Là người trẻ có đam mê nông nghiệp từ nhỏ, nên sau khi tốt nghiệp đại học, trải qua một số công việc khác nhau, anh Nguyễn Quốc Hoàng (xóm Bài Kịnh, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định về quê khởi nghiệp với cây dược liệu và nông nghiệp sạch gắn với du lịch trải nghiệm.
Năm 2018, anh Hoàng tiếp quản lại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên phong xã Yên Trạch với 7 thành viên tham gia, trong đó ngành nghề chính là phát triển các loại cây dược liệu như mướp đắng rừng, ba kích, khôi nhung, địa liền… trên diện tích 7ha.
Đến nay HTX đã phát triển số lượng lên 14 thành viên, tạo việc làm ổn định cho 14 lao động tại địa phương. Trong quá trình phát triển, HTX đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, từ vấn đề cơ sở hạ tầng đến khả năng liên kết và mở rộng thị trường.
Một trong những trở ngại lớn nhất của HTX là vấn đề hạn chế về nguồn quỹ đất để phát triển cây dược liệu. Cùng với đó là khó khăn trong thiếu nguồn lao động ổn định và có trình độ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là yếu tố quyết định đến khả năng hoạt động của HTX. HTX hiện nay hoạt động với nguồn vốn hạn chế, chủ yếu dựa vào sự đóng góp của các thành viên. Điều này khiến HTX khó tiếp cận các công nghệ mới, giống cây chất lượng cao hay triển khai các dự án quy mô lớn. Thêm vào đó, việc tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn do yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp.
Việc quy hoạch vùng trồng cây dược liệu cũng là một trong những khó khăn nhất định do địa phương chưa có kế hoạch cụ thể để phát triển cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội. Việc thiếu quy hoạch cũng khiến HTX gặp khó khăn trong hợp tác với các doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị sản phẩm.
Theo anh Hoàng, mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX, như ưu đãi về thuế, vay vốn, và đào tạo, nhưng việc triển khai còn thiếu đồng bộ và hiệu quả. HTX ở vùng sâu vùng xa, thường không tiếp cận được các chính sách này do thiếu thông tin hoặc gặp khó khăn trong thủ tục hành chính.
Ngoài ra, HTX hiện nay đang thiếu liên kết trong chuỗi giá trị. Đây cũng là một thách thức lớn dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Do đó, HTX thường phải bán sản phẩm với giá thấp hoặc không thể đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng khi làm việc với doanh nghiệp lớn.
Cùng với đó, HTX còn hạn chế trong quảng bá và phát triển thị trường. Dù có tiềm năng lớn, HTX vẫn chưa biết cách xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm dược liệu của mình. Các sản phẩm thường có mẫu mã chưa đẹp, bắt mắt dẫn đến việc khó cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, khả năng tiếp cận thị trường của HTX cũng bị hạn chế do thiếu các kênh phân phối hiệu quả. HTX chỉ tập trung vào thị trường địa phương, chưa khai thác được tiềm năng từ các sàn thương mại điện tử hoặc thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh những khó khăn đó, HTX còn đối mặt với những thách thức khác như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt; Sâu bệnh và dịch hại; Cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; Hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông kém phát triển; Thiếu sự hỗ trợ đào tạo về kinh doanh và quản lý; Áp lực từ quy định và tiêu chuẩn khắt khe khi đưa sản phẩm ra thị trường; Nhận thức của người tiêu dùng về dược liệu nội địa còn hạn chế…
Trước những khó khăn đó, đại diện HTX Nông nghiệp Tiên phong xã Yên Trạch bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cần quy hoạch và dành riêng các khu vực phù hợp để phát triển vùng trồng dược liệu tập trung, có những chính sách cho thuê đất ưu đãi, ưu tiên cho HTX hoạt động hiệu quả.
Đồng thời, hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, và chế biến dược liệu tại chỗ… Từ đó, đề xuất các trường đại học, cao đẳng tại địa phương tăng cường hợp tác với HTX để đưa sinh viên đến thực tập và có nhiều nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế.
Ngoài ra, theo anh Hoàng, Chính phủ và địa phương cần xây dựng các gói vay ưu đãi dành riêng cho HTX sản xuất cây dược liệu với lãi suất thấp và thời gian vay dài. Cùng với đó, chính quyền cần ban hành quy hoạch chi tiết về các vùng dược liệu trọng điểm của địa phương, đảm bảo diện tích sản xuất tập trung và phù hợp với điều kiện tự nhiên. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn để khảo sát và đánh giá điều kiện đất đai, khí hậu, từ đó lựa chọn các loại cây dược liệu phù hợp với từng khu vực. Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn đầu ra cho sản phẩm dược liệu.
Không chỉ có vậy, nhà nước cần ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ HTX cây dược liệu như miễn giảm thuế, hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, và vật tư nông nghiệp. Cần có chương trình hỗ trợ HTX trong quá trình chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu, và đạt các chứng nhận tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Mở rộng các chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt dành cho cây dược liệu, giúp giảm rủi ro thiên tai và dịch bệnh.
Để hoạt động sản xuất, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ sản phẩm diễn ra hiệu quả, địa phương cần tăng cường tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, triển lãm chuyên ngành để giới thiệu sản phẩm dược liệu của HTX đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng. Khuyến khích HTX tham gia các nền tảng thương mại điện tử và đào tạo kỹ năng tiếp thị trực tuyến cho thành viên. Từ đó, làm cầu nối giữa các HTX với doanh nghiệp chế biến và phân phối, giúp hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.