Dân Việt

Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng: Bao nhiêu đơn vị dự kiến bị "xóa bỏ"?

Thế Anh 11/12/2024 14:07 GMT+7
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Xây dựng đã có cuộc bàn thảo, trao đổi và thống nhất đề xuất tên Bộ sau khi hợp nhất là "Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải".

Sẽ hợp nhất và giải thể một số đơn vị

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 6/12/2024 kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Trong đó, hợp nhất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng).


Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng: Bao nhiêu đơn vị dự kiến bị "xóa bỏ"?- Ảnh 1.

Trụ sở Bộ GTVT. (Ảnh: Thế Anh)

Về vấn đề này, Bộ GTVT và Bộ Xây Dựng đã có cuộc bàn thảo, trao đổi và thống nhất đề xuất tên Bộ sau khi hợp nhất là: "Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải".

Theo đó, dự kiến cơ cấu tố chức Đảng: Kết thúc hoạt động Ban cán sự đảng 2 Bộ và thành lập Đảng bộ Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải.

Về cơ cấu tổ chức chính quyền: Khối thuộc cơ cấu cơ quan hai Bộ trước khi hợp nhất gồm: 44 đơn vị (Bộ Xây dựng 19 đơn vị; Bộ GTVT 25 đơn vị). Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất hai Bộ, Khối thuộc cơ cấu cơ quan giảm xuống chỉ còn 29 đơn vị (giảm 15 đơn vị, tương đương 34%).

Trong đó, Khối tham mưu tổng hợp có 6 đơn vị (Văn phòng, Thanh tra, 4 Vụ); Khối chuyên ngành có 18 đơn vị (13 Cục và 5 Vụ); Khối sự nghiệp công lập có 5 đơn vị.

Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng: Bao nhiêu đơn vị dự kiến bị "xóa bỏ"?- Ảnh 2.

Trụ sở Bộ Xây dựng. (Ảnh: Thế Anh)

Về cơ cấu Khối đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Số đơn vị sự nghiệp của 2 Bộ trước khi hợp nhất có 32 đơn vị (Bộ Xây dựng 11 đơn vị; Bộ GTVT 19 đơn vị). Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất giảm xuống chỉ còn 23 đơn vị (giảm 09 đơn vị, tương đương 28%).

Về Khối tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu, trong đó, số doanh nghiệp do hai Bộ làm đại diện chủ sở hữu trước khi hợp nhất có 14 doanh nghiệp (Bộ Xây dựng 06 doanh nghiệp; Bộ GTVT 08 doanh nghiệp). Dự kiến sau sắp xếp, hợp nhất, Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải là chủ sở hữu của 19 doanh nghiệp.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 6/12/2024 kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Cụ thể, kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ nêu rõ một số nhiệm vụ chung cần triển khai như sau:

Một là, các cơ quan, tổ chức kết thúc hoạt động Ban Cán sự đảng, khẩn trương xây dựng phương án thành lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ.

Đồng thời xây dựng quy chế làm việc, mối quan hệ công tác của Đảng ủy bộ sau sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm theo yêu cầu định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ.

Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị), không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhất các Bộ) trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, bảo đảm bám sát yêu cầu định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Đồng thời, rà soát lại tất cả các hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.