Bình Dương khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 24/11/2024 13:29 PM (GMT+7)
Dự án nạo vét và gia cố suối Cái với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng được xem là đại công trình thoát nước của Bình Dương. Khi hoàn thành, dự án góp phần giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bình luận 0

Dự án nạo vét và gia cố suối Cái (TP.Tân Uyên) không chỉ giúp bảo vệ sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần cải thiện hệ thống thoát nước cho Bình Dương, TP.HCM và một phần tỉnh Đồng Nai.

Nhu cầu cấp thiết triển khai dự án nạo vét và gia cố suối Cái

Dòng chính suối Cái dài hơn 31km, bắt nguồn từ khe suối sau cống D700 (tỉnh Bình Dương) và chảy ra sông Đồng Nai. Nguồn nước từ suối Cái hỗ trợ tưới tiêu cho các cánh đồng, vườn cây. Suối Cái còn đóng vai trò quan trọng điều hòa lượng nước mưa, giảm nguy cơ ngập úng trong mùa mưa, đảm bảo an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cùng tốc độ đô thị hóa nhanh đang gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước. Tình trạng sạt lở bờ suối và thu hẹp lòng suối khiến khu vực ven suối Cái thường xuyên ngập úng vào mùa mưa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp và đời sống người dân.

Bình Dương khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh - Ảnh 1.

Khu vực Suối Cái nhánh chính đoạn phía sau cầu Bến Sắn (TP.Tân Uyên) thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các tuyến đường huyết mạch như ĐT742 và ĐT746 qua địa bàn TP.Tân Uyên, và khu vực các cầu lớn trên tuyến suối Cái (Thợ Ụt, Bến Sắn) thường xuyên bị ngập, làm gián đoạn giao thông.

Bà Lê Ngọc Giang, người dân ở phường Phú Chánh (TP.Tân Uyên) cho biết năm nào cũng chứng kiến cảnh ngập lụt trong mùa mưa, gây khó khăn cho việc canh tác và đi lại.

"Người dân mong dự án nạo vét và gia cố suối Cái sớm hoàn thành để giải quyết triệt để tình trạng ngập úng, tạo cơ hội phát triển kinh tế xã hội bền vững", bà Giang nói.

Theo ông Vũ Tiến Sơn - Giám đốc Ban Quản lý, dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai có tổng chiều dài 18,95km; đi qua các phường Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Hiệp, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, và Thạnh Phước (TP.Tân Uyên).

Bình Dương khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh - Ảnh 2.

Dự án nạo vét và gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việc thực hiện dự án nạo vét gia cố Suối Cái là yêu cầu cấp thiết nhằm tiêu thoát nước cho lưu vực khoảng 22.503ha. Trong đó có 3.181ha các khu, cụm công nghiệp, 19.322ha khu dân cư và đất nông nghiệp; cùng với xây dựng 37,4km đường giao thông cấp khu vực.

Dự án giúp phát huy đồng bộ các công trình hạ tầng đã xây dựng, làm cơ sở cho việc kết nối hạ tầng khu vực dọc 2 bên tuyến suối. "Đồng thời, dự án tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng (Bắc Tân Uyên, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, TP.HCM, Đồng Nai) để thúc đẩy phát triển đô thị, thương mại, và du lịch", ông Sơn nói.

Đẩy nhanh tiến độ dự án nạo vét và gia cố suối Cái

Dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương. Ngay từ đầu năm 2024, dự án đã được khởi công. Các đơn vị thi công tận dụng thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ.

Bình Dương khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh - Ảnh 3.

Thi công gói thầu 2A dự án nạo vét và gia cố suối Cái. Ảnh: Nguyên Vỹ

Dự án bao gồm 10 gói thầu xây lắp, trong đó 2 gói thầu (2A và 2B) đã được triển khai từ tháng 1/2024, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2025. Đến nay, gói thầu 2A đạt 37% khối lượng; gói thầu 2B đạt 21% khối lượng.

Tuy nhiên, mưa lớn thường xuất hiện trên địa bàn đã gây nhiều trở ngại đến tiến độ. Lượng nước đổ về tuyến Suối Cái thường xuyên gây ngập toàn bộ các khung vây, các mũi thi công cũng như tuyến công trình.

Trung bình phải mất từ 3-5 ngày mới bơm cạn nước, vệ sinh khung vây để tiếp tục thi công. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thi công 2 gói thầu.

Bình Dương khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh - Ảnh 4.

Đường Tân Hiệp 20 và mặt bằng gói thầu 2B dự án nạo vét và gia cố suối Cái bị ngập sau khi trời mưa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mặc dù vậy, trên công trường, đội ngũ kỹ thuật và công nhân vẫn nỗ lực làm việc để đảm bảo tiến độ. Anh Trần Văn Thắng, một công nhân chia sẻ, ê kíp của anh khoảng 10 người.

Dưới trời mưa, nếu không làm nhanh, nước có thể tràn vào cọc nhồi, ảnh hưởng đến chất lượng. "Vì thế, chúng tôi phải làm việc liên tục để đảm bảo tiến độ", anh Thắng nói.

Ông Vũ Tiến Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết, trong những tháng cuối năm 2024, đơn vị không mở thêm các gói thầu thi công xây dựng mà tập thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án.

Bình Dương khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh - Ảnh 5.

Công nhân nỗ lực làm việc để đảm bảo tiến độ dự án nạo vét và gia cố suối Cái. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đồng thời, cuối năm 2024, bước vào mùa khô, thời tiết sẽ thuận lợi hơn cho công tác thi công. Ban Quản lý chỉ đạo nhà thầu tăng cường thiết bị, máy móc, nhân vật lực; tổ chức tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công 2 gói thầu theo kế hoạch. "8 gói thầu còn lại, Ban Quản lý sẽ tổ chức triển khai thi công ngay khi đủ điều kiện để hoàn thành toàn bộ dự án", ông Sơn nói.

Khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của Bình Dương, Ban Quản lý dự án ngành NNPTNT được giao triển khai thực hiện 16 dự án với mục tiêu giải quyết các điểm ngập trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh - Ảnh 6.

Một điểm ngập trên đường quốc lộ 13, đoạn qua TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thực tế thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực mỗi khi trời mưa, nhất là ở các tuyến đường giao thông huyết mạch.

Để giải quyết các điểm ngập, hiện nay, Ban quản lý đang triển khai thi công đồng loạt các dự án khác. Trong đó, dự án đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba Cống đường Thích Quảng Đức (thuộc TP.Thủ Dầu Một) đã đạt trên 80% khối lượng thi công.

Tuy nhiên, dự án còn khó khăn trong việc giải quyết 1 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Dự kiến các gói thầu thi công hoàn thành trong quý I/2025.

Một dự án lớn khác là xây dựng cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm ở TP.Thuận An. Đến nay, dự án hoàn thành 95% khối lượng công việc.

Bình Dương khắc phục khó khăn để hoàn thiện hệ thống chống ngập toàn tỉnh - Ảnh 7.

Dự án xây dựng cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm ở TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy dự án đã hoàn thành công trình chính, phát huy hiệu quả chống ngập cho khu vực nhưng còn 3 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Dự án phải tạm ngưng thi công hạng mục đường dẫn lên cầu từ năm 2022 đến nay.

Để nâng cao hiệu quả ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề mưa gây ngập úng, tiêu thoát nước, Ban quản lý cũng đang được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư nhiều dự án như: Đầu tư giải quyết điểm ngập lưu vực rạch Ông Đành; trục thoát nước Suối Giữa; xây dựng Cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa - Vàm Búng; hệ thống thoát nước hạ lưu cầu Ông Bố; và đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn Ngã ba Cống đường Thích Quảng Đức - giai đoạn 2.

"Để phát huy hiệu quả chống ngập, tiêu thoát nước trong thời gian tới, Ban đề nghị UBND các huyện, thành phố có các dự án đi qua tập trung giải quyết công tác bồi thường, sớm bàn giao mặt bằng để tổ chức triển khai các dự án", ông Sơn đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem