Chiều 12/12 Hội nghị "Công bố kết quả Đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và Đại học chia sẻ; ký kết tài trợ, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động" đã được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển TP. HCM đến 2030 và tầm nhìn 2045, nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng cho sự tái cơ cấu, phát triển đột phá cho giai đoạn này.
Theo ông Mãi, đào tạo nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh cảnh TP.HCM đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại giá trị cao, đẩy mạnh chuyển đối số, chuyển đổi xanh. Cùng với đó, thành phố cũng đang gấp rút hoàn thành đề án "trung tâm tài chính quốc tế" đã được Bộ Chính trị thông qua. Thành phố cũng đang trình đề án phát triển đề án đường sắt đô thị.
Do đó, ông yêu cầu các đơn vị được giao cần triển khai ngay đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với sự hợp tác với doanh nghiệp, trường đào tạo. "Chúng tôi rất tự tin với mô hình hợp tác này", ông Mãi nói.
Để hoàn thành Đề án, về phía các cơ sở đào tạo, chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các cơ sở đào tạo khẩn trương hoàn thiện chương trình. Tăng cường sự hợp tác quốc tế trong xây dựng chương trình, tương tác với các cơ sở đào tạo trên thế giới để xây dựng chương trình phù hợp xu hướng hiện nay, tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, tương tác với các doanh nghiệp để nắm nhu cầu thị trường để thiết kế, chọn lựa phương pháp đào tạo để sản phẩm đào tạo đáp ứng ngay nhu cầu thị trường.
Ông Phan Văn Mãi đánh giá cao một số cơ sở đào tạo trong thời gian qua đã chủ động đầu tư để có nguồn giảng viên trình độ quốc tế. Ông đề nghị tiếp dục đầu tư mảng này để có đội ngũ giảng viên đầy đủ về số lượng và chất lượng để triển khai chương trình này.
Cuối cùng, ông cho rằng, quá trình đào tạo cần có sự kết hợp của doanh nghiệp để thực hành tại doanh nghiệp, nhưng cần sự đầu tư thoả đáng cơ sở vật chất ở chính các trường ĐH để đảm bảo quá trình đào tạo.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực hoàn thiện khi đảm bảo về trình độ Tiếng Anh, sự hiểu biết về pháp lý quốc tế, có kiến thức và kỹ năng về kinh doanh.
"Không chỉ học chuyên môn mà còn phải có ngoại ngữ, kiến thức pháp lý quốc tế và kỹ năng kinh doanh" -ông Mãi nhấn mạnh.
Với tư cách là đơn vị chủ trì Đề án thành phần 5, GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho biết, trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án, UEH đã tập trung vào việc xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng cao.
Đồng thời, bám sát chuẩn mực quốc tế, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, và với đặc trưng, yêu cầu về nguồn nhân lực tương lai ngành Tài chính - Ngân hàng. Bên cạnh đó, UEH cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt phối hợp với các giảng viên nước ngoài đến từ các Đại học danh tiếng liên kết với UEH để tham gia chương trình đào tạo.
Đặc biệt, theo chủ trương của Thành phố, sự hợp tác chặt chẽ giữa UEH và các doanh nghiệp là điểm nhấn quan trọng trong quá trình triển khai Đề án. "Các doanh nghiệp sẽ tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, cung cấp cơ hội tham quan, kiến tập, thực tập, và việc làm cho sinh viên" - ông Thành nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông cho rằng việc hợp tác không chỉ giúp sinh viên tăng cường kiến thức thực tế và kỹ năng, tự tin hội nhập vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tuyển chọn được những nhân tài chất lượng cao.
Theo thông tin từ UBND TP.HCM, Đề án nhằm đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành nêu trên (gọi tắt là các ngành trọng điểm). Bao gồm: ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông; ngành Cơ khí - Tự động hóa; ngành Trí tuệ nhân tạo; ngành Quản trị doanh nghiệp và ngành Tài chính - Ngân hàng; ngành Y tế; ngành Du lịch; ngành Quản lý đô thị.
Các Đề án thành phần được Thành phố đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xây dựng theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đến nay, có 6/9 Đề án thành phần được nghiệm thu; 2/9 Đề án đang nghiên cứu sẽ nghiệm thu trong năm 2025 và 1/9 Đề án đang thẩm định giao nhiệm vụ.