Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải: Giảm bộ máy nhưng phải có người tài

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 07/12/2024 13:07 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên gia cho biết vấn đề sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cũng được đề xuất nhiều lần nhưng trước đây không thực hiện được do thực tiễn khó khăn, năng lực cán bộ không đủ đảm đương.
Bình luận 0

Hợp nhất Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải tạo cơ hội cho doanh nghiệp

Theo Thông báo số 140/KH-BCDTKNQ18 ban hành ngày 5/12/2024, về việc thực hiện kế hoạch số 04-KH/BCĐ (13/1/2024) của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (25//10/2017) của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII. Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp sếp tổ. chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Theo bộ Giao thông vận tải và Bộ xây dựng sẽ hợp nhất với tên dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và x ây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho bộ Giao thông và bộ Xây dựng).

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, khi sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, hình thành một bộ mới, các cơ quan của 2 Bộ cũ sẽ phải trao đổi, sắp xếp và tính toán bố trí nguồn lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Trong đó, điểm tích cực là việc sáp nhập Bộ có thể tạo dư địa lớn cho các doanh nghiệp trong triển khai các công trình, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn, phức tạp và các loại hình công trình hiện đại trong các đô thị kiểu mới (đô thị nhà ở, đô thị công nghiệp, đô thị sân bay).

"Tôi kỳ vọng rằng Bộ mới sẽ giúp xây dựng, bổ sung hệ thống pháp luật hoàn chỉnh cho các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý vận hành nhằm tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đã và đang gặp", ông Chủng chia sẻ.

Sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải: Tác động ra sao tới các doanh nghiệp? - Ảnh 1.

PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI)

PGS. TS Trần Chủng cũng cho biết, việc tinh gọn, sáp nhập Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải sẽ tối ưu hóa quy trình thực hiện các quy luật của pháp luật trong các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, giúp giảm đầu mối, từ đó rút ngắn trình tự pháp lý, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông và xây dựng, chủ trương sáp nhập hai Bộ giúp mở ra dư địa lớn để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt theo phương thức PPP. 

"Giao thông tới đâu, đô thị phát triển tới đó. Hạ tầng giao thông phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của đô thị và khu công nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị, mà trong đó các doanh nghiệp được hưởng lợi. Sự hợp nhất này có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển hạ tầng trong tương lai. Chủ trương sáp nhập sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng và giao thông phát huy được giá trị, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Chủng nói.

Theo Chủ tịch VARSI, bên cạnh cơ hội, còn đó những thách thức. Trong đó, chủ trương sáp nhập Bộ sẽ đòi hỏi các bên liên quan phải giải bài toán tổng thể về kết nối quy hoạch giao thông và đô thị. Doanh nghiệp cần bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng thời khai thác hiệu quả cơ hội phát triển chuỗi đô thị và nhu cầu phát triển hạ tầng tại các địa phương.

Ngoài ra, các doanh nghiệp buộc phải nâng cao tính năng động và chất lượng quản lý. Điều này đòi hỏi không chỉ sự nhạy bén mà còn cả khát vọng phát triển, nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới và thực hiện chuyển đổi số.

Sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải: Tác động ra sao tới các doanh nghiệp? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông và xây dựng có nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Huy Vũ

Tốc độ phát triển công nghệ hiện nay rất nhanh, nếu chậm chân, doanh nghiệp sẽ dễ dàng mất đi cơ hội. Ví dụ, trong giai đoạn 2027 - 2035, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến cần xây dựng khoảng 1.541 km đường sắt, yêu cầu sự tham gia của hàng trăm đơn vị nhà thầu. Chắc chắn, các doanh nghiệp trong nước phải ứng dụng công nghệ số như robot, trí tuệ nhân tạo (AI) để đảm bảo tiến độ và chất lượng, điều này sẽ quyết định tương lai ngành hạ tầng giao thông.

"Việc sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải mang lại cả cơ hội và thách thức. Để tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực con người, công nghệ và quản lý, đồng thời chủ động thích nghi với những thay đổi trong bối cảnh phát triển mới", ông Chủng nhận định.

Tinh gọn, sáp nhập Bộ cần chú trọng người tài

Đánh giá về việc sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, với bộ máy biên chế hiện nay ở Việt Nam đang lớn hơn so với nhiều nước khác. Việc tinh giản biên chế hay sắp xếp lại bộ máy tổ chức là cần thiết và được đề cập nhiều lần trước đây nhưng đến nay mới thực hiện quyết liệt.

"Vấn đề sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cũng được đề xuất nhiều lần nhưng trước đây không thực hiện được do thực tiễn khó khăn, năng lực cán bộ không đủ đảm đương. Chúng ta phải nhấn mạnh vào yếu tố con người, giảm bộ máy nhưng thêm nhiệm vụ thì bắt buộc phải có người tài năng và giỏi", ông Nghiêm đánh giá.

Sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải: Tác động ra sao tới các doanh nghiệp? - Ảnh 3.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, về vấn đề định hướng sắp xếp lại bộ máy tổ chức trong đó có các Bộ, ngành muốn khởi động lại và có quyết sách đúng đắn thì cần có đủ thời gian. Do đó, cần xem xét lại thực tiễn, hệ thống văn bản hiện nay, thực thi triển khai thủ tục hành chính ra sao để việc sắp xếp Bộ, ngành được hợp lý.

"Tôi rất tán thành việc cần sắp xếp lại bộ máy tổ chức nhưng phải có tính toán đồng bộ với các luật và năng lực tổ chức hiện nay. Riêng về vấn đề quy hoạch và đất đai, tôi đã tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu và có đến hàng chục quy định pháp luật liên quan đến nhau, đây là thuận lợi khi sáp nhập. Còn nếu việc tinh giản bộ máy hành chính diễn ra nhưng làm thủ tục hành chính chậm đi thì không được, thực hiện phải có hiệu quả", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Theo ông Nghiêm, những năm gần đây, Việt Nam đang đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa lên rất cao, hiện nay mới đạt hơn 40% tỷ lệ đô thị hóa và phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt trên 50% tỷ lệ đô thị hóa với khoảng 1.200 đô thị. Do đó, việc năng lực quản lý phải tính toán rất kỹ lưỡng, bộ máy giảm bớt nhưng chất lượng quản lý phải tăng lên.

Trong đó, để phát triển đô thị thì ngành giao thông là mũi nhọn, xương sống; lĩnh vực đất đai cũng rất quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tài nguyên và môi trường; còn quản lý xây dựng là nhiệm vụ chính của ngành xây dựng. Và để kết hợp một cách hài hòa thì cần rà soát, đối chiếu lại định hướng phát triển sắp tới. Bởi riêng việc phát triển đô thị đã liên quan đến đất đai, quy hoạch và giao thông.

Do đó, để vừa đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa và muốn đạt hiệu quả cao, vừa sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn hơn là việc cần đánh giá, so sánh kỹ lưỡng. Nếu làm không kỹ, sắp xếp không hợp lý thì có thể giảm chỗ này nhưng có khi phình ra chỗ khác.

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong đó, Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là: Bộ Hạ tầng và Đô thị.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem