Ngày 19/12, Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/20217 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều Bộ, ban ngành và các Sở du lịch, Sở VHTTDL địa phương và các doanh nghiệp lữ hành.
Hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến, tham luận của các Sở Du lịch địa phương, các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành, trong đó ông Lê Thanh Liêm – Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nêu công tác thanh tra, kiểm tra về du lịch trong thời gian vừa qua.
Từ khi luật du lịch có hiệu lực (năm 2018), thanh tra Bộ VHTTDL đã triển khai 105 đoàn đến các địa phương trên toàn quốc, qua đó đã phát hiện, xử lý xử phạt 73 trường hợp, tổng số tiền phạt hành chính là hơn 911 triệu đồng. Năm 2024, Thanh tra Bộ VHTTDL đã triển khai 20 đoàn thanh tra tới các cơ sở. Thanh tra đã kiểm tra tới 14 Sở Du lịch trọng điểm đã tách riêng và xử lý 404 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Nhìn vào số liệu thống kê, ông Thanh Liêm cho rằng vi phạm du lịch hiện nay đang rất phổ biến và cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hơn nữa.
Nhấn mạnh trong công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, ông Lê Thanh Liêm cho biết, ngoài không tuân thủ quy định pháp luật, cố ý vi phạm từ các tổ chức, cá nhân thì có một phần bất cập của pháp luật.
"Luật du lịch 2017 có chính sách rất lớn, đã từng được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội, đó là tự nguyện xếp hạng sao. Trước đó là quy định bắt buộc phải xếp hạng sao, nhưng luật du lịch 2017 ai có nhu cầu thì xếp hạng sao, còn không có nhu cầu thì không cần xếp. Điều này dẫn đến khó cho công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ VHTTDL.
Hiện nay, luật du lịch quy định điều kiện tối thiểu nhưng cũng là tự nguyện, do các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú thực hiện. Còn Sở Du lịch, cơ quan Nhà nước với vai trò quản lý thì theo kế hoạch và đột xuất mới đi kiểm tra. Trong khi hiện tại, lực lượng đi kiểm tra rất khó, bởi nhân lực không đủ để đi các địa phương. Vậy thì chất lượng kiểm tra tại các cơ sở lưu trú cũng có vấn đề, cần tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.
Một vấn đề nữa cũng được nhiều người quan tâm, đó là mua bán kỳ nghỉ, mặc dù không liên quan trực tiếp tới luật du lịch nhưng đâu đó cũng có bóng dáng liên quan kinh doanh dịch vụ lưu trú. Thay vì thuê đi trong 1 vài ngày, hay đi trong 1 đến vài tháng thì hiện nay là đặt trước đến 20 năm.
Vậy vấn đề đặt ra, quản lý Nhà nước ở đây là như thế nào? Chúng ta so sánh với các lĩnh vực khác, như hợp đồng lao động dưới 3 năm sẽ khác, dưới 3 tháng cũng sẽ khác. Cơ chế quản lý Nhà nước đối với từng loại sẽ khác nhau.
Vừa qua, Thanh tra Bộ VHTTDL phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương, hợp đồng về mua bán kỳ nghỉ phải được kiểm tra trước khi các bên ký kết hợp đồng. Giống như mua bán nhà chung cư, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải kiểm tra trước, trước khi ký kết", ông Lê Thanh Liêm phát biểu.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Đức Thắng – Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Đông Á cho biết: "Hiện nay một số khách sạn xin không muốn cấp hạng sao, khi tôi đi xuống địa phương thì thấy họ trao đổi về vấn đề này. Bản chất của câu chuyện, nếu cơ sở lưu trú không muốn tự nguyện xếp hạng sao sẽ dễ biến tướng thành các dịch vụ khác. Họ có thể lợi dụng kinh doanh những dịch vụ khác trong cơ sở lưu trú mà không cấp phép hạng sao. Bởi quy định cấp hạng sao luôn có những quy định nghiêm ngặt, chi tiết. Ví dụ với hạng 4, dưới 4 sao thì cần những tiêu chí, quy định như thế nào, trên 5 sao thì cần những tiêu chí, quy định ra sao.
Đôi khi có những biến tướng mà chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong quản lý Nhà nước về du lịch, về cơ sở lưu trú. Vì vậy theo tôi cần luật hóa, tuân theo quy định của pháp luật. Tôi nghĩ rằng, dù ở cơ sở lưu trú nào cũng nên được cấp hạng sao theo đúng quy định của luật du lịch, các quy định, tiêu chí của khách sạn, điều này cũng sẽ thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới các địa phương".
Nói về mua bán kỳ nghỉ, PGS, TS Nguyễn Đức Thắng cho rằng cần được xem xét kỹ. Bởi nếu không hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch, tới những người làm du lịch chân chính, khi mà thời gian qua ngành du lịch, những người tâm huyết với du lịch đang làm rất tốt, đã có không ít thành tựu trong thời gian vừa rồi, với sự ghi nhận, vinh danh từ các giải thưởng du lịch quốc tế. Sẽ mất đi hình ảnh tốt đẹp của ngành du lịch Việt, rồi tiếp đến là sự thiệt thòi của người dân, khách hàng.
Đồng tình với quan điểm của Thanh tra Bộ VHTTDL, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đồng tình với ý kiến của Thanh tra Bộ VHTTDL. Chúng ta tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động du lịch không tuân thủ các quy định của luật du lịch và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Trước đây, chúng ta cũng đã bàn làm thế nào để chấn chỉnh các hoạt động vi phạm, nhưng thực ra rất là khó, bởi lực lượng thanh tra rất ít. Du lịch là ngành kinh tế với hàng triệu khách vào Việt Nam, trong khi lực lượng Thanh tra Du lịch lại quá mỏng sẽ khó kiểm soát.
Bên cạnh đó tình trạng hoạt động không giấy phép, các tour 0 đồng, bán hàng không có giấy chứng nhận,… đang tràn ngập hiện nay.
Chúng ta cần tận dụng vị trí quan trọng của Thanh tra Bộ VHTTDL phối hợp với hoạt động của Hiệp hội Du lịch địa phương, cùng hợp lực để rà soát tình trạng lộn xộn này. Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta cần phải làm ngay".
Cũng tại Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị quyết 08, bên cạnh những ý kiến đưa ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 như sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ trong cả nhận thức và hành động. Công tác quản lý còn chưa theo kịp thực tiễn với các loại hình du lịch mới, một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của khách, du lịch nông nghiệp, nông thôn…thì những kết quả đạt được cũng rất đáng ghi nhận.
Cụ thể, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng. Nhận thức về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực. Du lịch là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phát triển của du lịch thời gian qua góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác như giao thông vận tải; nông nghiệp (phát triển du lịch gắn với các chương trình OCOP, du lịch nông nghiệp gắn vưới xây dựng nông thôn mới)…
Kết luận Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị quyết 08, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, mục tiêu và giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, năm 2025 ngành du lịch đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa; nhu cầu buồng lưu trú khoảng 1,1 triệu buồng; tạo việc làm 5,5 triệu việc làm. Năm 2023 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, đón 160 triệu khách nội địa.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng dân cư về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghiên cứu, đề xuất ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch…