Ngày 12/12, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Hồng Lĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 10 thanh thiếu niên để điều tra về hành vi "gây rối trật tự công cộng".
Nhóm thanh thiếu niên bị khởi tố có độ tuổi từ 16 đến 18, ngụ tại các huyện Can Lộc, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định có hai nhóm thanh thiếu niên có tên gọi "Hồng Lĩnh phố" (thị xã Hồng Lĩnh) và nhóm "1975" (huyện Đức Thọ) thường xuyên có hành vi đăng tải các clip thách thức nhau trên mạng Facebook, TikTok, nhiều lần hẹn gặp nhau để "thanh toán".
Đêm 3/11, hai nhóm gặp nhau trên đường đã có những hành vi thách thức, chửi bới, phóng xe rượt đuổi nhau. Nhóm "Hồng Lĩnh phố" ném nhiều vỏ chai bia đã chuẩn bị từ trước về phía nhóm "1975".
Bị đuổi đánh, T.V.Đ. (16 tuổi, ngụ huyện Đức Thọ) lái xe chở một số thanh thiếu niên trong nhóm "1975" chạy về mang theo dao tự chế, rồi quay trở lại tìm nhóm "Hồng Lĩnh phố" để giải quyết.
Sau khi gặp nhau, hai nhóm tiếp tục ẩu đả, hò hét, thách thức, ném chai bia và dùng hung khí để tấn công nhau. Quá trình đuổi đánh, xe máy của nhóm "Hồng Lĩnh phố" do N.T.V. điều khiển bị ngã, thấy vậy nhóm "1975" đã sử dụng dao phóng lợn đâm chém, đập phá nhiều bộ phận khác trên xe máy của nhóm "Hồng Lĩnh phố" rồi quay xe về nhà.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Hồng Lĩnh đã ra quyết định khởi tố 10 thanh thiếu niên liên quan về hành vi "gây rối trật tự công cộng".
Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải cho rằng, hành vi đe dọa thách thức nhau, hẹn nhau để thanh toán gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, nhóm thanh thiếu niên này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội danh.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi đe dọa thách thức và hẹn đánh nhau được thực hiện như thế nào. Trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng hẹn nhau để đánh nhau và khiến xảy ra thì có thể khởi tố cả hai bên về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp chưa đủ căn cứ để khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng thì vẫn có thể xử phạt hành chính về hành vi chửi bới, xúc phạm người khác theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện.
Theo đó, với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra việc các đối tượng dùng dao tự chế, dao phóng lợn gây hư hại tài sản thì phía cơ quan chức năng sẽ định giá thiệt hại về tài sản để xử lý các đối tượng này thêm về tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Với hành vi tàng trữ, sử dụng dao tự chế, phóng lợn được xác định là vũ khí thô sơ thì xử lý theo quy định tại Điều 306, Bộ Luật hình sự.
Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định hành vi Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ.
Cũng theo luật sư Huy, vụ việc trên có cả những đối tượng chưa đủ tuổi thành niên tham gia. Tuy nhiên, theo Điều 12, Bộ luật Hình sự năm quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Về hình phạt, nếu tại thời điểm phạm tội mà đối tượng chưa đủ 18 tuổi thì áp dụng hình phạt quy định tại các Điều 91, Điều 101 chương XII của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc xử lý vụ án đến đâu, khởi tố các bị can về các tội danh nào sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra trên cơ sở đánh giá mức độ nhận thức và hành vi của các đối tượng, làm rõ hậu quả đã xảy ra đối với xã hội. Hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội danh nào thì sẽ xử lý hình sự về tội danh đó theo nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần.