Nỗi ám ảnh ngập nước ở TP.HCM (bài 2): Sốt ruột với loạt dự án chống ngập

Diệu Bình Thứ ba, ngày 19/11/2024 14:00 PM (GMT+7)
TP.HCM chi hàng chục nghìn tỷ đồng triển khai các dự án với mong muốn thoát cảnh ngập. Tuy nhiên trên thực tế, các dự án này chưa thực sự phát huy được hiệu quả.
Bình luận 0

Loạt dự án chống ngập TP.HCM

25.998 tỷ đồng là số tiền mà TP.HCM đã chi giai đoạn 2016 – 2020 để triển khai công tác chống ngập. Đủ các giải pháp được đưa ra thực hiện, nhưng hễ mưa, cứ triều cường thì TP lại ngập và tình trạng này đang có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn. 

Mưa, triều cường gây ngập tại TP.HCM đã trở thành "bài toán" nan giải đối với chính quyền TP.HCM trong suốt nhiều năm qua.

Trước tình trạng trên, Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, TP sắp triển khai 10 dự án cải tạo hệ thống thoát nước để xóa ngập cho 13 tuyến đường trục chính bị ngập do mưa.

Trong đó, chuẩn bị khởi công 3 dự án chống ngập trên địa bàn quận Gò Vấp, gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu, tổng vốn 120 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt, tổng vốn 75,5 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp (350 tỷ đồng).

img

Nhiều tuyến đường tại TP.HCM ngập sâu sau mưa. Ảnh: D.B

7 dự án chuẩn bị đầu tư, gồm: Nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn (tổng vốn 1.850 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (290 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư - 69 tỷ đồng).

Đồng thời, xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh và nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu (300 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng - 79,3 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước quốc lộ 1 (từ ngã tư Bình Phước đến khu vực Đại học Quốc gia - 600 tỷ đồng).

Ngoài ra, TP.HCM cũng chi hơn 9.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Dự án này khởi công đầu năm 2023, đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong năm 2025.

img

Tất bật thi công tại dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: D.B

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng cũng sắp được TP.HCM triển khai. Dự án sẽ khởi công trên địa bàn quận Gò Vấp trong tháng 8 năm nay (dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2025), khởi công trên địa bàn quận Bình Thạnh trong tháng 4/2025, hoàn thành năm 2028.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ "nằm chờ" gỡ vướng

Trong các công trình chống ngập đang được TP.HCM đầu tư, có thể kể đến dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công giữa năm 2016, có quy mô gồm 6 cống kiểm soát triều tại Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Mỗi cống rộng 40-160m, chiều cao thành cống 3,6-10m.

Dự án còn có 3 trạm bơm tại cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Định; tuyến đê bao ven sông Sài Gòn (từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh dài 7,8m) và thiết kế cống từ Vàm Thuật đến Mương Chuối (Nhà Bè).

img

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM dù đã đạt hơn 90% khối lượng nhưng do những khó khăn vướng mắc nên phải chờ Chính phủ gỡ vướng. Ảnh: D.B

Dự án hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM (các quận, huyện: 1, 4, 7, 8, Bình Chánh, Nhà Bè và TP.Thủ Đức).

Điều đáng nói, dù dự án đạt tiến độ hơn 90% nhưng nhiều năm qua phải nằm bất động vì vướng một số điều khoản hợp đồng giữa chủ đầu tư và UBND TP.HCM.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc tại dự án này. Theo UBND TP.HCM, hiện dự án có 3 khó khăn chính, bao gồm: Không có vốn để hoàn thành công trình; chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình triển khai có sự thay đổi mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT.

img

Nhiều hạng mục trong dự án "nằm chờ" gỡ vướng. Ảnh: D.B

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc doanh nghiệp dự án Trung Nam BT 1547 (Trung Nam Group) cho biết, dự án ngăn triều đạt tiến độ 90% từ năm cuối năm 2020. Các hạng mục thi công công trình gần như hoàn thành. Riêng cống Bến Nghé (quận 1) hoàn thành 97%, đã vận hành thử và chờ khớp nối vận hành đồng bộ với toàn bộ 5 cống lớn của dự án.

Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, dự án gần như không thể triển khai thêm do cơ quan có thẩm quyền là UBND TP.HCM chưa thanh toán như đúng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã ký kết. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ nguồn vốn để thi công hoàn thành dự án theo hướng ủy thác từ ngân sách thành phố cho Quỹ đầu tư phát triển TP.HCM (HFIC), để HFIC cho nhà đầu tư vay cũng đang bế tắc.

Theo ông Tân, việc kéo dài thời gian thực hiện công trình đã kéo theo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp về lãi vay, nhân sự và các thiết bị. Hiện, riêng lãi vay phát sinh gần 2.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến tổng mức đầu tư dự án.

"Việc này chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo rất rõ cho Chính phủ, UBND TP.HCM. Chúng tôi mong muốn dự án cần được TPHCM chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư; việc này là bắt buộc để đảm bảo cho công tác ký phụ lục hợp đồng để triển khai hoàn thành dự án", ông Tân nói.

img

Dự án được kỳ vọng sẽ giải được bài toán ngập tại TP.HCM. Ảnh" D.B

Cũng theo Giám đốc doanh nghiệp dự án Trung Nam BT 1547, dự án ngăn triều đóng vai trò trong việc bảo vệ TP trước nguy cơ ngập lụt do triều. Khi mực nước sông dâng cao, các cống kiểm soát triều sẽ được đóng lại để ngăn nước triều xâm nhập vào nội thành, giúp giữ mực nước trong các kênh rạch và hệ thống thoát nước ở mức an toàn, từ đó giảm nguy cơ ngập.

Ngược lại, khi mực nước sông hạ thấp, các cống này sẽ được mở ra để nước mưa và nước ngập từ trong thành phố thoát ra sông, giảm thiểu tình trạng ngập úng trong khu vực đô thị.

Dự án này cũng phối hợp với các hệ thống thoát nước mưa và các công trình chống ngập khác, tạo thành một mạng lưới chống ngập hiệu quả, đảm bảo khả năng ứng phó với các tình huống thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu.

Từ đó các khu vực trọng yếu như quận: 1, 4, 7 sẽ được bảo vệ tốt hơn trước các đợt triều cường, giúp duy trì hoạt động kinh tế và sinh hoạt của người dân.

"Nếu dự án được tái cấp vốn, Chính phủ và UBND TP.HCM cam kết tạo điều kiện, trong khoảng 9 tháng, chúng tôi có thể đưa 6 công trình lớn vào vận hành đồng bộ, khớp nối với các công trình thuộc chương trình chống ngập của thành phố, giúp tối ưu hiệu quả chống ngập vùng nội đô của TP.HCM", ông Vũ Đình Tân nói thêm.

Làm gì để tránh tình trạng "chống cứ chống và ngập thì cứ ngập" là điều mà các chuyên gia đô thị đặt ra. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành là câu nói mà người dân thường xuyên được nghe, nhưng liệu sự phối hợp ấy có thực sự mang lại hiệu quả khi các giải pháp kỹ thuật vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân căn cốt. Thông tin tiếp theo trên Dân Việt: Nỗi ám ảnh ngập nước ở TP.HCM (bài 3): Hàng ngàn tỉ đồng, hàng loạt dự án, nhưng hết ngập vẫn đang là... niềm hy vọng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem