Trưởng ban Pháp chế VCCI: Quảng Ninh cần "thoát khỏi không khí sợ sệt" trong chính quyền

Bùi My Thứ sáu, ngày 29/03/2024 17:25 PM (GMT+7)
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI Quốc gia cho rằng, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, Quảng Ninh cần thoát khỏi không khí chung là "sự thận trọng, sợ sệt trong chính quyền".
Bình luận 0

Ngày 29/3, tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đánh giá kết quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023.

7/8 mục tiêu cần thực hiện đến năm 2025 cơ bản đạt yêu cầu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu tài liệu, đánh giá kỹ lưỡng những mục tiêu, nhiệm vụ đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, ý kiến khuyến nghị của chuyên gia VCCI để đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh có bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới để tiếp tục đổi mới sáng tạo, đột phá hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gắn với chuyển đổi số toàn diện trong những tiếp theo.

Bí thư Quảng Ninh: Còn hiện tượng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu khai mạc. Ảnh: Bùi My

Theo báo cáo tại hội nghị, ngày 9/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030.

Bí thư Quảng Ninh: Còn hiện tượng

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đánh giá kết quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023. Ảnh: Bùi My

Đến nay, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU đã có 7/8 mục tiêu cần thực hiện đến năm 2025 cơ bản đạt yêu cầu đề ra theo từng năm, 1/8 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện.

Cụ thể, chỉ số PCI 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; chỉ số SIPAS 4 năm liên tiếp (2019 - 2022) xếp vị trí dẫn đầu toàn quốc; chỉ số PAR Index và PAPI năm 2022 dẫn đầu toàn quốc.

Niềm tin của người dân, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư và hệ thống chính quyền tăng lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2022 tăng 10,28%, năm 2023 tăng 10%.

Bên cạnh đó, 100% giao dịch trên cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện; công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được quan tâm, có nhiều chuyển biến và kết quả cụ thể; Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 177/177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động là 100%.

Bí thư Quảng Ninh: Còn hiện tượng

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Bùi My

100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; 100% các quy trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã được số hóa và ứng dụng quản lý trên phần mềm ISO điện tử. Giai đoạn 2021 - 2023, thu hút FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, vượt 37% mục tiêu đề ra.

Quảng Ninh cần "thoát khỏi không khí sợ sệt" trong chính quyền

Phát biểu tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI Quốc gia đánh giá, ít có địa phương nào như Quảng Ninh, có Nghị quyết quan trọng về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như Nghị quyết 05-NQ/TU.

"Khác với nhiều địa phương, Quảng Ninh cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Là điểm sáng trong phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện, hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, được nhiều nhà đầu tư chọn là điểm đến. Quảng Ninh còn dư địa và không gian phát triển rất lớn", ông Tuấn nói.

Bí thư Quảng Ninh: Còn hiện tượng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu. Ảnh: Bùi My

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI Quốc gia, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, Quảng Ninh cần thoát khỏi không khí chung là sự thận trọng, sợ sệt trong chính quyền.

"Các hoạt động cải cách hành chính và cả thiện môi trường kinh doanh cần có điểm mới, tiên phong, khác biệt so với các tỉnh thành khác. Cần có sự cân bằng, chăm sóc các nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, để đón làn sóng mới trong đầu tư, tỉnh cũng cần chú trọng vấn đề về điện, đây cũng là những lo ngại mà các nhà đầu tư, sản xuất quan tâm. Cuối cùng, bộ máy hành chính không chỉ quyết liệt, nhiệt tình, mà còn cần cần chuyên nghiệp theo những tiêu chuẩn cao", ông Tuấn lưu ý.

Không chủ quan, tự mãn

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho hay, mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng trân quý và rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng dư địa để đổi mới sáng tạo còn rất lớn.

Bí thư Quảng Ninh cũng thẳng thắn chỉ rõ: Tốc độ cải cách ở đâu đó đang có dấu hiệu chững lại trên một số trục chỉ tiêu; nhân tố mới trong đổi mới sáng tạo, nhất là cấp huyện, sở, ngành chưa xuất hiện nhiều; Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy, địa phương, đơn vị còn chưa thường xuyên, thiếu chủ động; sự phối hợp trong giải quyết công việc có thời điểm còn chậm, nhất là trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.

Bí thư Quảng Ninh: Còn hiện tượng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bùi My

"Còn hiện tượng "đùn đẩy", "né tránh", "sợ trách nhiệm" trong một số ít cán bộ, đảng viên; công tác đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp có thời điểm chưa quyết liệt, chưa tập trung nhiều vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; thiếu sự thống nhất, đồng bộ, tính dự báo xuyên suốt quá trình thực hiện dự án của các sở, ban ngành và địa phương...", Bí thư Nguyễn Xuân Ký lưu ý.

Người đứng đầu Đảng bộ Quảng Ninh cũng lưu ý, trong bối cảnh các tỉnh, thành phố đều rất nỗ lực, quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tận dụng các xu thế, cơ hội mới của khoa học công nghệ để chuyển đổi số, phải xác định, tỉnh Quảng Ninh đã giành được niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân, có được vị thế, thứ hạng cao trong các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI những năm vừa qua là điều rất đáng trân trọng.

"Nhưng để giữ vững được vị thế, thứ hạng đó trong nhiều năm liền, thậm chí cả một giai đoạn phát triển dài sẽ là điều không hề đơn giản. Nếu chúng ta chủ quan, tự mãn với kết quả đạt được, mà không kịp thời nhận diện những khó khăn, thách thức, mâu thuẫn đang nảy sinh hằng ngày trong thực tiễn quản lý điều hành, thì chúng ta sẽ khó giữ được kết quả như chúng ta mong muốn", ông Ký nhấn mạnh.

Bí thư Quảng Ninh: Còn hiện tượng

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc có trong việc triển khai, thực hiện các chỉ số của tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Ảnh: Bùi My

Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tặng Bằng khen cho 41 tập thể, 41 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã công bố kết quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, DDCI, DGI, DTI của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo kết quả công bố chỉ số DDCI, ở khối sở, ban, ngành, Ban Quản lý KKT vươn lên vị trí Quán quân. Ở khối các huyện, thị xã, thành phố, TP.Hạ Long ở vị trí dẫn đầu.

Ở chỉ số SIPAS, đơn vị dẫn đầu khối sở, ban, ngành là Sở Tư pháp với tỷ lệ hài lòng. Đối với khối các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị dẫn đầu là TP.Cẩm Phả. Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đứng đầu khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

Kết quả tổng hợp chỉ số Par-INDEX ghi nhận nhóm xuất sắc gồm 15 cơ quan, đơn vị, địa phương; 26 cơ quan, đơn vị, địa phương ở nhóm Tốt; 7 cơ quan, đơn vị, địa phương ở nhóm Khá và nhóm Trung bình gồm 3 cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đối với chỉ số DGI, Dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số DGI năm 20203 là huyện Tiên Yên.

Đối với chỉ số DTI, năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá qua phần mềm về mức độ chuyển đổi số đối với 225 cơ quan, đơn vị, địa phương với 3 khối. Dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số DTI khối các huyện, thị xã, thành phố là TP.Hạ Long; khối các xã, phường, thị trấn là UBND phường Ka Long (TP.Móng Cái) và khối sở, ban, ngành là Sở Y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem