Dân Việt

Đáp ứng Luật chống phá rừng của châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị những gì?

Thiên Hương 14/12/2024 08:37 GMT+7
Nếu một số lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu bị đánh giá là vi phạm quy định của EUDR thì Việt Nam (với tư cách là một quốc gia xuất xứ) có thể chịu ảnh hưởng, dẫn tới toàn bộ hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt lên tới 4% doanh thu.

Sáng 13/12, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Phát triển vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng và đáp ứng yêu cầu EUDR". Diễn đàn tổ chức tại Đồng Nai, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, hiệp hội, chi cục, doanh nghiệp và cá nhân; mở ra cơ hội giao lưu, tìm hiểu về các yêu cầu của Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) và quy định về sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (EUDR) hiện đang được quan tâm.

Phát triển diện tích rừng trồng bền vững có chứng chỉ

Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, là tỉnh công nghiệp khá phát triển, nông nghiệp chỉ chiếm hơn 10% GDP của tỉnh song tỉnh vẫn xác định phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu. Do đó, từ năm 1997, Đồng Nai đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, và có thể xem là một trong những tỉnh đầu tiên cả nước thực hiện điều này. 

Trong suốt quá trình đó, Đồng Nai đã thực hiện nhiều chính sách, chủ trương để bảo vệ diện tích gần 200.000ha rừng (chiếm 1/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh).

Song song với bảo vệ và phát triển rừng, ngành chế biến gỗ và lâm sản tại Đồng Nai cũng rất phát triển, khoảng 600 doanh nghiệp chế biến gỗ, với 180 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp gỗ và sản phẩm gỗ đi các thị trường khó tính, trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Năm 2023, Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, thu về 1,32 tỷ USD; dự kiến năm 2024 sẽ đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD, tăng trưởng gần 15%. 

Đáp ứng Luật chống phá rừng của châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị những gì? - Ảnh 1.

Chế biến gỗ tại Công ty CP Chế biến Gỗ Cao su Đồng Nai, với nguồn nguyên liệu được lấy từ diện tích vườn cây thanh lý hàng năm của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: tapchicaosu

Trước yêu cầu ngày càng cao của các thị trường Hoa Kỳ, EU về việc cung cấp nguồn nguyên liệu có chứng chỉ rừng, cũng như cung cấp thông tin cho các nhà mua hàng lớn nhằm phát triển ngành chế biến gỗ bền vững, ông Gọi cho rằng Việt Nam cần có định hướng chiến lược nhằm đẩy mạnh xúc tiến chuỗi cung ứng rừng nguyên liệu có chứng chỉ; kết nối giữa người mua - người bán; xúc tiến hợp tác công tư hiệu quả; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tài chính... 

Ông Gọi cũng cho biết, Đồng Nai có vùng nguyên liệu rừng trồng lớn với khoảng 18.000ha rừng gỗ keo, trong đó có 10.000ha đã có chứng chỉ FSC (quản lý rừng có trách nhiệm). Còn lại là diện tích rừng của các hộ với quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành được chuỗi cung ứng bền vững. Tuy thế, sản lượng gỗ từ các hộ lại là nguồn cung cấp chính cho sản xuất gỗ ván ép, gỗ dăm, viên nén để xuất khẩu. 

Do đó, để phát triển diện tích rừng trồng bền vững có chứng chỉ FSC, ông Gọi đề xuất đẩy mạnh số hóa các diện tích rừng đã có chứng chỉ, khai báo thông tin về lô rừng để có thể tạo lập hồ sơ hợp pháp khi khai thác rừng. Đây chính là những giải pháp bước đầu để nguyên liệu gỗ thích ứng với các quy định của EUDR. 

Vi phạm quy định EUDR sẽ bị phạt nặng

Theo TS. Trương Tất Đơ (Cục Lâm nghiệp), Luật chống phá rừng của châu Âu (EUDR) được ban hành nhằm cấm các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng và không tuân thủ pháp luật của quốc gia khai thác và xuất xuất khẩu để nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ thị trường EU. 

Thời điểm áp dụng luật từ tháng 12/2025 (đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của EU), riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng từ tháng 6/2026. EUDR áp dụng đối với 7 ngành hàng gồm: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ. 

Đáp ứng Luật chống phá rừng của châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị những gì? - Ảnh 2.

Hơn 1.300 ha rừng ở xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ) đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và trở thành địa phương duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được cấp chứng chỉ này (tính đến tháng 8/2023). Ảnh: Trường Giang

Theo đó, đối với hàng hóa có nguồn gốc khai thác và sản xuất tại Việt Nam: Doanh nghiệp cần Bộ hồ sơ xuất khẩu theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam; Cung cấp thông tin bổ sung để nhà nhập khẩu EU thực hiện trách nhiệm giải trìnhvới cơ quan thẩm quyền quản lý việc nhập khẩu của EU4; Cung cấp Bằng chứng hàng hóa bảo đảm không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 cho nhà nhập khẩu EU (yêu cầu mới đối với gỗ và SPG).

Đối với hàng hóa có toàn bộ hoặc một phần nguồn gốc nhập khẩu: Ngoài các yêu cầu nêu trên, doanh nghiệp có thể cần cung cấp bằng chứng hàng hóa bảo đảm Không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 từ quốc gia khai thác/sản xuất cho nhà nhập khẩu EU (yêu cầu mới đối với gỗ và SPG).

TS. Đơ nhấn mạnh, việc thẩm định là bắt buộc của Cơ quan thẩm quyền đối với tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của EU. EU phân chia quốc gia xuất khẩu theo 03 mức độ rủi ro (cao, trung bình, thấp) để thẩm định. Hiện EU đang tiến hành phân loại quốc gia và dự kiến sẽ công bố kết quả vào tháng 6/2025. Mức độ kiểm tra tối thiểu cho các nước thành viên EU thực hiện: 9%, 3% và 1%, tùy thuộc vào mức độ rủi ro.

Như vậy, nếu một số lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu bị đánh giá là vi phạm quy định của EUDR thì Việt Nam (với tư cách là một quốc gia xuất xứ) có thể chịu ảnh hưởng, dẫn tới toàn bộ hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng. Các công ty vi phạm sẽ bị phạt nặng, với mức phạt lên tới 4% doanh thu thường niên tại 1 nước thành viên EU. 

Đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết, để đáp ứng việc thực hiện EUDR, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 1235/QĐ-BNN-HTQT ngày 04/5/2024 về việc Thành lập Nhóm công tác chung điều phối các hành động thích ứng với quy định của EUDR. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hiện đã thành lập Tổ công tác xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. 

Đến nay, Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Tổ chức Forest Trends xây dựng mạng lưới EUDR Lâm nghiệp trên nền tảng Google Groups nhằm chia sẻ và trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến EUDR. Mạng lưới đã thu hút 235 thành viên, bao gồm đại diện từ các cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân, và các tổ chức xã hội ngoài nhà nước. 

Bên cạnh đó, Cục cũng xây dựng thí điểm cơ sở dữ liệu về ranh giới rừng đáp ứng yêu cầu EUDR; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng quy định của EUDR trong lĩnh vực lâm nghiệp; Xây dựng hướng dẫn tạm thời thích ứng với EUDR cho ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ...