Thiết bị bay không người lái (drone hay UAV) được xem là sự thay thế tích cực trong điều kiện thiếu hụt nhân công lao động về nông nghiệp ngày càng trầm trọng; đồng thời giảm chi phí và tăng hiệu quả trong sản xuất, tiến tới nền nông nghiệp hiện đại. Dù vậy, việc phát triển nóng các "drone" cũng đang đặt ra nhiều mối lo về an toàn khi vận hành…
Các tỉnh thành ÐBSCL đang vào vụ sản xuất gần 1,5 triệu héc-ta lúa đông xuân năm 2024-2025, trên nhiều cánh đồng lớn ở Kiên Giang, An Giang, Ðồng Tháp, Bạc Liêu… hình ảnh ruộng lúa được chăm sóc bởi drone không còn quá xa lạ với nông dân.
Ông Lê Thanh Long, ngụ xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên (An Giang), cho hay, ngày trước mỗi khi tới vụ gieo sạ lúa thì phải thuê hàng chục nông dân làm cật lực nhiều ngày mới xong gần 80ha.
Ðể giải phóng bớt sức lao động và tiến tới HÐH trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy gần đây gia đình quyết định đầu tư tiền tỉ để trang bị 2 drone nhằm tiện việc gieo sạ lúa, rải phân, phun thuốc… đồng thời mua thêm máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp để tiết kiệm chi phí nhân công và chủ động thời gian canh tác.
Chính nhờ áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, nhất là thiết bị drone đã giúp việc canh tác lúa với diện tích lớn trở nên dễ dàng, đồng thời giảm được chi phí giá thành rất nhiều, mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Tại Hậu Giang, ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Kiến Thành (xã Vị Bình, huyện Vị Thủy) khoe: "Vài năm nay hợp tác xã được các ngành chức năng hỗ trợ đầu tư drone và hướng dẫn việc áp dụng vào gieo sạ, bón phân, phun thuốc đã giúp xã viên rất nhiều trong canh tác lúa.
Gần 120 thành viên của hợp tác xã bây giờ khỏe re bởi việc chăm sóc lúa đã có công nghệ drone làm thay; vì vậy bà con đỡ vất vả, nhất là giải phóng được khâu phun thuốc bằng thủ công ảnh hưởng sức khỏe…".
Theo ông Huỳnh Hữu Phúc, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp, nông dân vùng này chuyên canh tác quýt hồng và quýt đường; đây là những loại cây cần phun thuốc trừ sâu khá nhiều, nhất là những lần cây ra đọt non nhằm tránh bị sâu phá hại.
Cứ mỗi lần phun bằng tay thì nước thuốc rơi ướt cả người sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Do đó, khi áp dụng các drone vào việc phun thuốc sẽ giúp nông dân nhẹ thở rất nhiều trong việc chăm sóc vườn cây ăn trái.
Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn, tập huấn cho nông dân về sử dụng thiết bị bay không người lái (drone hay UAV).
Có thể nói, xu thế phát triển drone trong sản xuất là nhu cầu tất yếu và vô cùng cần thiết trong thời buổi HÐH nền nông nghiệp.
Nắm bắt xu thế này đã có nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư thiết bị drone vừa để phục vụ sản xuất của mình và phát triển mô hình làm dịch vụ.
Anh Ngô Hoàng Long, Tổ phun xịt drone ấp Mỹ Ðiền, xã Phú Ðiền, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp, chia sẻ: "Một số thành viên của chi đoàn thanh niên ấp Mỹ Ðiền cùng nhau góp vốn để mua thiết bị drone làm dịch vụ cho bà con địa phương và các xã xung quanh.
Những lúc cao điểm thì mỗi máy có thể phun xịt cả trăm công lúa mỗi ngày. Nông dân chỉ cần gọi điện đặt lịch là tổ phun xịt sẽ sắp xếp đáp ứng một cách nhanh nhất". Một số nông dân ở huyện Tân Hưng (Long An) cho biết, khi đầu tư drone để đi khắp các khu vực Ðồng Tháp Mười phục vụ nhu cầu của người dân trong việc làm ruộng.
Nhiều người thuê để sạ lúa giống, bón phân, phun thuốc diệt cỏ, trừ sâu. Mỗi vụ mùa bỏ túi khoảng vài chục triệu đồng đến trăm triệu đồng, tùy theo nhu cầu thuê của nông dân.
Sử dụng drone để thực hiện các công việc gieo sạ, bón phân, phun thuốc đạt hiệu quả cao hơn so với làm bằng tay và giảm nhân công, nông dân bớt vất vả. 10 công lúa gieo sạ bằng drone chỉ mất khoảng 2 giờ là xong. Mấy năm trước giá dịch vụ này khá cao từ 180.000 đồng/ha trở lên, nay giá giảm xuống còn khoảng 120.000 đồng/ha...
Theo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh ÐBSCL nhìn nhận: Việc sử dụng drone mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất lúa, đặc biệt là giảm lượng giống, tăng năng suất và giảm thiểu tác động môi trường. Tuy nhiên để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ này thì cần có một hệ thống quản lý chặt chẽ, bảo đảm các thiết bị được sử dụng đúng mục đích và tuân thủ các quy định về an toàn.
Ở Kiên Giang toàn tỉnh có trên 690 drone nông nghiệp. Do chưa có quy định cụ thể về việc đăng ký, cấp phép và quản lý các thiết bị bay trong lĩnh vực nông nghiệp, phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng như ngành chức năng chưa có thẩm quyền cấp phép đối với loại thiết bị này, vì vậy việc xử lý drone bay trái phép còn gặp khó.
Theo thống kê, hàng trăm drone đang được sử dụng tại các tỉnh ÐBSCL, song điều đáng lo ngại là có những thiết bị bay chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn.
Cụ thể, vào sáng 20-11-2024 ông B.V.T. (49 tuổi) ở ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn (huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang) điều khiển xe máy đi trên đoạn đường Kênh 15 thuộc ấp Hiệp Trung thì bất ngờ va chạm vào drone phun thuốc bảo vệ thực vật do ông M.V.L. (29 tuổi, ngụ ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn) điều khiển.
Sau cú va chạm, ông T. bị cánh quạt máy bay chém vào đầu và cổ, bị thương nặng. Ông T. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh An Giang. Ðến ngày 21-11-2024, do vết thương quá nặng, ông T. đã tử vong.
Trước đó, tại Long An, chiều 13-10-2024, một drone của người dân sử dụng để phun thuốc trừ sâu đã va vào đường dây 110kV gây gián đoạn cung cấp điện cho khoảng 76.000 khách hàng trên địa bàn các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Ðến gần 23 giờ cùng ngày, sự cố được khắc phục hoàn toàn.
Ngay sau đó, ngành chức năng đã lập biên bản đối với người điều khiển drone, xem xét xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời làm rõ nguyên nhân sự cố, cũng như giấy phép hoạt động bay của thiết bị…
Trong năm 2024, Công ty Ðiện lực tỉnh Long An đã làm việc với 148 khách hàng có drone nhằm cảnh báo về an toàn lưới điện cao áp khi sử dụng thiết bị bay. Ngành điện lực cắm các biển cảnh báo cấm drone bay vào đường dây nhằm đảm bảo an toàn hành lang lưới điện...
Lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh ÐBSCL cho rằng, việc sử dụng drone phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất tốt, nhưng còn bất cập trong khâu quản lý.
Khi người dân muốn mua drone phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra theo dõi, khi hoạt động bay phải đăng ký với bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Các chủ drone hoặc người điều khiển phải tham gia tập huấn các lớp an toàn bay, bay trong phạm vi nào, điều khiển như thế nào để không ảnh hưởng đến người đi đường, nhất là khu vực điện cao thế.
Khi phát hiện người điều khiển drone không đáp ứng đủ các quy định, giấy chứng nhận điều khiển drone, đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt hoặc bắn hạ drone để răn đe… có như vậy việc quản lý drone mới đi vào nền nếp…