Dân Việt

Khuyến nông TP.HCM chuyển giao mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học

Trần Cửu Long 09/12/2024 11:45 GMT+7
Xác định ngành chăn nuôi đang đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất tăng cao và yêu cầu phát triển bền vững, Khuyến nông TP.HCM đã tăng cường chuyển giao mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học gắn với kế hoạch nông nghiệp tuần hoàn.

Tại TP.HCM, tình trạng các hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo, nằm xen lẫn trong khu dân cư làm ô nhiễm môi trường đã gây nhiều bức xúc. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tổng đàn heo hiện nay ở TP khoảng 113.000 con với 1.190 hộ chăn nuôi, tập trung nhiều nhất ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh. Vì thế, cần chuyển giao mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học như một giải pháp để giải quyết vấn đề.

Chuyển giao mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học

Khuyến nông TP.HCM tăng cường chuyển giao mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học - Ảnh 1.

Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi chuyển giao mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học cho ông Nguyện Văn Trung ở huyện Củ Chi. Ảnh: TKNCC

Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2016 Trung tâm Khuyến nông TP đã chọn mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học triển khai cho các hộ chăn nuôi ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Ông Huỳnh Văn Đức (ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh), một hộ thực hiện mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học năm 2022 chia sẻ: "Nuôi heo nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học không có mùi hôi, heo sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị bệnh, giảm công lao động".

Cho dù, hiện giá heo trên thị trường không ổn định, nhưng theo ông Đức, ông vẫn tiếp tục nuôi heo đệm lót sinh học để không ô nhiễm môi trường, cung cấp sản phẩm thịt heo đạt chất lượng, giúp hoạt động chăn nuôi của gia đình bền vững hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Trung (ấp Phú Lợi- xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), một hộ đã kết thúc chương trình chuyển giao mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học của Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi cho biết, khi thực hiện mô hình, tỷ lệ heo sống đạt 100%, tốc độ tăng trọng hơn 22kg/tháng/con, trọng lượng xuất chuồng sau 3,5 tháng nuôi là 100kg/con... Tính ra, trong 1 năm nuôi 3 đợt heo, ông Trung lời hơn 130 triệu đồng.

Trạm khuyến nông Củ Chi cho biết, theo ghi nhận ý kiến từ các hộ tham gia, mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, như giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đường ruột, bênh 5hô hấp giảm 50 - 70%; giảm chi phí sử dụng thuốc thú y 50.000 - 100.000 đồng/con heo; tiết kiệm hơn 10% chi phí thức ăn; tiết kiệm 80% nước (do không cần tắm heo, rửa chuồng).

Đặc biệt, nuôi heo trên nền đệm lót sinh học giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phân heo thải ra, không có mùi hôi như cách nuôi heo truyền thống và hạn chế ruồi muỗi.

Ngoài ra, nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học tiết kiệm được chi phí vật liệu làm nền bê tông, đệm lót sau khi sử dụng được dùng làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, có giá trị dinh dưỡng cao.

Mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học còn được tích hợp vào kế hoạch nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chất thải từ chăn nuôi được tái sử dụng hiệu quả, tạo thành một chu trình khép kín, mang lại giá trị bền vững.

Nuôi heo thịt trên nên đệm lót sinh học mang lại nhiều lợi ích

Theo Sở NNPTNT TP, trong năm 2024, Sở đã tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình chăn nuôi heo thịt trên nên đệm lót sinh học nhằm đánh giá hiệu quả mô hình, tư vấn kỹ thuật trong việc ứng dụng mô hình công nghiệp sinh học trong chuồng trại, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học,...

Khuyến nông TP.HCM tăng cường chuyển giao mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh học - Ảnh 2.

Nuôi heo thịt trên nên đệm lót sinh học mang lại nhiều lợi ích cho hộ nuôi. Ảnh: TKNCC

Qua ghi nhận cho thấy, các ưu điểm của mô hình thuộc quy mô nông hộ, như giảm chi phí và ngày công lao động, tiết kiệm nước, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, tiến tới chăn nuôi heo bền vững.

Bên cạnh đó, Sở NNPTNT đã tổ chức 1 hội nghị tư vấn cũng cố và nâng cao hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác (hợp tác xã) trong chăn nuôi heo tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi với 50 người dân tham dự; 1 chuyến khảo sát, học tập các mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản suất, kinh doanh có hiệu quả tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận cho 16 hộ dân tại huyện Củ Chi và Bình Chánh…

Sở NNPTNT TP cũng đã tổ chức 2 lớp dạy nghề thường xuyên về "Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo" để nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực chăn nuôi heo tại các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, các thành viên hội nông dân các quận, huyện và các cơ quan liên quan đến sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực TP…