Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024, ông Đỗ Minh Hoàng - thành viên HĐQT Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 2006, Bảo hiểm Agribank (ABIC) – đơn vị thành viên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) – đã tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh bảo hiểm phục vụ khu vực tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân). Đến nay, ABIC cung cấp hơn 100 sản phẩm bảo hiểm cho khu vực này, với doanh thu hàng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng và chi trả trung bình hơn 700 tỷ đồng cho các hộ nông dân gặp thiệt hại do thiên tai, rủi ro.
Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là việc triển khai các loại hình bảo hiểm theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về các sản phẩm bảo hiểm cây trồng, vật nuôi còn rất thấp, hiện chỉ chiếm 0,05% doanh thu phí hàng năm. Điều này được minh chứng qua cơn bão Yagi khi tại Agribank, hoạt động tín dụng của Agribank và hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay vốn cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Hoàng nêu rõ: Agribank có tổng số 28.200 khách hàng vay bị ảnh hưởng do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại trực tiếp 14.600 tỷ đồng, trong đó: Chỉ có 130 khách hàng và 94,77 tỷ đồng tương ứng với 0,65% dư nợ bị thiệt hại được bồi thường do có bảo hiểm, còn lại 99,35% dư nợ bị thiệt hại chưa có bảo hiểm.
Như vậy, trên 14.500 tỷ dư nợ tín dụng của Agribank (vốn Nhà nước) có nguy cơ trở thành nợ xấu khó có khả năng thu hồi. Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai bão, lũ.
"Như vậy, có thể nói Bảo hiểm nông nghiệp cả hình thức thương mại và hình thức có chính sách hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước đều chưa đi vào thực tiễn", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank, các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này rất đa dạng, trong đó chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm vẫn chưa đủ hấp dẫn. Cụ thể, các mô hình sản xuất tập trung chỉ được hỗ trợ tối đa 20% phí, trong khi hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tới 90%.
Ngoài ra, phạm vi và đối tượng hỗ trợ lại bị giới hạn, chỉ tập trung vào một số loại cây trồng, vật nuôi được quy định sẵn, gây khó khăn trong việc mở rộng phạm vi bảo hiểm. Thủ tục tham gia bảo hiểm cũng phức tạp, đòi hỏi nhiều công đoạn và giấy tờ chứng minh, làm giảm động lực tham gia của người dân.
Không chỉ vậy, sự thiếu liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp cũng là rào cản lớn. Phần lớn nông dân sản xuất trên quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với hợp tác xã và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và kiểm soát đầu vào, đầu ra.
Nhận thức của người dân về bảo hiểm nông nghiệp cũng còn hạn chế. Thay vì chủ động tìm kiếm bảo hiểm, nhiều nông dân vẫn trông chờ vào các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi gặp sự cố. Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo hiểm hiện có chưa đa dạng và linh hoạt, phí bảo hiểm cao trong khi thủ tục bồi thường lại phức tạp, làm tăng tâm lý e ngại.
Để tháo gỡ những khó khăn này, việc điều chỉnh chính sách là điều cần thiết, theo ông Đỗ Minh Hoàng.
"Chính phủ cần ban hành chính sách và khung pháp lý phù hợp để tháo gỡ các điểm nghẽn, động viên khuyến khích các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển các hoạt động bảo hiểm, các mô hình bảo hiểm mang tính bền vững, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng sản phẩm bảo hiểm đặc thù cho khu vực tam nông. Đồng thời, cân đối Ngân sách cả Trung Ương và cả địa phương hỗ trợ phí bảo hiểm cho khu vực tam nông, động viên khuyến khích hộ nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp, các HTX tham gia các loại hình bảo hiểm rủi ro.
Mức hỗ trợ phí bảo hiểm cần được nâng cao, đặc biệt cho các mô hình liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời, cần mở rộng phạm vi địa bàn và đối tượng hỗ trợ, tăng cường cơ chế phối hợp giữa ngân hàng, hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bảo hiểm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp chặt chẽ về thời tiết, năng suất, thiệt hại cũng rất cần thiết để hỗ trợ việc thiết kế và bồi thường bảo hiểm", ông Hoàng đề nghị.
Ông cũng cho rằng, phía các doanh nghiệp bảo hiểm cần phát triển các sản phẩm linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Các sản phẩm này nên bao gồm cả con người, máy móc, tài sản cố định bên cạnh cây trồng và vật nuôi. Việc ứng dụng công nghệ như blockchain, AI và Big Data có thể giúp dự báo rủi ro và giám định thiệt hại nhanh chóng, minh bạch hơn. Tăng cường tuyên truyền cũng là một giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức của nông dân về vai trò của bảo hiểm nông nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần hợp tác với các tổ chức chính trị xã hội để mở rộng mạng lưới phân phối và nâng cao hiệu quả triển khai.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp, bao gồm ngân hàng, nhà cung cấp vật tư và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện chuỗi khép kín. Điều này không chỉ giúp bình ổn giá mà còn chia sẻ chi phí bảo hiểm, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ cao, tăng hiệu quả sản xuất.
"Nếu được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam tin tưởng lựa chọn là mô hình mẫu đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững, Bảo hiểm Agribank cam kết "Đồng hành bền vững cùng tam nông" và mong muốn đẩy mạnh phát triển bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bảo hiểm nguồn vốn của Agribank từ 18% lên 30-50% trong 5 năm tới. Nếu đạt được, sẽ có khoảng 5 triệu cá nhân, hộ gia đình và trên 10.000 doanh nghiệp được bảo vệ, với tỷ lệ vốn tín dụng nhà nước được bảo hiểm lên tới 1 triệu tỷ đồng", ông Đỗ Minh Hoàng đề cập.
Bảo hiểm Agribank tập trung mọi nguồn lực phát triển các sản phẩm bảo hiểm vào khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn góp phần bảo vệ tối đa cho doanh nghiệp, các hộ sản xuất và cá nhân đồng thời thúc đẩy thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp để triển khai thành công Nghị quyết 19-NQ/TW của TW Đảng về phát triển Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn.