Theo Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT ngày 26/10/2022 về phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xây dựng và phát triển ngành hoa, cây cảnh một cách bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Giai đoạn 2022 - 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hoa, cây kiểng đạt khoảng 6-8%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 50.000 - 55.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 70.000 - 75.000 tỷ đồng.
Về xuất khẩu, giá trị xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 130 - 150 triệu USD, đến năm 2030 đạt khoảng 180 - 200 triệu USD.
Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 130 -150 làng nghề hoa, cây cảnh được cấp thẩm quyền công nhận.
Về quan điểm, Bộ NN&PTNT xác định phát triển ngành hoa, cây kiểng trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái, đặc biệt là truyền thống văn hóa, sản xuất hoa, cây cảnh của từng vùng địa phương; phát triển phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương từ nay đến năm 2030.
Ngoài ra, ngành hoa và cây cảnh cũng sẽ phát triển theo hướng thị trường, khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, công nghệ số trong công tác quản lý, sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành hoa, cây cảnh, trong đó Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật…
Tại TP.HCM, vài năm gần đây, làng mai vàng Bình Lợi nổi như cồn, thu hút thương lái cả nước đổ về mua mai giống, mai chậu rồi vận chuyển đi khắp nơi. Không khí làng mai Bình Lợi càng nhộn nhịp mỗi dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là mô hình điểm về thực hiện Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 của TP.HCM.
Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, cho biết tại xã Bình Lợi, ban đầu chỉ là vài hecta trồng mai vàng thử nghiệm, nông dân đã kiên trì, cần cù học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc mai. Nhờ sự phù hợp của thổ nhưỡng, khí hậu, cây mai vàng ở đây sinh trưởng tốt, cho hoa đẹp, dần dần thay thế những ruộng thơm, ruộng mía bạc màu.
Làng mai vàng Bình Lợi hiện nay đã phát triển quy mô rất lớn, trên 655 hecta với hàng trăm nông hộ, nhà vườn, trở thành vùng trồng mai vàng lớn nhất miền Nam, thậm chí cả nước.
Theo bà Công, không chỉ chú trọng mở rộng diện tích, người dân Bình Lợi còn không ngừng tìm tòi, lai tạo, cho ra đời những giống mai chất lượng, làm say đắm lòng người như giảo Thủ Đức, siêu bông Bình Lợi, giảo gai, giảo chùm...
Những cái tên ấy đã trở thành thương hiệu, khẳng định vị thế của làng mai vàng Bình Lợi trên thị trường… Bên cạnh đó, thương hiệu mai vàng Bình Lợi hiện nay còn gắn liền những giống mai đột biến, mai siêu bông, mai bonsai đặc biệt chỉ có ở làng mai vàng Bình Lợi.
Nhờ trồng mai vàng, nhiều nông dân tại xã nông thôn mới này đã có thu nhập khấm khá hơn, thậm chí phất lên làm giàu.
Trước tình hình nhiều địa phương cũng ồ ạt phát triển diện tích trồng mai vàng dẫn đến cung vượt cầu, nhiều nông dân tại làng mai vàng Bình Lợi đã tăng cường phát triển, nhân rộng những giống mai chỉ có tại địa phương, mai bonsai. Nhờ vậy, đầu ra không quá bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, các hộ trồng mai vàng, HTX mai vàng tại địa phương đang không ngừng nỗ lực liên kết trong tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Lợi - ông Nguyễn Phạm Minh Giảng, huyện Bình Chánh đang có đề án phát triển du lịch sinh thái, hình thành những điểm đến du lịch gắn với sản phẩm cây mai. Từ đó, khai mở thêm nhiều hướng phát triển mới cho cây mai vàng nói riêng và hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung tại địa phương.