Trải nghiệm các vườn rau được canh tác ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học là sản phẩm du lịch đang được yêu thích tại huyện Củ Chi. Không chỉ khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, nhiều nhà vườn, điểm du lịch có các nông trại công nghệ cao tại huyện Củ Chi thời gian qua cũng đón nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm.
Khách của sản phẩm du lịch này đa dạng từ học sinh - sinh viên, du khách trong và ngoài nước khi đến TP.HCM. Khách tham quan được trải nghiệm quy trình trồng rau, nấm, tự tay thu hoạch và các hoạt động trải nghiệm, giáo dục, giải trí tại đây.
Hoạt động du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao cũng diễn ra sôi nổi tại huyện Cần Giờ. Điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng nổi tiếng gần đây, thu hút khách trải nghiệm nghề làm muối và khám phá cuộc sống, công việc của người dân vùng biển.
Đến với Cần Giờ, du khách có thể thưởng thức mật dừa nước, yến sào. Sản phẩm từ muối, dừa nước, tổ yến đã được nông dân địa phương ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao để du khách vừa có thể trải nghiệm và mua về làm quà.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học gắn với du lịch đang là hướng đi của ngành nông nghiệp TP.HCM.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức để phát triển nông nghiệp bền vững như tiến trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh dẫn đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm mạnh, phân tán nên khó hình thành các vùng sản xuất lớn tập trung; tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn; vấn đề môi trường cũng tạo nên nhiều áp lực cho ngành nông nghiệp...
Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ số trong nông nghiệp không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tạo cơ hội gắn kết với ngành du lịch, mang lại giá trị gia tăng cho cả hai lĩnh vực.
Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Thành phố theo hướng: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại hiệu quả bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng giống vật nuôi có năng suất chất lượng giá trị gia tăng cao, an toàn của cả khu vực”.
Để đạt mục tiêu này, TP.HCM sẽ phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đảm bảo nông sản được sản xuất và tiếp cận thị trường đúng thời điểm. Thứ hai, TP.HCM sẽ phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng du lịch sinh thái gắn bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp đô thị. Việc gắn kết này không chỉ tạo ra sản phẩm dịch vụ có giá trị cao, mà còn tạo thêm việc làm cho bà con ở nông thôn, cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan cho đô thị.
Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành du lịch đánh giá tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM là rất tiềm năng. Du lịch nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của thành phố so với các tỉnh thành khác.
Dù vậy, để gắn kết giữa nông nghiệp công nghệ cao và du lịch một cách hiệu quả, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất đầu tư phát triển du lịch với các chính sách đầu tư hạ tầng, sử dụng quỹ đất, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, xúc tiến quảng bá…
Thứ hai, cần tạo sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan trong mô hình phát triển (nông dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về du lịch, nông nghiệp, thương mại…) để tạo ra được sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng trên cơ sở khai thác tối đa những lợi thế so sánh của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hiện đại kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc.
Ba là, chú trọng phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong khai thác sản phẩm nông nghiệp du lịch, biến các sản phẩm nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là sản phẩm hoặc là một phần trong chuỗi sản phẩm của hoạt động du lịch để các sản phẩm bổ trợ cho nhau, tạo nên giá trị cộng hưởng. Chẳng hạn, OCOP đang là một mắt xích quan trọng đối với du lịch nông nghiệp tại TP.HCM hiện nay.
TS Dương Đức Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, đề xuất cần tăng cường các lớp tập huấn thực hành cho người dân. Điều này sẽ giúp người dân tự tin tham gia vào các hoạt động du lịch và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng.
Theo ông Minh, cần nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân trong việc đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao gắn với du lịch, khai thác triệt để tiềm năng địa phương không chỉ mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân mà còn góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, đưa du lịch nông nghiệp trở thành một động lực quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ được thành phố quan tâm trong thời gian tới. Các tour du lịch sẽ được thiết kế để hỗ trợ nông dân chuyển đổi và kết hợp làm du lịch. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành và quận huyện sẽ giúp nông dân tiếp cận làm du lịch, nối dài chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp.