Dân Việt

Nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng qua chuỗi thực phẩm an toàn

Danh Hùng 09/12/2024 18:56 GMT+7
Trước yêu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng và yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm (ATTP), hầu hết các địa phương, các HTX đều đề cao việc xây dựng và quản lý các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; tuy nhiên, quản lý sao cho hiệu quả lại không hề đơn giản.
Nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng qua chuỗi thực phẩm an toàn - Ảnh 1.

Liên kết sản xuất bền vững theo chuỗi

Hằng năm, thông qua các chuỗi sản xuất, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã cung cấp ra thị trường khoảng 16.500 tấn gạo, 5.600 tấn rau củ, 4.700 tấn thịt gia súc, gia cầm, 3.000 tấn thủy sản. Trong đó, 65% trở lên số lượng thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn huyện được cung cấp thông qua chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.

Để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm được cung ứng qua các chuỗi, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người sản xuất chọn lọc các sản phẩm phù hợp với thị trường để nhân rộng diện tích như thịt lợn, gạo, rau... theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị.

Nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng qua chuỗi thực phẩm an toàn - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân ở Thanh Hóa đã tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Ông Ân Đức Hưng - một trong những hộ dân sản xuất rau an toàn ở xã Thọ Hải cho biết: "Tham gia cung ứng rau an toàn, chúng tôi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình đảm bảo ATTP như làm đất, sử dụng chế phẩm sinh học, bón phân, thu hoạch, sơ chế và chuẩn bị các điều kiện để sản xuất như nhà lưới, đất, nước tưới, hệ thống tưới tiết kiệm... 

Đồng thời, sản phẩm sau khi thu hoạch được sơ chế, bao gói, dán nhãn, tem truy xuất nguồn gốc đúng với quy định; nhất là đối với các loại rau dễ hư hỏng sau quá trình thu hoạch có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm".

Cũng tại Thanh Hóa, từ những năm đầu thực hiện nhiệm vụ, huyện Quảng Xương đã thành lập Ban chỉ đạo quản lý về vệ sinh ATTP. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tăng cường nguồn lực cho công tác bảo đảm vệ sinh ATTP; nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Hiện, 15 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã đưa ra thị trường gần 17.000 tấn lương thực, thực phẩm các loại được kiểm soát chất lượng theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc.

Không chỉ xây dựng các chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn, Sở NNPTNT TP. Hà Nội còn kết nối gần 1.000 chuỗi tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn với 43 tỉnh, thành phố. HTX dịch vụ sản xuất sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã, (Lâm Thao - Phú Thọ) là một trong những đơn vị liên kết với Sở NNPTNT TP. Hà Nội để đưa các sản phẩm rau, củ, quả của HTX vào các siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng qua chuỗi thực phẩm an toàn - Ảnh 3.

Các phiên chợ giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận và ủng hộ.

Theo ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ, sản phẩm rau an toàn đạt chuẩn VietGAP là một trong 123 chuỗi nông sản, thực phẩm của tỉnh Phú Thọ có tiềm năng đưa vào hệ thống các siêu thị trên thị trường Hà Nội, do đó tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền để mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội hiện mới đáp ứng từ 30% - 70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, vì vậy việc hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm xây dựng, duy trì và phát triển 946 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.

"Các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi, góp phần ổn định sản lượng, thích ứng với diễn biến nhu cầu thị trường, hạn chế được tổn thất cho người nông dân. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước" – ông Hoa nhấn mạnh.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang triển khai tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các thành viên trong chuỗi cung ứng, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Một số loại nông sản của Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu đã tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam hiện đang có một số hạn chế điển hình:

Thứ nhất, quy mô nông hộ nhỏ. Đây là trở ngại lớn nhất để cải thiện quy trình nông nghiệp của nông dân. Các hộ nông dân quy mô nhỏ không được kết nối với các yêu cầu của thị trường quốc tế, do đó có rất ít động lực để họ cải thiện chất lượng.

Thứ hai, cấu trúc chuỗi cung ứng mang nặng tính tự phát và thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên; liên kết ngang giữa các hộ nông dân (thông qua các hợp tác xã), cũng như giữa các nông trại còn hạn chế; liên kết dọc giữa các nông trại với nhà máy chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu còn khá lỏng lẻo.

Thứ ba, nông sản cùng loại thường không đồng nhất về chất lượng, kích cỡ, hình dáng, trọng lượng và tính an toàn thực phẩm bởi có sự tham gia của số lượng rất đông các hộ nông dân, với trình độ sản xuất, ý thức kinh doanh và nhận biết về thị trường rất khác nhau.

Nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng qua chuỗi thực phẩm an toàn - Ảnh 4.

Sản phẩm nông sản của các HTX được giới thiệu tại các phiên chợ, hội chợ nông sản an toàn.

Thứ tư, công nghệ chế biến sau thu hoạch khá lạc hậu, trang thiết bị cũ kỹ, sản phẩm sơ chế còn nhiều tạp chất; công nghệ bảo quản còn hạn chế, nên chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát. Tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ và vận chuyển trong chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản Việt Nam là khá lớn.

Và cuối cùng, chứng chỉ chất lượng Việt Nam hiện nay chưa được công nhận trên thị trường quốc tế.

Do đó, để bảo đảm sự bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, cần hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn. Khuyến khích các hộ sản xuất tham gia các vùng được quy hoạch thông qua hoạt động đầu tư vốn, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi giống, kỹ thuật và công nghệ nhằm tăng năng suất, đạt hiệu quả cao; đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho từng khu vực sản xuất nhằm hạn chế gian lận về nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, giám sát trong quá trình sản xuất, tiến tới thực hiện các chứng nhận sản phẩm bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển các các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu ổn định gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo ông Thủy, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống thông tin về thị trường, khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới cho các hộ nuôi trồng, chế biến và các doanh nghiệp xuất khẩu. Tạo lập và tăng cường liên kết các thành viên trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản xuất khẩu cùng vận hành và phát triển bền vững.

Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản. Các hiệp hội ngành hàng nông sản nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, nông sản mới có thể tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.

CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN