Tâm tư, kiến nghị gửi tới Thủ tướng: Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cần đảm bảo lợi ích của nông dân

Thanh Ngân Thứ hai, ngày 09/12/2024 06:00 AM (GMT+7)
Đó là mong muốn của ông Lù Văn Sợi – đại diện nhóm hộ liên kết sản xuất lúa đặc sản, ở bản Đắc (xã Hua Nà, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) muốn gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024.
Bình luận 0

Ông Sợi cho rằng, để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển một cách bền vững, cần đảm bảo lợi ích bền vững của nông dân và đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền.

Liên kết sản xuất lúa Séng Cù

Ông Sợi chia sẻ: Bản Đắc, xã Hua Nà có hơn 130 hộ dân, trong đó có hơn 30 hộ nghèo. Người dân trong bản chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó lúa được xem là cây trồng chủ lực. Giống lúa Séng Cù được coi là giống lúa đặc sản ở xã Hua Nà nói riêng, huyện Than Uyên nói chung.

Người dân bản Đắc đã trồng giống lúa đặc sản này từ nhiều năm nay rồi. Tuy nhiên, do trình độ dân trí không đồng đều, cùng với tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai, nấy làm nên giống lúa đặc sản này chưa được trồng tập trung, dẫn đến năng suất, sản lượng chưa cao.

Làm gì để liên kết sản xuất phát triển bền vững? - Ảnh 1.

Ông Lù Văn Sợi - đại diện nhóm hộ liên kết sản xuất lúa Séng Cù, ở bản Đắc (Hua Nà, Than Uyên) giới thiệu với phóng viên về vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung của bản. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo ông Sợi, khi Công ty TNHH một thành viên Dũng Long (đóng ở thị trấn Than Uyên) đến đặt vấn đề liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa Séng Cù, Ban Quản lý bản Đắc đã tổ chức họp bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

"Nghe nói tham gia liên kết sản xuất lúa đặc sản sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nên nhiều hộ dân trong bản đã mạnh dạn đăng ký. Vùng trồng lúa đặc sản của bản nhanh chóng được hình thành, với diện tích dao động từ 5 – 7ha" – ông Sợi phấn khởi cho biết.

Cũng theo ông Sợi, mặc dù tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp, song nhiều hộ dân vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng, sợ doanh nghiệp sẽ không bao tiêu sản phẩm như hợp đồng đã ký kết. Sau mấy vụ liên kết sản xuất lúa Séng Cù, các hộ dân ở bản Đắc đã yên tâm hơn khi doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm theo đúng hợp đồng ký kết.

Làm gì để liên kết sản xuất phát triển bền vững? - Ảnh 2.

Ông Sợi cho biết, bản Đắc hiện có hơn 20 hộ dân tham ga liên kết sản xuất lúa đặc sản với doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Mặc dù đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, song có không ít hộ dân sau khi thu hoạch đã bán sản phẩm lúa Séng Cù ra thị trường với giá cao hơn. Vì lợi ích trước mắt mà người dân vi phạm hợp đồng. Khi ký hợp đồng liên kết, doanh nghiệp cũng đã đưa ra giá bảo hiểm và cam kết dù giá thị trường thấp hơn thì doanh nghiệp vẫn cứ thu mua theo giá bảo hiểm" – ông Sợi chia sẻ thêm.

Ông Sợi khẳng định, việc liên kết sản xuất mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Ngoài được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, các hộ tham gia còn được doanh nghiệp cho ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo từng thời kỳ sinh trưởng. Tham gia liên kết sản xuất lúa Séng Cù, thu nhập của các hộ dân được nâng cao vì năng suất lúa tăng, giá bán cũng cao hơn trước.

Để liên kết sản xuất không bị phá vỡ

Vì vậy, để phát triển bền vững liên kết sản xuất lúa đặc sản theo chuỗi giá trị, ông Sợi mong muốn có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành. "Ngoài triển khai các chính sách hỗ trợ, các cấp, các ngành quyết liệt hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các hộ tham gia, tránh việc vi phạm, phá vỡ liên kết. Đồng thời, cần phải có chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp và người dân không vi phạm, phá vỡ hợp đồng liên kết" – ông Sợi bày tỏ.

Làm gì để liên kết sản xuất phát triển bền vững? - Ảnh 3.

Tham gia liên kết sản xuất lúa đăc sản, thu nhập của người dân bản Đắc được nâng lên. (Ảnh: Thanh Ngân)

Mong muốn của ông Sợi cũng là mong muốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết. Khi doanh nghiệp và người dân cùng bắt tay chặt chẽ trong thực hiện hợp đồng ký kết thì liên kết sản xuất mới có thể phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Hồng Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dũng Long, cho biết: Công ty hiện đang liên kết sản xuất lúa đặc sản với các nhóm hộ ở xã Hua Nà và xã Tà Hừa (Than Uyên). Việc liên kết sản xuất không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiêp, mà còn mang lại lợi ích cho cả người dân. Tuy nhiên, khi mới tham gia hợp tác sản xuất không tránh khỏi những lo lắng cả về phía doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp thì lo người dân bán sản phẩm ra ngoài, còn người dân thì lại lo doanh nghiệp không bao tiêu sản phẩm. Do đó, để liên kết sản xuất phát triển một cách bền vững, đòi hỏi phải có những chế tài đủ mạnh, đồng thời cũng rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc giám sát, quản lý các chuỗi liên kết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem