Kênh đầu tư cuối năm: Tiền chảy vào vàng, chứng khoán, tài sản số hết thời "ngủ đông"
Kênh đầu tư cuối năm: Tiền chảy vào vàng, chứng khoán, tài sản số hết thời "ngủ đông"
Huyền Anh
Thứ hai, ngày 29/07/2024 08:44 AM (GMT+7)
Theo các nhà phân tích, vàng, chứng khoán và bất động sản là những kênh tài sản đứng đầu danh mục đầu tư trong nửa cuối năm 2024. Ngoài ra, một kênh tài sản cũng đã hết thời "ngủ đông" và sẽ "hút" dòng tiền thời gian tới.
Bà Lina Nguyễn- Giám đốc Phát Triển Kinh Doanh, Exness Investment Bank cho biết, với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Thụy Sỹ…, các tổ chức tài chính lớn, quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức sẽ tiếp tục duy trì khẩu vị đầu tư với vàng. Cụ thể, với nhiều yếu tố hỗ trợ như địa chính trị, nhu cầu mua vàng, lãi suất điều chỉnh,… vàng sẽ là tài sản an toàn và nằm đầu tiên trong danh mục.
"Vàng vẫn giữ một vị thế đặc biệt trong giới tài chính quản lý đa tài sản. Đến cuối tháng 6/2024, vàng tăng 12% so với đầu năm và được giao dịch trên 2.300 USD/oz trong hầu hết quý 2. Vàng cũng được các chuyên gia dự đoán tăng giá lên đến 2.500 vào cuối năm nay, khi Các ngân hàng trung ương tiếp tục mua hàng, đầu tư mạnh mẽ ở Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ) cùng với làn sóng hưởng ứng đầu tư tích cực từ nhà đầu tư Phương Tây, kích cầu bởi lãi suất, rủi ro suy thoái và địa chính trị", bà Lina Nguyễn nhận định.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu dư báo, vàng có thể lên mức 2.500 USD trong năm nay, và có thể lên tới 3.000 USD trong năm tới.
Theo ông Hiếu, hiện tại không thấy có yếu tố nào có thể tác động làm giảm giá vàng. Hiện ngân hàng Trung ương đang mua vào vàng, đặc biệt là khối Brics mua vàng, cùng với một số tài sản khác, để thay thế dự trữ quốc gia của họ, thay vì giữ tài sản được định nghĩa bằng USD Chính vì thế, cùng với nhu cầu vàng trên thế giới điều đó sẽ đẩy giá vàng lên cao, và ảnh hưởng tới thị trường vàng của Việt Nam.
"Thị trường vàng thế giới nhiều biến động, có lúc vượt lên 2.460 USD/ounce và sau đó lại xuống dưới 2.400 USD/ounce. Các nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng, vì thị trường vàng trong nước đang đưa vào diện bình ổn, trong khi thị trường thế giới đang biến động. Hình như các thị trường đang rượt đuổi nhau. Tôi không bàn về chính sách nhưng nhà đầu tư hãy hết sức cẩn trọng khi đầu tư vào vàng", ông Hiếu cảnh báo.
Trong khi đó, chứng khoán được đánh giá là kênh đầu tư đứng đầu danh mục theo gợi ý của bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB.
Bà Hiền cho biết, thời điểm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đang đến gần. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán.
Trong nước, nền kinh tế đang phục hồi và đặc biệt cùng pha với sự phục hồi của nền kinh tế thì các doanh nghiệp niêm yết - những đại diện tốt nhất của nền kinh tế hiện nay cũng sẽ có phục hồi bằng lợi nhuận.
Theo ước tính của bà Hiền, trong năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết sẽ ghi nhận sự tăng trưởng khoảng 20% về mặt lợi nhuận và khoảng 15% trong năm 2025.
Ngoài ra, lãi suất được dự báo tăng lên, tuy nhiên theo bà Hiền mức độ tăng lên từ đây đến cuối năm "chắc chắn không quá nhiều".
"Nếu lãi suất từ đây đến cuối năm có tăng lên 50 đến 70 điểm cơ bản, thì vẫn thấp hơn so với thời điểm Covid. Như vậy có nghĩa là trong khi các kênh đầu tư khác vẫn chưa có sự phục hồi mạnh mẽ thì chứng khoán vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn", bà Hiền cho hay.
Theo dự báo của vị chuyên gia này, các yếu tố đó, Vn-Index sẽ duy trì đà tăng và có thể chạm ngưỡng 1.350 điểm.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng phải lưu ý 3 rủi ro bao gồm: Lạm phát; Tỷ giá và việc các nhà đầu tư rút ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khoảng 1,6 - 1,7 tỷ USD.
Liên quan đến kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới, đặc biệt cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ông Trần Tuấn Tài - Giám đốc đầu tư của SơnKim Retail, cho hay kênh đầu tiên là chứng khoán bởi khi áp lực tỷ giá giảm thì đồng tiền đầu tư sẽ quay trở lại.
"Bên cạnh đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ là yếu tố thu hút các nhà đầu tư trên toàn cầu, từ đó tạo động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Tài nói.
Ngoài ra, ông Tài cũng bày tỏ lạc quan vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Ông nói, sau khi vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh được xử lý và sau nhưng nỗ lực của các ban ngành và của cả thị trường để hỗ trợ cho thị trường trái phiếu, chúng ta đã nhìn thấy được sự phục hồi của thị trường này.
"Niềm tin của người dân cũng đang dần dần phục hồi. Trong tương lai, ngoài ngân hàng thì các định chế tài chính và các nhà đầu tư cá nhân sẽ cân nhắc quay lại thị trường trái phiếu", ông Tài nhấn mạnh.
Giám đốc đầu tư của SơnKim Retail khuyến nghị nhà đầu tư có thể tham khảo cổ phiếu của các nhóm ngành đã qua đáy như cá tra, bán lẻ, tôm, dệt may, da giày… Ngược lại, với những nhóm ngành được nhận định chưa qua đáy, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
Bất động sản "chờ ngấm" chính sách, tiền số hết thời "ngủ đông"
Với kênh đầu tư bất động sản, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư Công ty DKRA Group cho biết thị trường đang rất chờ đợi việc 3 luật động sản là Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024.
Tuy nhiên ông Thắng cho rằng, trong ngắn hạn, rất khó để có thể có sự tăng trưởng đột biến về giá cũng như cung trong thị trường. Về trung và dài hạn, các luật này sẽ giúp cho thị trường minh bạch hơn, bảo vệ nhà đầu tư, và giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Ông Thắng đánh giá các bộ luật cần 6-12 tháng mới thực sự thẩm thấu vào thị trường.
Theo ông Thắng, hiện tâm lý thị trường đang chia ra làm hai thái cực. Một là các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính từ chu kỳ trước vẫn có tiếp tục có xu hướng gồng lãi chờ cơ hội. Hai là một số nhà đầu tư giữ lượng tiền mặt lớn đang có xu hướng tiếp tục nghe ngóng những diễn biến tiếp theo của thị trường.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố 6 tháng đầu năm nay cho thấy tổng lượng tiền gửi là trên 13,6 triệu tỷ đồng, bất chấp lãi suất ở mức rất thấp. Tâm lý phòng thủ này đã khiến cho thanh khoản của thị trường bất động sản dù có tăng nhưng còn hạn chế.
"Trong bối cảnh thị trường còn khó đoán định, phân khúc nhà ở chung cư vừa túi tiền vẫn sẽ giữ đà phục hồi và dẫn dắt thị trường trong 6 tháng cuối năm", đại diện Công ty DKRA Group nhận định.
Gợi mở thêm một kênh đầu tư khác ngoài chứng khoán, vàng và bất động sản, bà Lina Nguyễn - Giám đốc Phát Triển Kinh Doanh, Exness Investment Bank cho biết, nhà đầu tư tổ chức lớn đang chấp nhận khẩu vị rủi ro với các tài sản mới, trong đó có tài sản số. Hơn 1.200 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF tài sản số.
"Tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông và các tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện", bà Nguyễn nói.
Giám đốc Phát Triển Kinh Doanh, Exness Investment Bank dự báo, dòng vốn vào các tài sản số sẽ tiếp tục tăng. Các nhóm tổ chức tài chính cũng sẽ tham gia vào phân khúc đầu tư này. Nhà đầu tư nhỏ lẻ có sự quan tâm tương tự, nhưng vẫn đang do dự, dè chừng vì thiếu các xác nhận và trang bị kiến thức rủi ro.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.