Du lịch đang giúp các huyện nông thôn mới TP.HCM trở thành nơi đáng sống

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 05/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
Các huyện nông thôn mới tại TP.HCM đang tăng cường làm du lịch nông nghiệp - nông thôn. Du lịch đang giúp nông dân có thêm thu nhập, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương và khiến vùng nông thôn thành phố trở thành nơi đáng sống.
Bình luận 0

Đưa khách về huyện nông thôn mới

Dù đã qua cao điểm mùa du lịch hè nhưng nhiều điểm du lịch tại các huyện nông thôn mới TP.HCM như làng bánh tráng Phú Hòa Đông, nhà vườn nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng ở Cần Giờ vẫn thường xuyên có khách.

Không chỉ khách lẻ, nhiều công ty lữ hành còn đưa các đoàn khách, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan. Với lợi thế không quá xa trung tâm thành phố, lại có thể trải nghiệm được văn hóa vùng nông thôn, văn hóa miền biển nên theo các công ty lữ hành, các tour trải nghiệm nông thôn TP.HCM được nhiều khách quốc tế yêu thích.

Du lịch đang giúp các huyện nông thôn mới TP.HCM trở thành nơi đáng sống - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm văn hóa và khám phá ẩm thực tại điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp Du lịch Dịch vụ Thương mại Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) cho biết mô hình du lịch cộng đồng dựa trên văn hóa bản địa vùng biển Cần Giờ thời gian qua đã và đang dần hoàn thiện về sản phẩm. 

Hiện nay, khách không chỉ đến tham quan, vui chơi trong ngày mà còn có thể ở lại qua đêm tại các homestay do chính nông dân làm chủ.

“Khách quốc tế rất thích các nét độc đáo trong từng câu chuyện và trải nghiệm văn hóa địa phương ở Thiêng Liềng. Nông dân làm du lịch cũng có thêm thu nhập, đây là tín hiệu lạc quan”, bà Tuyết nói và cho rằng du lịch cộng đồng đã khiến ấp đảo khác hơn so với trước đây.

Cùng với Thiềng Liềng, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp khác tại huyện nông thôn mới Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh cũng đang thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. 

Du lịch giúp nông dân có thêm thu nhập từ chính hoạt động sản xuất của mình, gia tăng thêm giá trị cho các loại nông sản, sản phẩm OCOP, giúp vùng nông thôn TP.HCM trở nên đáng sống hơn.

TP.HCM tăng tốc làm du lịch nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn được xác định là 1 trong 6 chương trình chuyên đề quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 3755 về Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP đến năm 2025.

Du lịch đang giúp các huyện nông thôn mới TP.HCM trở thành nơi đáng sống - Ảnh 2.

Du lịch giúp nông dân giới thiệu, quảng bá và bán đặc sản, sản phẩm OCOP địa phương. Ảnh: Hồng Phúc

UBND TP.HCM giao chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 mỗi huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm/điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

TP.HCM phấn đấu xây dựng 2 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

TP.HCM cũng hướng đến phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Mục tiêu chung của chương trình này là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem