Hàng ngàn tỷ đồng, hàng loạt dự án, liệu TP.HCM có hết ngập?
Nỗi ám ảnh ngập nước ở TP.HCM (Bài 3): Hàng ngàn tỷ đồng, hàng loạt dự án, nhưng vẫn chỉ... hy vọng hết ngập
Diệu Bình
Thứ tư, ngày 20/11/2024 05:00 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần đề ra chiến lược cụ thể trong việc chống ngập, tất nhiên không thực hiện lẻ tẻ mà phải đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở ban ngành. Nếu không, việc chống cứ chống và ngập thì cứ ngập.
TP.HCM đã phải đối mặt với nhiều thách thức do triều cường và ngập úng từ nhiều năm nay. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, biến đổi khí hậu đã và đang tác động lớn đến môi trường, gây ngập lụt ở các đô thị lớn.
Do đó, việc tu sửa và nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai là một phần trong nỗ lực của TP.HCM nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đây không chỉ là biện pháp khẩn cấp mà còn là bước đi chiến lược để đảm bảo sự phát triển bền vững của TP trong tương lai.
Mới đây, UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai TP.HCM cấp cho Sở NN-PTNT, UBND quận Tân Bình, huyện Củ Chi, TP.Thủ Đức để hỗ trợ kinh phí tu sửa cấp bách 23 công trình phòng chống thiên tai xung yếu năm 2024.
Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 62,598 tỷ đồng, gồm tu sửa cống SG3 thuộc công trình đê bao ngăn lũ bờ tả ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Phước đến rạch Cầu Ngang; tu sửa 11 bờ bao rạch, bao nhánh (TP.Thủ Đức); gia cố cấp bách các vị trí sạt lở bờ rạch Cầu Sa (quận 12); chống ngập úng tại 4 hẻm (quận Tân Bình); tu sửa 6 mương tiêu thoát nước, rạch/kênh (huyện Củ Chi).
Sau khi hoàn thành, các công trình dự kiến phát huy hiệu quả phòng chống triều cường, ngập úng, tiêu thoát nước, bảo vệ cho các khu vực có tổng diện tích khoảng 134,53ha và bảo vệ khoảng 7.722 hộ dân sinh sống trong các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Cạnh đó, TP.HCM cũng thông qua hàng loạt chủ trương, bổ sung vốn các các dự án chống ngập trọng điểm trên địa bàn.
Có thể kể đến là Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm được thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 9.664 tỷ đồng lên hơn 17.220 tỷ đồng. Hay, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.200 tỷ đồng lên 9.030 tỷ đồng tại dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Với số vốn đầu tư lớn và sự quyết tâm từ các cơ quan chức năng, TP.HCM hy vọng sẽ tăng cường khả năng chống chịu trước các thiên tai trong những năm tới, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân và duy trì sự ổn định cho khu vực.
Chuyên gia hiến kế
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, giảng viên cao cấp Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, TP cần có chiến lược tổng thể, không nên chống ngập lẻ tẻ.
Đầu tiên là đầu tư nạo vét thật kỹ tất cả hệ thống kênh rạch, nếu làm được sẽ giảm ngập rất nhanh.
"TP.HCM có hệ thống kênh rạch rất tốt, nếu nạo vét sẽ giải quyết chống ngập hiệu quả. Trước đây, các khu vực quận Tân Bình, Phú Nhuận… thường xuyên ngập. Khi TP nâng cấp kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các khu vực này hết ngập. Nạo vét kênh rất có lợi vì thoát nước, tạo môi trường trong sạch, hình thành khu dân cư hai bên bờ kênh và tăng mỹ quan đô thị", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nhận định.
Cạnh đó, ông Hoà cho rằng, TP cần tham khảo cách người Nhật chống ngập bằng cách xây hầm chứa nước lớn tại các khu đất trống để thu gom nước về. Không nên đầu tư thêm cống hộp vì cống này nhỏ, dễ kẹt rác, khó nạo vét sau thời gian sử dụng. Có thể làm cống hở có nắp đậy như các nước trên thế giới, khi nào cần có thể mở ra.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP không chỉ chống ngập mà nên quản lý thoát nước ngập để vừa giảm tác hại, vừa tận dụng tối đa lợi ích của nước.
Cần có chiến lược thoát nước cho toàn TP để định hướng các dự án nhỏ giúp nước thoát không gây ngập mà chảy dần vào hệ thống sông ngòi kênh rạch và vào mặt đất. Đồng thời, đánh giá, nghiên cứu khoa học cả những khu ngập và không ngập, vì có liên quan đến nhau.
"Ngăn việc lấp kênh rạch, làm cống hộp, vì lượng nước chứa trong kênh và có thể thấm vào đất chắc chắn lớn hơn lượng nước thoát qua cống rất nhiều", KTS Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị.
Ông Sơn cho hay, vấn đề thoát nước nếu nhìn đơn ngành thì chỉ lo làm cống và ngăn triều, nếu nhìn đa chiều thì phải làm sao phối hợp với quy hoạch đô thị và các lĩnh vực khác, để thoát nước theo hướng bền vững, vừa không ngập vừa có ích. Cốt thoát nước, cốt nền đô thị phải quản lý rất chặt. Để quản lý được chuyện này phải có hướng đi đúng, tư duy kết hợp nhiều ban ngành TP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.