTX còn chưa đầy đủ và chưa được hệ thống hoá. Các sáng kiến trong thực hiện trách nhiệm xã hội còn mang tính đơn lẻ, chưa được phát huy, nhân rộng.

"Bình Dương cần tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi nhận thức, và thực hiện trách nhiệm xã hội từ thụ động sang chủ động; xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và xác định giá trị cốt lõi của đơn vị trong giai đoạn tới", TS. Hưng đề nghị.

Cần thêm vai trò chính quyền nhằm phát huy trách nhiệm xã hội

HTX NN-TM-DV và vận tải Dân Tiến ở xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên) đang trồng bưởi, cam và kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái trên diện tích 50ha.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc HTX cho biết, các thành viên đã liên kết thành lập HTX để hướng đến sản xuất an toàn sinh thái, nâng cao nội lực, thích ứng với biến động của thị trường.

Thay vì lạm dụng hóa chất, gây ô nhiễm môi trường, các hộ thành viên HTX đã chú trọng sản xuất an toàn sinh thái, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. HTX còn tích cực hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nông nghiệp Bình Dương ý thức trách nhiệm xã hội trong phát triển bền vững- Ảnh 8.

Sản phẩm tinh dầu bưởi của HTX NN-TM-DV và vận tải Dân Tiến. Ảnh: Nguyên Vỹ

Để đẩy mạnh thực hành sản xuất kinh doanh có trách nhiệm với môi trường, ông Tiến cho rằng, các sản phẩm của doanh nghiệp, HTX và trang trại cần có quy trình kiểm định chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất. Đồng thời phải đánh giá sản phẩm sau khi hoàn thiện với mục tiêu đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu.

"Ngoài việc chuyển giao ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, cơ quan nhà nước cũng cần có hệ thống xử lý chất thải công nghiệp chuyên biệt và khép kín, tạo ra mô hình sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường", ông Tiến đề xuất.

Ngày 22/10, Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo trách nhiệm xã hội trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; và giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Nông nghiệp Bình Dương ý thức trách nhiệm xã hội trong phát triển bền vững- Ảnh 9.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Bình Dương tham quan sản phẩm cà phê chế biến đạt chuẩn OCOP 3 sao của nông dân huyện Phú Giáo. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Lê Thanh Tâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho biết, dù là tỉnh phát triển công nghiệp, tuy nhiên nông nghiệp Bình Dương vẫn giữ các vai trò quan trọng, với mức đóng góp khoảng 18.000-19.000 tỷ đồng, chiếm 2,5-3% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.

Hiện nay, diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp, tài nguyên cạn kiệt, khí hậu càng bất thường. Sản xuất nông nghiệp Bình Dương không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên.

Theo ông Tâm, trước thách thức biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, phương châm và giải pháp chính của ngành nông nghiệp là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.

Phát triển phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và thực hành trách nhiệm xã hội trong sản xuất kinh doanh nông sản là mục tiêu, nhiệm vụ cũng là giải pháp động lực để phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay.

"Trong quá trình đó, người sản xuất giữ vai trò trọng tâm, các nhà khoa học cung cấp, chuyển giao các giải pháp và các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò định hướng hỗ trợ", ông Tâm chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem