Dân Việt

Đối tượng chặn ô tô đập vỡ kính ở Bình Dương có thể bị xử lý thế nào?

Phi Long 09/12/2024 18:00 GMT+7
Ông Lê Xuân Toàn được xác định là người đã chặn ô tô, dùng cây đập phá kính chắn gió. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng này có nồng độ cồn trong máu và có tiền án về tội "Giết người". Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc này.

Tạm giữ đối tượng đập kính ô tô ở Bình Dương

Tối 8/12, thông tin từ Công an thành phố Tân Uyên, Bình Dương cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ hình sự Lê Xuân Toàn (38 tuổi, quê thành phố Hà Nội) để điều tra về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý làm hư hỏng tài sản".

Trước đó, chiều 7/12, Công an phường Hội Nghĩa (thành phố Tân Uyên) nhận được tin báo của người dân về việc một đối tượng đang chặn đầu, đập phá ô tô  trên đường ĐT.747A. 

Công an phường Hội Nghĩa đã nhanh chóng triển khai lực lượng đến hiện trường và phát hiện một đối tượng đang có hành vi gây rối, hủy hoại tài sản, gây ùn tắc giao thông nên đã khống chế đưa về trụ sở công an để làm rõ, đồng thời mời làm việc những người có liên quan.

Làm việc với cơ quan chức năng, đối tượng đập kính ô tô khai nhận tên là Lê Xuân Toàn. Qua kiểm tra nồng độ cồn, cơ quan công an xác định đối tượng có nồng độ cồn lên tới 34,68 mmol/lít. Ông Toàn khai nhận, vào chiều cùng ngày có ăn nhậu với một số người bạn tại huyện Bắc Tân Uyên, sau đó lái xe máy về thành phố Tân Uyên.

Trong quá trình lưu thông, xe máy của ông Toàn va chạm nhẹ với ô tô do tài xế H.V.P. (40 tuổi, quê Thanh Hoá) điều khiển. Sau khi va chạm, Toàn đã chặn đầu ô tô và đập phá làm hư hỏng một số thiết bị của xe. Hành vi của đối tượng đã gây ách tắc giao thông trên tuyến đường ĐT.747A. Công an thành phố Tân Uyên cho biết, ông Toàn đã có 1 tiền án về tội "Giết người".

img

Lê Xuân Toàn tại cơ quan công an. Ảnh: CA.

Quy định về tội cố ý làm hư hỏng tài sản

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt như sau:

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.  

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho hay, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:  Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tài sản là bảo vật quốc gia; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Để che giấu tội phạm khác; Vì lý do công vụ của người bị hại; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuỳ vào giá trị của tài sản và hành vi gây ra mà tội cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ áp dụng các khung hình phạt khác nhau. Có thể người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm như đã nêu trên hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm, từ 5-10 năm và cao nhất là từ 10-20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Ngoài việc bị xử lý hình sự, người phạm tội còn phải thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại cho bị hại theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.