Dân Việt

Đánh thức tiềm năng loại hạt được ví như "vàng trắng" ở Việt Nam và cơ hội "trả nợ" diêm dân

Bình Minh 16/12/2024 14:15 GMT+7
Ngành muối được xếp vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng. Tuy nhiên, nghề làm muối rất cơ cực, thu nhập thấp và không ổn định, bởi vậy, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 là "cơ hội để trả nợ diêm dân".

Sáng 16/12, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu họp báo thông tin giới thiệu về Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025: “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người”. 

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, nước ta có tiềm năng lớn phát triển nghề muối khi có tới 3.200km bờ biển. Hiện, Việt Nam có diện tích trên 11.000ha sản xuất muối, mỗi năm tiêu thụ 1,6 triệu tấn, trong đó 300-400 nghìn tấn cung cấp nhu cầu ăn; 400 nghìn tấn chế biến thực phẩm; 600-800 nghìn tấn dành cho công nghiệp, y tế và làm đẹp.

Trong những năm qua, ngành muối được Chính phủ rất quan tâm. Năm 2018 nghề muối được xếp vào danh mục 1 trong 7 ngành, nghề nông thôn quan trọng.

Muối - Ảnh 1.

Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu họp báo thông tin giới thiệu về Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025: “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người”, sáng 16/12. Ảnh: Tùng Đinh

Muối ở Việt Nam còn gắn liền với văn hóa, quan niệm may mắn: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối ở mỗi vùng sẽ có những đặc điểm khác nhau, thể hiện sự đa dạng vùng miền, sản phẩm độc đáo (muối phơi cát, phơi nước).

Tuy nhiên, sản lượng muối hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mặc dù sản lượng muối đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng con số này vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là khi phải đối mặt với những yếu tố bất lợi như mất mùa, biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường. Nghề muối ở nhiều khu vực vẫn còn gắn liền với sự khó khăn, nghèo đói, khi mà người nông dân làm muối chủ yếu sống dựa vào công việc thủ công, thu nhập thấp và không ổn định.

Bạc Liêu hiện là địa phương có diện tích 1.400ha muối - đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Ninh Thuận. Nói về những khó khăn của ngành muối, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu Ngô Nguyên Phong cho hay, giá muối trên địa bàn từ xưa có giá không cao, chỉ loanh quanh hơn 1.000 đồng/kg. Điều này khiến các nhà đầu tư kém mặn mà.

Theo ông Phong, nghề làm muối cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu, điều kiện khắc nghiệt, đến sự cạnh tranh của các ngành nghề hiện đại khác…

"Nghề muối tuy có những khó khăn, vất vả và bấp bênh, nhưng hơn 700 diêm dân làm nghề muối ở Bạc Liêu vẫn luôn yêu nghề và gắn bó với nghề", ông Phong khẳng định, đồng thời cho hay, để đánh thức giá trị tiềm năng, khuyến khích và hỗ trợ bà con làm giàu từ nghề muối, Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025, như một cách để tri ân nghề muối, giá trị hạt muối và công sức của các diêm dân địa phương.

Muối - Ảnh 2.

Diêm dân huyện Đông Hải, Bạc Liêu thu hoạch muối. Ảnh: Chúc Ly

Để ngành muối phát huy được giá trị, ông Thịnh thông tin, về giải pháp phát triển ngành muối, Bộ NNPTNT đã ban hành Đề án phát triển ngành muối gắn với nhiều ngành, nghề liên quan. Đặc biệt, Quyết định 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, trong đó đã rất quan tâm, đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất muối trọng điểm.

Riêng tại thủ phủ muối Bạc Liêu, nơi tổ chức Festival sắp tới, Bộ NNPTNT đã dành nguồn ngân sách khoảng 130 tỷ đồng để phát triển hạ tầng.

Cùng với đó Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Bộ NNPTNT cũng như địa phương đa dạng hóa các sản phẩm từ muối, thúc đẩy liên kết theo chuỗi, giúp các bên có thêm nhiều giá trị cho hạt muối. Trong đó, giải pháp là nâng cao hàm lượng công nghệ. Hiện Bộ NNPTNT đã thí điểm ở 5 địa phương và sẽ nghiên cứu cơ chế để mở rộng ra cả nước.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích học hỏi kinh nghiệm các nước, ví dụ như Hàn Quốc, trong thay đổi mẫu mã, bao bì và nâng cao chất lượng sản xuất.

Theo ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/3/2025 không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhìn về tương lai, định hình con đường phát triển hiện đại và bền vững cho nghề muối trải dài khắp các tỉnh ven biển Việt Nam.

Festival Muối - Bạc Liêu 2025 mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của nghề làm muối. Nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm muối, thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến. Tăng cường kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, diêm dân, cũng như tạo cơ hội quảng bá muối Việt Nam trên thị trường quốc tế. Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận thức được tiềm năng, ý nghĩa và cơ hội từ nghề truyền thống này.

Với các hoạt động phong phú và ý nghĩa như triển lãm trưng bày sản phẩm muối và các sản phẩm OCOP, hội thảo ứng dụng khoa học công nghệ, các tour trải nghiệm cánh đồng muối Bạc Liêu và lễ tôn vinh các sản phẩm tiêu biểu, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 hứa hẹn sẽ là cầu nối để quảng bá muối Việt Nam không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra toàn thế giới.

"Festival là cơ hội để trả nợ diêm dân - những người đã gắn bó với công việc cơ cực để làm ra những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống", ông Đảm chia sẻ.