Dân Việt

"Phá băng" dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM

Diệu Bình 12/12/2024 17:28 GMT+7
TP.HCM quyết gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng để 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM thoát cảnh mưa ngập.

Quyết liệt gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, có quy mô gồm 6 cống ngăn triều (cống ngăn triều Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và cống ngăn triều Phú Định) và xây kè ven sông dài 7,8km từ Vàm Thuật đến Sông Kinh.

Được chính thức khởi công ngày 26/6/2016, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, tuy nhiên vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành cuối cùng do gặp nhiều vướng mắc.

img

Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Ảnh: D.B

Ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều hạng mục thuộc dự án nằm bất động trong thời gian dài, cỏ mọc um tùm. Việc dự án kéo dài gây lãng phí, đặc biệt là khi TP.HCM đang đối mặt với bài toán "hễ mưa là ngập".

Để sớm "phá băng" cho dự án 10.000 tỷ đồng này, TP.HCM đã nhiều lần tìm cách gỡ vướng. Mới đây, UBND TP.HCM đã thông báo về phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng để chống lãng phí, thất thoát.

Trong đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi được giao theo dõi, chỉ đạo giải quyết dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Theo ông Mãi, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được lãnh đạo cấp cao nêu ra như một điển hình của sự kéo dài, lãng phí.

img

Người dân TP.HCM chật vật do ngập mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn. Ảnh: D.B

Lãnh đạo Trung ương chỉ đạo TP.HCM tập trung cùng bộ ngành giải quyết dự án này sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu TP.HCM phối hợp giải quyết ngay trong tháng 12/2024, để hoàn thành dự án trong năm sau.

Hiện, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ khó 3 nhóm vấn đề. Cụ thể, cho phép TP.HCM được điều chỉnh dự án. Bởi dự án kéo dài, tổng mức đầu tư thay đổi, nếu không điều chỉnh dự án sẽ không có điều kiện ký lại phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư và không có cơ sở để thanh toán hợp đồng. Nếu Thủ tướng cho chủ trương điều chỉnh thì TP.HCM sẽ tiến hành điều chỉnh theo quy định.

Cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với ngân hàng BIDV tái cấp vốn và gia hạn thời gian tái cấp vốn cho vay lãi suất ưu đãi, để giảm bớt chi phí dự án. Ngoài ra là cơ cấu lại kế hoạch trả nợ của nhà đầu tư và của TP.

Về vấn đề thanh toán dự án, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, có hai nguồn thanh toán cho dự án gồm quỹ đất và thanh toán bằng tiền.

Năm 2024 TP.HCM đã bố trí 6.800 tỷ đồng cho dự án này, nhưng chắc không thể giải ngân được trong năm nay. Với ba vị trí quỹ đất để thanh toán dự án, có hai quỹ đất thực hiện theo pháp lý của Luật Đất đai và một quỹ đất công thực hiện theo nghị quyết 98.

img

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hiện đang bất động. Ảnh: D.B

UBND TP.HCM đã đề nghị Thủ tướng thống nhất cho dùng ba vị trí đất này để thanh toán dự án, ủy quyền lại TP thực hiện thủ tục định giá và tiến hành thanh toán.

Hiện, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng, nhưng khối lượng hoàn thành nộp hồ sơ kiểm toán xong là hơn 3.000 tỷ đồng. Do đó, TP.HCM đề nghị được thanh toán trước khối lượng đã hoàn thành để nhà đầu tư có tiền hoàn thành khối lượng còn lại (khoảng 1.800 tỷ đồng). Với số tiền còn lại thì trả nợ một phần cho BIDV.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, TP.HCM sẽ nghiên cứu các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để khẩn trương giải quyết vướng mắc trong tháng 12. 

"Nếu có chủ trương tháo gỡ thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành dự án trong 12 tháng. Hy vọng cuối năm 2025 dự án sẽ xong", ông Mãi nói.

6,5 triệu dân sẽ sớm thoát ngập?

Trong cùng diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan việc tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM tập trung chỉ đạo hoàn thành rà soát, trao đổi, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp về giá trị dự án, loại bỏ toàn bộ chi phí bất hợp lý, không đúng quy định. Các bên thống nhất giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán hợp đồng và nội dung cần thiết khác làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng theo đúng quy định, không được để thất thoát ngân sách Nhà nước. Phần việc này cần hoàn thành trước ngày 20/12, không để chậm trễ, lãng phí trong đầu tư.

img

"Rốn ngập" Trần Xuân Soạn thường xuyên chìm trong biển nước mỗi khi triều cường. Ảnh: D.B

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam để khẩn trương giải quyết dứt điểm các kiến nghị liên quan tái cấp vốn cho dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công an, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của TPHCM về các vướng mắc của dự án. Công việc này cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12.

UBND TP.HCM có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất phương án giải quyết các vướng mắc của dự án.

Với những động thái quyết liệt vừa qua của cả Trương ương và địa phương, người dân TP.HCM có thể tin tưởng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sẽ được tái khởi động và sớm đưa vào vận hành chính thức, phát huy mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.