Dân Việt

Bình Dương: Nan giải tìm nguồn vốn đầu tư đường ven sông Sài Gòn

Nguyên Vỹ 06/12/2024 13:41 GMT+7
Nếu đấu giá hết 8 khu đất công, TP.Thủ Dầu Một dự thu 2.710 tỷ đồng, trong khi tổng kinh phí để kết nối đường ven sông Sài Gòn, đoạn giáp ranh với TP.Thuận An khoảng 3.864 tỷ đồng. TP.Thuận An cũng phải tìm bổ sung 4.000 tỷ đồng để đầu tư các đoạn còn lại của dự án.

Tại buổi làm việc mới đây với TP.Thủ Dầu Một về đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị nguồn vốn đầu tư đường ven sông Sài Gòn; cũng như việc tìm kiếm, công tác đấu giá các khu đất công để tạo nguồn lực đầu tư dự án này.

Thủ Dầu Một cần thêm 3.864 tỷ đồng kết nối đường ven sông Sài Gòn với Thuận An

Bà Nguyễn Thu Cúc – Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết, đường ven sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn thành phố có tổng chiều dài khoảng 17,1km, bắt nguồn từ rạch Bà Lụa (giáp ranh TP.Thuận An), và kết thúc tại cầu Ông Cộ.

Trên tuyến, TP.Thủ Dầu Một đã triển khai thi công hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng 3,2km. Hiện TP.Thủ Dầu Một đang triển khai thi công tiếp 3,9km.

Bình Dương: Nan giải tìm nguồn vốn đầu tư đường ven sông Sài Gòn- Ảnh 1.

Đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đoạn còn lại chưa đầu tư khoảng 10km, bao gồm: Đoạn từ rạch Bà Lụa (ranh TP.Thuận An) đến rạch Bảy Tra (giáp đường ven sông Sài Gòn giai đoạn 1) dài khoảng 2,2km; và đoạn từ cầu Bà Cô đến cầu Ông Cộ chiều dài khoảng 7,8km.

Theo UBND TP.Thủ Dầu Một, Sở Xây dựng đang dự thảo Kế hoạch tổ chức đầu tư xây dựng đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương trình UBND tỉnh xem xét.

Trong đó, các đoạn chưa đầu tư được đề xuất thành 2 phương án xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công hoặc nguồn vốn xã hội hoá của nhà đầu tư (gồm: Dự án Cảng Bà Lụa, dự án khu vực phát triển đô thị Chánh Nghĩa, d án khu vực phát triển đô thị Tân An).

Đối với đoạn giáp ranh TP.Thuận An đến đường ven sông Sài Gòn, UBND TP.Thủ Dầu Một đã lập và trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Xây dựng đường ven sông Sài Gòn giai đoạn 3 (từ Rạch Bảy Tra đến Rạch Bà Lụa).

Dự án này có tổng kinh phí dự kiến khoảng 3.864 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 1.031 tỷ đồng; phần thu hồi biên khoảng 2.523 tỷ đồng; xây dựng đường giao thông khoảng 310 tỷ đồng.

Bình Dương: Nan giải tìm nguồn vốn đầu tư đường ven sông Sài Gòn- Ảnh 3.

Để kết nối đường ven sông Sài Gòn với đoạn giáp ranh với TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, dự kiến tổng kinh phí đầu tư khoảng 3.864 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Thi công đường ven sông Sài Gòn ở TP.Thủ Dầu Một Ảnh: Nguyên Vỹ

Căn cứ Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất, trong giai đoạn 2024-2025, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một dự kiến có 8 khu đất đưa vào danh mục đấu giá quyền sử dụng đất.

"Kết quả ước tính đơn giá theo Bảng Giá đất dự kiến được phê duyệt có hiệu lực từ tháng 1/2025, tổng giá trị 8 khu đất ước tính hơn 2.710 tỷ đồng", bà Cúc cho biết.

Còn lại, đối với đoạn từ cầu Bà Cô đến cầu Ông Cộ, Thủ Dầu Một dự kiến xây dựng đoạn từ cầu Bà Cô đến hết ranh Dự án khu vực phát triển đô thị Tân An bằng nguồn vốn xã hội hóa của nhà đầu tư dự án; đoạn còn lại từ ranh dự án đến cầu Ông Cộ kết nối với đường ven sông địa phận TP.Bến Cát bằng nguồn vốn đầu tư công (giai đoạn sau năm 2030).

Chủ động tạo nguồn vốn đầu tư đường ven sông Sài Gòn

Trên địa bàn TP.Thuận An, đường ven sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 13,6km. Hiện hữu của tuyến là đường bờ bao sông Sài Gòn, có kết cấu đường đất và đá, rộng mặt đường 5-6m, phạm vi đã giải phóng mặt bằng 18m.

Theo nhu cầu nâng cấp, cải tạo thành đường 32m với 4 làn xe, dự toán vốn đầu tư trên 8.700 tỷ đồng.

Trong chuyến khảo sát dự án đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn TP.Thuận An mới đây, Sở Xây dựng cho biết, nguồn vốn từ ngân sách đã bố trí hơn phân nửa. Phần còn lại khoảng 4.000 tỷ đồng, TP.Thuận An cần nghiên cứu bố trí thêm.

Bình Dương: Nan giải tìm nguồn vốn đầu tư đường ven sông Sài Gòn- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An (giữa) kiểm tra tiến độ đường ven sông Sài Gòn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, 4.000 tỷ đồng là con số lớn đối với địa phương. Bởi vì, quỹ đất công của Thuận An không còn nhiều.

Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số diện tích đất công của các đơn vị, công ty nhà nước đang quản lý.

"TP.Thuận An sẽ đề xuất làm việc với các bên, nỗ lực phối hợp các nguồn lực, tạo ra nguồn vốn triển khai đường ven sông Sài Gòn kết nối với TP.HCM", ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, đường ven sông Sài Gòn là dự án có ý nghĩa quan trọng của tỉnh trong việc kết nối vùng, tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho địa phương.

Bình Dương: Nan giải tìm nguồn vốn đầu tư đường ven sông Sài Gòn- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương (giữa) đề nghị tập trung triển khai nhanh đường ven sông Sài Gòn để kết nối với TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến TP.HCM, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời góp phần cải tạo cảnh quan bờ sông, bảo tồn sinh thái, chống ngập.

Bí thư Lợi lưu ý, năm 2025 là năm tăng tốc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có đường ven sông Sài Gòn. Bên cạnh nguồn ngân sách tỉnh, các địa phương cần chủ động tháo gỡ khó khăn.

"Các sở ngành cần phối hợp với TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một tạo nguồn vốn từ đấu giá quỹ đất công trên địa bàn cùng với nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và vốn doanh nghiệp để tập trung triển khai nhanh trong năm 2025", Bí thư Tỉnh ủy đề nghị.