Tỉnh nào có tổng chiều dài sông ngòi, kênh rạch lên tới 7.000 km, lớn nhất ĐBSCL?
Tỉnh nào có tổng chiều dài sông ngòi, kênh rạch lên tới 7.000 km, lớn nhất ĐBSCL?
Thứ bảy, ngày 28/01/2023 05:32 AM (GMT+7)
Cà Mau là xứ sông nước. Theo tính toán, tổng chiều dài của kênh, rạch, sông ngòi ở Cà Mau vào khoảng 7.000 km, đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sông nước đã tạo nên hồn cốt bản sắc văn hoá của vùng đất này.
Nói đâu xa, cứ nhìn vào chợ Cà Mau thì tường tận. Chợ lớn hay nhỏ xứ này đều nằm ở những ngã sông giao nhau, tủa đi muôn phía. Cách đây chưa lâu, cư dân Cà Mau vẫn gắn cuộc đời mình với những dòng sông.
Hồi nhỏ, niềm vui lớn nhất của tôi là được ba má cho đi chợ Tết. Lúc ấy, phần nhiều người ta vẫn đi xuồng chèo, lác đác mới thấy xuồng máy đuôi tôm. Nhà tôi không mấy khá giả, nhưng làm nghề hàng sáo. Ba má tôi bán 3 bồ lúa đầy mới mua được chiếc máy đuôi tôm hiệu Rubin gắn nhông, chạy chân vịt 3 chia.
Chiếc xuồng nhà tôi vẫn giữ lại bổ chèo, cặp chèo gác hờ, phía giữa lái lắp thêm bệ gắn máy đuôi tôm.
Một góc bến chợ Cái Nước (Cà Mau) ngày xưa. Ảnh: LÊ TRỌNG PHÚC
Tôi thắc mắc: “Sao có máy rồi mình không gỡ bổ chèo đi?”, ba má tôi trả lời rằng: “Ðể chỗ nào máy chạy không được thì còn có chèo mà đi chớ!”.
Tôi cằn nhằn: “Máy chạy không được thì chèo được chắc!”. Thế là có nhiều bận đi chợ Tết, ba má tôi thay phiên nhau chèo, tới gần chợ Ðầm rồi thì mới gác chèo lên, sửa soạn điệu bộ, nổ máy đuôi tôm chạy ra chợ, cũng oai như ai.
Tới bến chợ, tôi choáng ngợp với cảnh xuồng lớn, xuồng nhỏ đậu gần kín cả mặt sông. Chiếc này chưa lui ra, chiếc khác đã ào tới.
Những chiếc xuồng đến sau, đậu lơi khơi giữa sông, cột dây nhờ xuồng khác, người đi chuyền xuồng cả quãng dài mới bước chân lên được bến. Nhiệm vụ của mấy đứa con nít khi đi chợ Tết cũng rất quan trọng, đó là ngồi giữ xuồng để người lớn đi sắm đồ.
Lần đó, má tôi mua bọc sương sáo bánh lọt để tôi uống ngồi giữ xuồng. Máy đuôi tôm quay chân láp lại, để vô lòng xuồng cẩn thận. Thấy cảnh chợ Tết vui quá, tôi mê mẩn ngồi phía mũi xuồng ngó nghiêng.
Khi ba má quảy đồ đạc lỉnh kỉnh xuống, ba tôi hớt hải: “Cái chân vịt máy đâu mất tiêu rồi”. Tôi bớ sớ: “Con có biết đâu, nãy giờ con ngồi dưới xuồng mà”. Tiếc của mất, ba má tôi vừa buồn, vừa giận, hên còn có cặp chèo để về nhà. Tôi không bị đòn roi gì, nhưng ba má tôi sau này lâu lâu cứ nhắc lại chuyện đó, cười ngất: “Khỏi hỏi có máy đuôi tôm rồi giữ bổ chèo lại làm gì nghen con!”.
Rồi Cà Mau dần thưa bóng xuồng ghe. Hệ thống giao thông đường bộ của Cà Mau phát triển nhanh tới mức, ngó đi, ngó lại, cảnh tấp nập trên những dòng sông giờ chỉ còn là hồi ức một thời. Nhưng chợ vẫn ở đó, sông vẫn ở đó, để đôi lúc nhớ quá, người ta đi kiếm tìm lại chút dư vị xưa cũ. Có lẽ ở Cà Mau mình bây giờ, duy chỉ có chợ Cái Nước, đâu đó còn bóng dáng của những bến sông chợ Tết năm nao.
Trong câu chuyện, ông Châu Quốc Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nước, vẫn nhớ như in: “Cách đây chừng chục năm thôi, chợ Cái Nước tấp nập xuồng ghe. Có lúc, quy mô chợ trên sông như một chợ nổi, người mua, kẻ bán tụ về đậu kín quãng ngã tư sông Cái Nước”. Chợ Cái Nước từng là chợ đầu mối quan trọng bậc nhất của Cà Mau, cung cấp hàng hoá cho nhiều vùng như: Ðầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân, Trần Văn Thời...
Ðúng là vị trí chợ Cái Nước nhờ những dòng sông mà trở nên vô cùng đắc địa. Khách thương hồ từ hướng kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp về tỉnh lỵ Cà Mau, xuôi theo dòng Bảy Háp hay vô Rau Dừa, ven theo đường kênh xáng Lộ Xe - Cái Nước đều về tới đây.
Phía khác, từ sông Trèm Trẹm, kênh xáng Chắc Băng, dòng Bạch Ngưu cũng tụ hội về thuận tiện. Chợ Cái Nước cũng là điểm giao thoa trung tâm của những dòng sông lớn ở Cà Mau. Ði từ phía nào của những dòng sông, Cái Nước cũng là nơi chốn gặp gỡ lý tưởng.
Bến sông Cái Nước (Cà Mau) những ngày giáp Tết. Ảnh: TRẦN NGỌC LÂM.
Dù không còn nhộn nhịp như trước, nhưng bến chợ sông mùa Tết vẫn còn những khách thương hồ gắn bó. Ông Võ Văn Kịch, hơn chục năm neo ghe khóm xứ Gò Quao, Kiên Giang trên sông Cái Nước, bộc bạch: “Giờ chắc chỉ còn anh em Gò Quao bên tôi đậu luôn ghe ở đây. Ðường sá thuận tiện, người ta chuyển qua chở đồ bằng xe tải hết rồi!”.
Ông Huỳnh Văn Trí, cũng dân Gò Quao, tiếp lời: “Có mấy anh em hụ hợ nương tựa nhau, chừng nào thấy lưng hàng thì dồn khóm lại, cắt cử ghe không về xứ lấy đồ. Cứ quanh năm vậy đó, nên lúc nào cũng có một vài chiếc ghe neo tại bến này”.
Nói về chuyện buôn bán, bà Võ Kim Loan, thương hồ có thâm niên 15 năm ở chợ Cái Nước, tiếc nuối: “Cách đây 7, 8 năm, từ chỗ ngã tư sông Cái Nước, bến ghe dời về chỗ bây giờ. Buôn bán hồi trước 10, thì giờ chỉ còn 3, 4 thôi. Trông chờ nhất dịp Tết, cũng còn người ta đi xuồng, đi vỏ máy ra chợ nên chưa đến nỗi. Nói gì thì nói, mình gắn bó với sông nước cả đời quen rồi, còn người mua thì mình cứ bán thôi!”. Cũng theo lời bà Loan, nhiều thương hồ bỏ nghề, hoặc chuyển lên sạp, lên quầy trên bờ. Còn riêng bà, cái ghe, nghề buôn bán, ân tình sông nước thì suốt đời mang theo.
Bến chợ sông Cái Nước hiếm hoi còn giữ được cảnh rộn rịp trên bến, dưới thuyền. Anh Trần Văn Tý, cán bộ thị trấn Cái Nước, dẫn chúng tôi đi dạo quanh chợ, không quên thông tin thêm: “Ngoài một số ghe tỉnh ngoài còn đậu suốt ở bến chợ, tiểu thương bên vùng U Minh, Trần Văn Thời cũng chở hàng hoá bằng ghe về đây. Có người vừa chở hàng bằng ghe, vừa chở bằng xe tải. Càng cận dịp Tết, không khí chợ bến sông càng xôm tụ”.
Cũng theo anh Tý, bà con xứ mình vẫn chọn đi chợ bằng vỏ, bằng xuồng, nhất là các dịp đám tiệc, đi chợ Tết, thuận tiện nhiều bề.
Miên man trong những nghĩ suy, tôi bỗng bật cười, ai đời, dân xứ Cà Mau lại đi tìm để viết về những ký ức của sông nước Cà Mau. Nó cũng tréo ngoe như chuyện dân U Minh đi mua cá nuôi để ăn vậy. Nhưng biết làm sao được, có những thứ thoáng chốc đã thành xưa cũ lắm, có núm níu thế nào cũng trôi mãi.
Nhiều bạn bè về hỏi han để trải nghiệm chợ sông, chợ nổi ở Cà Mau, tôi đành cười gượng cho qua. Chẳng thế mà tôi lần dò mãi mới tới được bến chợ sông này...
Sông vẫn ở đó, chợ vẫn ở đó, bến bờ Cái Nước vẫn còn đó, dọc dài hàng vỏ lãi đậu san sát tươi vui, dãy ghe thương hồ cặm bến nôn nao đợi Tết. Ðể rồi dù không hẹn trước, người Cà Mau vẫn gặp nhau, gặp lại chính mình trong mùa gió cuối năm, với bao nhiêu nhớ thương thổn thức ở bến sông chợ cũ. Lấp lánh từ muôn hướng sông xa, Tết cũng theo về khắp nẻo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.