Dân Việt

Thời vua Khải Định nhà Nguyễn có vụ một bà góa ở Hà Đông đâm đơn tố cáo anh họ chồng chiếm đoạt tài sản

Tuấn Ngọc 09/12/2024 11:10 GMT+7
Bà quả phụ Nguyễn Thị Ngải sống vào năm Khải Định thứ 8 (1923) đã có đơn tố cáo anh họ chồng chiếm đoạt tài sản của gia đình mình khi người chồng qua đời. Cuối cùng phần thắng đã đứng về phía quả phụ.

Thân gái dặm trường kêu cứu lên quan lớn

Hành trình đến cửa quan tố cáo anh họ chồng có hành vị chiếm đoạt tài sản vợ chồng bà Ngải cũng đầy trắc trở, gian nan, do bà là phận gái côi cút, trong khi anh em bên nhà chồng lấn át bà. Thân gái trong xã hội còn đậm chất phong kiến đi kêu kiện không phải là chuyện đơn giản.

Sử cũ cho biết, ngày 20/1/1923, quả phụ Nguyễn Thị Ngải, người ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay là quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tố cáo Nguyễn Đăng Trản là anh họ của Nguyễn Đăng Thu (chồng bà Ngải đã qua đời). 

Bà Ngải tố cáo lên quan trên là ông Trản đã chửi bà và có ý định chiếm đoạt tài sản mà nhà bố mẹ chồng để lại. 

Còn nhà chồng bà trình bày rằng vợ chồng ông Thu, bà Ngải lấy nhau nhưng không có con nối dõi. Khi ông Thu chết, Nguyễn Đăng Giai, một người họ hàng bên nhà chồng sang chống gậy, chủ trì tang lễ giùm. Vì vậy, họ quyết định Nguyễn Đăng Giai sẽ thừa kế tài sản của anh họ.

Trong đơn tố cáo, bà Ngải cho biết: “Đến tháng Chạp năm ngoái con (Nguyễn Thị Ngải) xin phép đổi mả cho chồng con. Hôm ấy thấy tên Nguyễn Đăng Trản đem anh em ra giữ không cho con làm mả chồng, toan sinh sự”. 

Ngược lại nhà Nguyễn Đăng Trản phản bác như sau: “Khi Nguyễn Đăng Thu chết, Thị Ngải có báo tôi là tên (Nguyễn Đăng Giai) vào chống gậy cho tên Thu đưa ma thôi, nhưng hai năm sau tên Thị Ngải không nói gì với anh em chúng tôi, mà cứ đàn tiện cải táng cho chồng”. Mẫu thuẫn giữa bà Ngải và ông Trản nảy sinh từ đây và diễn ra vụ tố cáo.

img

Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)

Thông tin từ vụ án cho biết, ông Nguyễn Đăng Thương sinh được 3 người con trai: Con cả là Nguyễn Đăng Đài, con thứ hai là Nguyễn Đăng Cập và con út là Nguyễn Đăng Gập. Nguyễn Đăng Đài sinh được hai người con trai là Nguyễn Đăng Trản và Nguyễn Đăng Đệ. Nguyễn Đặng Cập chỉ sinh được một con trai là Nguyễn Đăng Thu (chồng bà Ngải). Nguyễn Đăng Gập sinh được hai con trai là Nguyễn Đăng Giai và Nguyễn Đăng Tí.

Ngày 16/12/1920 âm lịch, ông Nguyễn Đăng Thu qua đời lúc 26 tuổi. Ông Thu có hai đời vợ nhưng không có con nối dõi. Do vậy, vợ ông Thu là bà Ngải nhờ em họ chồng là Nguyễn Đăng Giai vào chống gậy cho chồng lúc đưa tang.

Phần ruộng ao của Nguyễn Đăng Thu vốn là tài sản do ông Nguyễn Đăng Thương để lại cho con thứ là ông Nguyễn Đăng Cập (bố ông Thu). Từ khi chồng qua đời, bà Ngải giữ toàn bộ di chúc của ông Nguyễn Đăng Thương và Nguyễn Đăng Cập (bố chồng) để lại. 

Khi đến ngày hết khó (giỗ hết) của chồng (2 năm sau ngày mất), bà Ngải không nói gì với anh em Nguyễn Đăng Trản, định cải táng cho chồng. Vì vậy, ông Trản đã qua nhà mắng chửi bà Ngải và không cho phép cải táng. Nhưng khi bà Ngải có giấy phép cải táng hợp lệ, anh em ông Trản cũng phải đồng ý.

Ngày 24/12 âm lịch, anh em nhà ông Trản cho rằng năm hết, Tết đến, ngày giỗ ông Thu cũng cận kề. Họ đã mời nội tộc và làm giấy để từ đường có người cúng Tết cho chú, thím mình. 

Nguyễn Thị Ngải đã khóc, ấm ức và không đồng ý với cách làm của nội tộc, bà đã phản ứng anh em ông Trản, khiến ông Trản bỏ về. Từ đây bà Ngải đâm đơn tố cáo lên quan và anh em ông Trản cũng có đơn trình bày việc tranh chấp này.

Công lý đứng về quả phụ

Sau khi thụ lý đơn tố cáo của bà Ngải, Tri phủ Hoài Đức lúc đó là Bùi Phát Tương đã có báo cáo Tổng đốc Hà Đông và khẳng định rằng: “Tôi xét thấy con Thị Ngải lấy tên Thu có sinh 2 đứa con, mà chết cả. Tên Thu chết Thị Ngải vẫn ở nhà chồng vẫn được 3 năm, lũ tên Nguyễn Đăng Chản (Nguyễn Đăng Trản) là anh con nhà bác đến nhà Thị Ngải lập tự, chia ruộng, mắng chửi thị ấy thực là trái phép, tôi đã hiểu bảo cho lũ tên Chản biết rằng: tên Thu chết rồi, thời sản nghiệp của tên ấy, tức là sản nghiệp của Thị Ngải, Thị Ngải vô tư thủ tiết thờ chồng, thời lũ tên Chản không được phép quấy Thị Ngải, nếu lũ ấy không tuân lời sẽ xin có lỗi”.

Tri phủ Hoài Đức viết báo cáo bằng chữ Quốc ngữ ngày 20/4/1923 và Tổng đốc phê duyệt vào ngày 23 cùng tháng với nội dung: “Theo luật, Thị Ngải vẫn thủ tiết ở nhà thờ chồng, thời vẫn được hưởng các sản nghiệp của chồng, lũ tên Chản không được quấy nhiễu nó, nếu không tuân sẽ đưa ra Toà án nghĩ phạt”.

Những vấn đề mà Tri phủ xem xét trong vụ việc này là việc tranh luận về tài sản thừa kế sau khi ông Thu mất. Tài sản của Thị Ngải có nguồn gốc từ đâu. Bà Ngải tự xưng rằng gia sản của mình bao gồm tài sản không chỉ của bố mẹ chồng để lại mà còn có phần riêng của vợ chồng bà. 

Nhưng theo ý kiến của Nguyễn Đăng Trản, phần ruộng ao của Nguyễn Đăng Thu là của ông bà Nguyễn Đăng Thương và vợ chồng chú hai là Nguyễn Đăng Cập. Vấn đề nữa, ai là người được thừa hưởng tài sản và làm cúng lễ.

img

Sơ đồ phả hệ 1 - gia đình nhà Nguyễn Đăng Thương.

Ông Trản bày tỏ quan điểm rằng nhà chú thím ông ta (nhà ông Cập) không có người nối dõi và ông ta phải lập tự - thay con trai chú thím thờ cúng. 

Bà Ngải kêu trong đơn rằng: “Con thiết tưởng tên Trản không phải là người thừa tự nhà con được sao dám chen tiện chiếm nhận của con như thế. Thật là ức hiếp. Con qua xin quan lớn thương con trừng trị tên ấy cho con kẻo con sợ tên ấy hống hách dữ rát như thế hoặc đêm hôm tối tăm làm hại đến sinh mệnh con là kẻ đàn bà một thân, một nhà không biết kêu ai được”.

Cuối cùng Tri phủ là về phe Thị Ngải và Tổng đốc cũng đồng ý như nêu trên. Một kết cục có hậu cho một quả phụ thủ tiết thờ chồng, một thân kêu cứu lên cửa quan và được bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình.

Khoản mục quyền lợi phụ nữ trong Bộ luật Hồng Đức

Trong một nghiên cứu của chuyên gia người Hàn Quốc về sở hữu tài sản của phụ nữ thời Pháp thuộc cho biết: “Trong làng hồi đó có phong tục nếu nhà không có con trai thì anh em họ có thể trở thành chủ tang cho cố hữu và thừa kế toàn bộ tài sản. Nhưng phong tục này cuối cùng bị bác bỏ bởi một khoản mục quyền lợi phụ nữ được duy trì sau khi chồng chết trong Bộ luật Hồng Đức. 

Như vậy, Bộ luật Hồng Đức vẫn duy trì đến năm 1923” (Theo “Khảo sát về tình trạng sở hữu đất của phụ nữ trong xã hội thôn làng ở miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc - Nghiên cứu Đông Nam Á” của Kim Jong - Ouk năm 2009).

Còn tác giả Trần Tuyết Nhung trong cuốn “Các thành tố gia đình, giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại” (NXB Phụ nữ) cho biết về quyền lợi của phụ nữ trong gia đình nhà chồng: “Để bảo đảm sự bảo vệ cho dòng dõi người chồng, nhà nước yêu cầu goá phụ phải giữ tiết hạnh với ông chồng quá cố. Và để đảm bảo quyền hạn của mình đối với tài sản gia đình, người phụ nữ phải chứng minh bản thân kiên quyết thủ tiết thờ chồng bằng cách không tái giá”.

Có thể thấy trong bối cảnh đất nước thuộc Pháp, còn mang nhiều tư tưởng phong kiến, phụ nữ Việt Nam đã có tiếng nói qua con đường tố tụng. Giá trị thủ tiết thờ chồng là một lựa chọn để họ tranh đấu cho quyền lợi và giá trị của họ. 

Điều này, nhiều quốc gia Phương Đông khó mà làm được. Như theo tác giả Trần Tuyết Nhung trong sách đã dẫn ở trên, thời nhà Thanh (Trung Quốc) goá phụ giữ tiết trinh thờ chồng khó mà giữ được tài sản của chồng theo ý mình.

Năm 1483, Vua Lê Thánh Tông sai các triều thần sưu tập tất cả các điều luật, các pháp lệnh đã ban bố và thi hành trong các triều vua thời Lê sơ, soạn định lại, xây dựng lại thành một bộ luật hoàn chỉnh. Đó là bộ Quốc triều hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức. Bộ luật Hồng Đức nói riêng và pháp luật thời Lê nói chung mang đặc thù của pháp luật Đại Việt, phản ánh chân thực và sâu sắc tình trạng xã hội nước ta thế kỷ XV và sau này.

Tính đặc thù của Quốc triều hình luật thể hiện rõ trong hai chương Hộ hôn và Điền sản. Qua hai chương này, các nhà làm luật đã coi trọng cá nhân và vai trò của người phụ nữ - điều mà các bộ luật trước và sau không mấy quan tâm. Có 53/722 điều luật (7%) bàn về hôn nhân - gia đình; 30/722 điều luật (4%) bàn về việc hương hỏa, tế lễ, thừa kế và sở hữu tài sản. Những điều luật này ít nhiều đã đề cập đến một số quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội và trong gia đình.

Pháp luật quy định cụ thể ở các điều 374, 375 và 376 của Quốc triều hình luật, tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn: Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng; tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ và tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân (tài sản chung). Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung. Khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người. Còn khi chồng chết trước (hay vợ chết trước) tài sản có do bố mẹ dành cho được chia làm hai phần bằng nhau, một phần dành cho gia đình bên chồng/vợ để lo việc tế lễ (bố mẹ bên chồng/vợ hoặc người thừa tự bên chồng/vợ giữ). Một phần dành cho vợ/chồng để phụng dưỡng một đời (nhưng không có quyền sở hữu). Khi người vợ/chồng chết, thì phần tài sản này giao lại cho gia đình bên chồng.

Đối với tài sản do hai người tạo ra cũng chia làm hai phần bằng nhau: một phần dành cho vợ/chồng làm của riêng; một phần dành cho vợ/chồng chia ra như sau: 1/3 dành cho gia đình nhà chồng/vợ để lo việc tế lễ; 2/3 dành cho vợ/chồng để phụng dưỡng một đời, không được làm của riêng, khi chết giao lại cho gia đình bên chồng…

Bộ luật Hồng Đức có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Pháp luật ấy về cơ bản được duy trì để thi hành ở những thế kỷ sau, cho đến khi nhà Nguyễn ban hành bộ luật Gia Long thì uy tín, tinh thần những điều khoản luật Hồng Đức vẫn còn sống trong dân gian.