Nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 16/11/2024 15:40 PM (GMT+7)
Các nhà quản lý, chuyên gia đều cho rằng, Hội Nông dân Việt Nam và hội viên nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
Bình luận 0

Sáng 16/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo: "Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng". Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự, chủ trì hội thảo.

Chủ trì hội thảo còn có ông Vũ Quốc Huy, Trưởng ban xã Hội; ông Hoàng Tùng, Phó trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Tham dự còn có đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương; lãnh đạo Hội Nông dân và Sở NNPTNT một số tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn.

Nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 1.

Sáng 16/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo: "Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng". Ảnh: Minh Ngọc

Nông dân là "trung tâm" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cho biết, Nghị quyết số 69 ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 46 ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đã giao Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án: "Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2024-2030", trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đề nghị hội thảo làm rõ vai trò của Hội Nông dân trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự, chủ trì hội thảo. Ảnh: Minh Ngọc

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản an toàn thông qua hệ thống các cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ nông sản an toàn mang thương hiệu Hội Nông dân, ông Nguyễn Minh Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, Hội Nông dân tỉnh đã mở 53 cửa hàng Nông sản an toàn ở 8/8 huyện, thành phố, thành lập Câu lạc bộ nông sản an toàn gồm 60 thành viên nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, kết nối cung cầu, mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu ổn định, trao đổi, thông tin hàng hóa giữa các cửa hàng.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình khai trương cửa hàng nông sản an toàn Ninh Bình tại thủ đô Hà Nội và tại tỉnh Hòa Bình, đây là hướng đi mới trong giải pháp tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân trong tỉnh.

Đến nay, 38/38 cửa hàng nông sản an toàn do Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình quản lý đều chấp hành tốt quy định của các ngành chức năng, tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân trong và ngoài tỉnh.

Nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tham luận tại hội thảo. Ảnh: Minh Ngọc

Tuy nhiên, theo ông Lộc, trong quá trình triển khai vận động, hỗ trợ nông dân thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản an toàn thông qua hệ thống các cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ nông sản an toàn mang thương hiệu Hội Nông dân còn một số tồn tại hạn chế như: cán bộ Hội chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Hội trong việc tham gia đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy chưa thật sự trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện.

Việc tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ nông dân nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm và lợi ích khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn chỉ thấy lợi ích trước mắt mà chưa thấy lợi ích lâu dài.

Việc vận động nông dân giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn còn hạn chế, nông dân vẫn còn ngại tố giác.

"Người nông dân không thể đứng một mình"

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thì cho rằng, để làm tốt sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng thì người nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Đồng thời, để làm tốt việc này, cần sự phối hợp, huy động các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để chung tay, giám sát.

Nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 4.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, người nông dân đóng vai trò "trung tâm, "then chốt", từ khâu sản xuất đến tiêu thụ trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Ảnh: Minh Ngọc

"Sản phẩm khi được bán ra thị trường phải giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, sau đó phải có giải pháp để chứng minh được nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng có thể nhận biết được", ông Chinh nói.

Ông Chinh cũng cho biết, hiện nay, có trên 20.000 HTX sản xuất nông nghiệp, người nông dân "không thể đứng một mình", bởi vậy, phải tuyên truyền, tập hợp, hỗ trợ họ vào các HTX, tổ hợp tác, hay Chi tổ hội nông dân nghề nghiệp để liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ đó, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, phải ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Ông Chinh cho hay, đây sẽ là giải pháp đột phá để giúp nông dân sản xuất và bán hàng, "khoảng cách địa lý sẽ không có ý nghĩa gì cả, người nông dân có thể bán hàng đi bất kỳ đâu".

Nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 5.

Ông Đỗ Thành Lâm, Giám đốc Dự án SAFEGRO (Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển) đề xuất Hội Nông dân các cấp cần phải tuyên truyền, vận động hướng đến "thay đổi hành vi an toàn thực phẩm". Ảnh: Minh Ngọc

Theo ông Đỗ Thành Lâm, Giám đốc Dự án SAFEGRO (Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển), Hội Nông dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong giám sát, phản biện xã hội về thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.

Ông Lâm bày tỏ ấn tượng với mô hình của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã thực hiện được. Trong đó, thực hiện phải có cam kết, hợp đồng, giám sát, hỗ trợ... ngoài ra triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.

Tại hội thảo, ông Lâm đề xuất, Hội Nông dân các cấp cần phải tuyên truyền, vận động hướng đến "thay đổi hành vi an toàn thực phẩm". Trong đó, mục tiêu hướng đến đó là thay đổi hành vi từ người bán hàng và người tiêu dùng, quản lý chợ, từ đó, tuyên dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt.

Nông dân đóng vai trò "trung tâm, then chốt" trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, từ đó, đóng góp các ý kiến để Tổ biên tập xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024. Ảnh: Minh Ngọc

Tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế, Sở NNPTNT Kiên Giang, Hội Nông dân TP. Hà Nội, CEO Công ty CP Công nghệ phần mềm AUTOAGRI Nguyễn Thị Thành Thực cũng trình bày tham luận, nêu thực trạng và đưa các giải pháp, trong đó đều khẳng định vai trò "nòng cốt" của nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời đề nghị, tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, từ đó, đóng góp các ý kiến để Tổ biên tập xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.








Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem