Dân Việt

Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024: "Liên kết để cùng phát triển, chứ không phải cạnh tranh xuống đáy"

Thu Lê 12/12/2024 20:45 GMT+7
Đây là một trong những thông điệp quan trọng được truyền tải tại Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024, tổ chức chiều ngày 12/12 tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Diễn đàn được tổ chức trên cơ sở Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết với UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.

Liên kết trục cao tốc phía Đông để cộng hưởng tiềm lực

Mục tiêu của việc xây dựng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông là hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng (VEHEC). Qua đó, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh: "Đây là một mô hình kết nối tiểu vùng đầu tiên, hướng đến thiết lập một cơ chế phối hợp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khai thác thế mạnh của từng tỉnh, và tăng cường hợp tác liên tỉnh trong khu vực VEHEC, qua đó tối đa hóa khả năng kinh tế của khu vực".

Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết để cùng phát triển, chứ không phải cạnh tranh xuống đáy - Ảnh 1.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024. Ảnh: Thu Lê

VEHEC là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực VEHEC trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành. Theo thống kê, hiện tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 4 địa phương VEHEC là 52.000 doanh nghiệp, chiếm 5,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

"Khu vực VEHEC là một phần của sáng kiến chiến lược này, đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các mục tiêu của Đồng bằng sông Hồng được nêu trong Nghị quyết 30-NQ/TW và Quyết định 368-QĐ/TTg, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng năng lượng tái tạo, phát triển logistics xanh và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec cho rằng: "Tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác. Trong đó, Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại gắn với thị trường Trung Quốc. Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics. Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo. Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Nếu doanh nghiệp tận dụng được các ưu thế này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư."

Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết để cùng phát triển, chứ không phải cạnh tranh xuống đáy - Ảnh 2.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec chia sẻ tại Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024. Ảnh: Thu Lê

Theo nhận định của các chuyên gia, các khu công nghiệp tại các địa phương đang có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu, bởi hiếm có một khu vực nào lại có lợi thế lớn về hạ tầng giao thông như khu vực VEHEC.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định: "Các khu công nghiệp ở trục cao tốc phía Đông đã có những thành tựu quan trọng. Bên cạnh những kết quả về thu hút đầu tư và tạo việc làm cho người lao động, việc đẩy mạnh kết nối các khu công nghiệp ở trục cao tốc phía Đông đã đóng góp tích cực vào cải thiện liên kết kinh tế giữa các địa phương. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng".

Trước đó, chiều 28/7/2022, bốn địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã cùng ký kết Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Đây là một sáng kiến mới trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái.

Bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 88 khu kinh tế và khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện mới đạt khoảng 50%. Việc thu hút đầu tư vẫn đang tình trạng mỗi người một phách, thiếu một chiến lược chung, để phát huy lợi thế của từng địa phương.

"Chúng ta phải hợp tác với nhau để cùng phát triển, vì một mục tiêu chung là xây dựng Việt Nam là một quốc gia hùng cường. Và như Tổng bí thư Tô Lâm đã nói, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Đây cũng chính là thời điểm mà doanh nghiệp Việt phải lớn mạnh hơn. Không có cách nào khác, chúng ta phải hợp tác lại, chứ không phải là cạnh tranh để kéo nhau xuống đáy. Và liên kết tiểu vùng theo trục cao tốc phía Đông này chính là cơ hội tốt", ông Điệp nhấn mạnh.

Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết để cùng phát triển, chứ không phải cạnh tranh xuống đáy - Ảnh 3.

TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ tại Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024. Ảnh: Thu Lê

Để không cạnh tranh xuống đáy

Để sáng kiến này phát huy được hiệu quả thực chất hơn nữa, giúp các địa phương phát huy tối đa được lợi thế và doanh nghiệp tận dụng cơ hội tốt hơn thì còn nhiều việc phải làm.

TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: "Trong thời gian tới, sự phát triển của các khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức đan xen. Bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới được đánh giá còn khá bất định, phức tạp và khó lường. Một yếu tố nổi lên mà nhiều quốc gia và nhà đầu tư quan tâm là khả năng chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc".

Đóng góp cho diễn đàn, bà Minh cho rằng, các khu công nghiệp ở trục cao tốc phía Đông cũng phải giúp cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Hiệu quả của khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, v.v., mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương.

Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết để cùng phát triển, chứ không phải cạnh tranh xuống đáy - Ảnh 4.

Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024 thu hút đông đảo các khách mời tới tham dự. Ảnh: Thu Lê

Ở góc độ chính sách, ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp, mà cả hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp. "Nếu giải quyết tốt vấn đề này, các khu công nghiệp sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng", TS Trần Thị Hồng Minh nói.

Cùng quan điểm này, ở góc độ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp đề xuất: "Các tỉnh, thành phố nên giao cho một sở ngành điều phối nội dung này vấn đề này. Ví dụ như giao cho ban quản lý các khu công nghiệp khu kinh tế của các địa phương để giúp cho chính quyền các địa phương điều tiết việc hợp tác sao cho năng động. Những bộ phận này sẽ tập hợp tất cả những thông tin phát sinh trong quá trình thực hiện liên kết vùng này và tổng kết những con số để báo cáo lên Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch thành phố, giúp cho các lãnh đạo có được sự điều tiết chiến lược".

Theo phân tích của ông Điệp, không phải khu công nghiệp nào cũng có thể xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp vì phải tuân theo quy hoạch của địa phương. Song, đây lại là yếu tố không thể thiếu để có thể tạo ra chuỗi sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

img

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu bế mạc Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024. Ảnh: Thu Lê

Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chính là một trong các đơn vị đang vướng vào tình trạng này. Bà Phạm Thị Diệu Hương - Đại diện thị trường châu Âu và ASEAN Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết: "DEEP C nhận thấy để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần đẩy mạnh công nghiệp tái chế. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư dự án tái chế chưa rõ ràng, chưa có quy định cụ thể cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp hạ tầng. Quy hoạch các khu công nghiệp và Luật Bảo vệ môi trường hiện nay chưa cho phép các nhà đầu tư hạ tầng tiếp nhận các dự án đầu tư như vậy.

Nếu có một điều phối chung, cả 4 địa phương có thể ngồi lại, chỉ ra, khu công nghiệp nào ở địa phương nào có thể xây dựng được nhà máy, từ đó, tính toán đến việc liên kết các khu công nghiệp gần nhau để hình thành lên một chuỗi liên kết cấp vùng. "Muốn vậy thì cần phải có quy hoạch chung của tiểu vùng, chứ không chỉ của từng địa phương", ông Điệp nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: "Kết nối kinh tế có nhiều vấn đề, không chỉ có KCN. Khu vực các tỉnh VEHEC có 6 triệu dân, đúng bằng dân số của Singapore nhưng diện tích của Singapore bằng một tỉnh. Nhìn vào tiềm năng của 4 tỉnh không khác gì một Singapore. Tôi nghĩ là chúng ta hoàn toàn có thể làm được như vậy với lợi thế địa lý, hạ tầng giao thông, thị trường rộng lớn..".

+ Hưng Yên: GRDP ước đạt 8,17% - vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người 121,6 triệu đồng. Thu ngân sách ước đạt 40.114 tỷ đồng, đạt 122,2% so với dự toán; Thu hút đầu tư FDI đạt mức lớn nhất từ trước tới nay - đạt 1,4 tỷ USD và thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 25.751 tỷ đồng.

+ Hải Dương: GRDP ước đạt 10,2%, đứng thứ 6 và gấp 1,5 lần bình quân toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đạt gần 100 triệu đồng/người; Thu ngân sách ước đạt trên 28 nghìn tỉ đồng, tăng 46,7% so với dự toán, cao nhất từ trước đến nay; Thu hút đầu tư FDI đạt 718,1 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước đạt khoảng 11.489 tỷ đồng

+ Hải Phòng: Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 11,01%, đứng thứ 3 cả nước, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp TP Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 2 con số. GRDP bình quân đầu người đạt 8.665 USD/người/năm; Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 109.387 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt trên 38.000 tỷ đồng, vượt hơn 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch); Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2024 đạt 4,7 tỷ USD, tăng hơn 2,3 lần so với kế hoạch.

+ Quảng Ninh: GRDP ước đạt 8,42 %, chưa đạt mục tiêu "hai con số" đã đề ra; GRDP bình quân đầu đạt khoảng 10.000 USD/người/năm; Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện cả năm đạt 55.600 tỷ đồng, bằng 104% dự toán Trung ương giao; Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,3 tỷ USD và thu hút đầu tư trong nước đạt khoảng 19.254 tỷ đồng.