Dân Việt

Làm sao để thu hút tài năng công nghệ của Việt Nam?

Nguyễn Thịnh 05/12/2024 14:38 GMT+7
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Minh, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng để phát triển ngành công nghệ Việt Nam, vai trò của chính phủ, các viện nghiên cứu, ngành nghề… đều rất quan trọng.

Tọa đàm Hanoi Innovation Forum vừa diễn ra với chủ đề Việt Nam 2030: Đi đầu Đổi mới Sáng tạo với Công nghệ mới, trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Tech Impact Summit 2024. Với sự quy tụ từ nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu, những góc nhìn về ứng dụng công nghệ mới, cách ứng phó với tài sản số đã được bàn luận đa chiều. 

Làm sao để thu hút tài năng công nghệ của Việt Nam? - Ảnh 1.

Tọa đàm Hanoi Innovation Forum vừa diễn ra với chủ đề Việt Nam 2030: Đi đầu Đổi mới Sáng tạo với Công nghệ mới.

Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance đặt câu hỏi về việc làm sao để thu hút tài năng công nghệ của Việt Nam lẫn thế giới đóng góp cho Việt Nam? Tiến sĩ Đỗ Ngọc Minh, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội (ITI-VNU), Chủ tịch Liên minh Blockchain trong các trường Đại học (UBA) cho rằng với sinh viên, khi đã có cơ hội học ở nước ngoài thì có thể giúp đỡ cho đất nước dù đang ở đâu.

Để phát triển ngành công nghệ Việt Nam, vai trò của chính phủ, các viện nghiên cứu, ngành nghề… đều rất quan trọng. Tiến sĩ Đỗ Ngọc Minh tin tưởng khi những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, viễn cảnh tương lai là rất tươi sáng.

Ông Bùi Thành Đô, nhà sáng lập, CEO Quỹ ThinkZone Ventures nhận định Việt Nam cũng đang là điểm đến với nhiều startup tiềm năng, thu hút các quỹ đầu tư. Thị trường với 100 triệu dân, với tỷ lệ sử dụng Internet rất cao, cũng có nhiều cơ hội, và nhiều startup nội địa cũng có thể cạnh tranh với những công ty lớn của nước ngoài. Trong ngành game, nhiều công ty Việt Nam cũng có vị thế hàng đầu thế giới hoặc khu vực.

Chuyên gia từ ThinkZone cũng cho rằng ngành công nghệ cần đẩy sự “rủi ro” hơn một chút, tránh sự an toàn để có thể tạo ra đột phá. Nếu Chính phủ có thể đẩy mạnh hỗ trợ về tài chính, hành lang chính sách tốt hơn, ông Đô cho rằng cũng sẽ kích cầu được khối tư nhân đầu tư vào công nghệ nhiều hơn.

Ông Kiên Hà, Phó Tổng Giám đốc G-Group & Tổng Giám đốc Gapo cho rằng gần đây nhiều doanh nghiệp đã mở phòng nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam, vì trình độ nhân sự chất lượng cao trong nước là rất tốt, trong khi chi phí lại thấp hơn. Vì vậy, ông Kiên cho rằng quan trọng là những cơ chế để người tài có thể triển khai, phát huy khả năng của mình, khi đó không quan trọng làm việc ở đâu, họ đều có thể cống hiến cho đất nước.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuỷ - Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Quốc gia cho rằng không cần phải xác định nhân lực “ngồi đâu”. Điều quan trọng là tạo ra nhiều công việc, nhiều dự án, đặt tầm nhìn cạnh tranh cho toàn cầu.

Trong khi đó, trao đổi về khung pháp lý cho tài sản số, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuỷ, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Quốc gia cho rằng với những lĩnh vực mới như tài sản số, phù hợp nhất sẽ là thử nghiệm theo cơ chế “hộp cát” (sandbox).

Theo Tiến sĩ Thủy, việc áp dụng sandbox sẽ giúp cho ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ được thử nghiệm bộc lộ hết những ưu điểm và nhược điểm của mình. Các công ty có thể khẳng định khả năng tồn tại của sản phẩm, dịch vụ, và cũng tăng khả năng tiếp cận với các nguồn đầu tư hay tài trợ bên ngoài.

Làm sao để thu hút tài năng công nghệ của Việt Nam? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuỷ - Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Quốc gia.

Trong khi đó, từ phía cơ quan quản lý, cơ chế sandbox giúp đánh giá, bổ sung quy định và chính sách kịp thời với sự phát triển của thị trường, công nghệ số. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả, tác động của sandbox cũng phụ thuộc nhiều vào năng lực, cũng như các rủi ro pháp lý không lường trước.

Dẫn số liệu từ Chainalysis, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Bình cho biết tổng lượng tài sản mã hóa tại Việt Nam tính đến tháng 7/2023 tới 120 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa, đứng thứ 7 thế giới về dân số sở hữu tài sản mã hóa, đồng thời nằm trong 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất.

Là chuyên gia về lĩnh vực giám sát tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Bình nhận định khi chưa có khung pháp lý, tài sản số có thể mang về những rủi ro liên quan đến thực thi chính sách tài chính tiền tệ, an ninh mạng. Nhận biết những rủi ro đó, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, được Chính phủ trình lấy ý kiến vào cuối tháng 11, đã làm rõ những quy định về tài sản số, giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành ban hành quy định về tài sản số như quyền sở hữu, chuyển nhượng, thuế, hợp tác quốc tế…

Nói về điều này, bà Joy Lam, Trưởng Bộ phận Pháp lý Toàn cầu và Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Binance cũng cho rằng việc đưa ra các quy định quản lý tài sản số sẽ giúp người biết các tiêu chuẩn được đưa ra để bảo vệ mình, từ đó đưa ra quyết định khi tham gia thị trường.

Chuyên gia của Binance cho rằng trong 5-10 năm tới, tất cả tài sản, kể các các tài sản truyền thống đều có thể hiện diện trên chuỗi khối, với những lợi ích như minh bạch, hiệu quả hơn. Do đó, pháp lý giữa tài sản truyền thống và tài sản số sẽ có sự giao thoa.