Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cụ thể, theo bản báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 theo phương pháp đánh giá mới, chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2024 xếp hạng 59/119 nền kinh tế (đạt 3,96 điểm) - giảm 3 bậc so với năm 2021. (Năm 2021 xếp hạng 56/117 nền kinh tế (đạt 4,0 điểm).
Trong đó có một số chỉ số trụ cột tụt hạng mạnh như Hạ tầng hàng không giảm 17 bậc; Sự bền vững về nhu cầu du lịch giảm 24 bậc. Và 6 chỉ số rơi vào hạng trung bình thấp và thấp của thế giới gồm: Hạ tầng và Dịch vụ du lịch (hạng 80); Mức độ mở cửa du lịch (80); Y tế và vệ sinh (81); Sự bền vững về môi trường (93); Mức độ ưu tiên cho du lịch (98); Tác động kinh tế-xã hội của du lịch (115).
Không chỉ có Việt Nam bị tụt hạng, theo khung đánh giá mới, nhiều quốc gia trong khu vực bị tụt hạng như Thái Lan giảm 12 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 2 bậc, Campuchia giảm 1 bậc. Indonesia, Lào giữ nguyên hạng. Philippines tăng 1 bậc.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Hoàng Quốc Hòa – Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (TTTT Du lịch), Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, chỉ trong 3 năm từ năm 2021-2024 Diễn đàn Kinh tế thế giới điều chỉnh cách tính chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu, sự điều chỉnh này cho thấy vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên theo cách tính mới, chỉ số của Việt Nam cũng có sự xô lệch, chưa chính xác.
"Việc chỉ số năng lực du lịch Việt Nam bị tụt hạng chỉ mang tính so sánh để mình biết mình đang ở đâu. Chỉ số Mức độ mở cửa du lịch Việt Nam xếp 80, trong nhóm trung bình thấp của thế giới chưa thực phản ánh đúng. Cụ thể chỉ số này gồm có 4 chỉ số thành phần, trong đó "Yêu cầu về thị thực nhập cảnh" được đánh giá dựa trên báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới về Độ mở Thị thực năm 2015 (UNWTO Visa Openness Report 2015), như vậy là quá lạc hậu, trong khi Việt Nam đã thực sự cải thiện lớn về chính sách thị thực.
Ngày 15/8/2023, Việt Nam đã chính thức áp dụng chính sách cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước với thời hạn tạm trú được nâng từ 30 ngày lên đến 90 ngày; và nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên đến 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực vào Việt Nam. Đây là bước đột phá về tạo thuận lợi cho đi lại du lịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã tạo động lực quan trọng cho sự phục hồi mạnh mẽ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua.
Một điều nữa, theo cách tính của Diễn đàn kinh tế thế giới, các chỉ số mà họ công bố là chỉ số năm 2024 nhưng thời gian lấy số liệu là năm 2020, 2021, 2022. Thời gian này, Việt Nam gần như đóng cửa để phòng chống dịch, chưa thể đầu tư, tập trung cho du lịch. Ngành du lịch lúc đó gần như "đóng băng". Vì vậy, kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh chính xác tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế - xã hội", ông Hoàng Quốc Hòa nói.
Ông Phạm Hà - Chủ tịch kiêm CEO Lux Group chia sẻ với Dân Việt: "Tôi cho rằng, kết quả chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tụt hạng 3 bậc cũng là điều dễ hiểu khi nhìn trên thực tế du lịch Việt Nam hiện nay.
Chúng ta cứ nói thị thực đã thông thoáng, cởi mở, khách quốc tế sẽ ồ ạt đến Việt Nam, du lịch Việt sẽ tăng trưởng. Điều này chỉ đúng một phần, đó là lượng khách quốc tế có tăng. Tuy nhiên thị thực chưa hẳn là "cây đũa thần" để có thể khiến chỉ số năng lực phát triển du lịch thăng hạng.
Bởi chúng ta vẫn chưa thực sự coi trọng du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, là ngành kinh tế rất quan trọng. Gần đây, chúng ta mới thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch.
Nguyên nhân thứ hai khiến chỉ số tụt hạng bởi năng lực cạnh tranh của chúng ta còn rất thấp, từ chất lượng sản phẩm, nguồn nhân lực, marketing, quảng bá còn quá tệ, tệ hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo tôi giải pháp để thăng hạng chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam, để du lịch Việt Nam đạt được thứ hạng 30 như Thủ tướng mong muốn thì cần tập trung vào chính sách, đồng bộ thể chế chính sách.
Chúng ta cần tập trung về các thế mạnh nội tại mình đang có. Các chỉ số về thiên nhiên, ẩm thực, văn hóa rất tốt. Vậy thì chúng ta cần tập trung phát triển về các chỉ số này hơn nữa. Tuy nhiên chúng ta cũng cần gìn giữ để không làm mất đi những cảnh quan thiên nhiên đẹp, thơ mộng và hùng vỹ. Đừng lạm dụng xây những ngôi nhà cao tầng chọc trời, san sát, bê tông hóa làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, mất đi sự bền vững.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cũng cần có cái nhìn nghiêm túc, phải nhận ra chúng ta còn rất nhiều yếu kém để từ đó mới cải thiện từng bước".
Nói về giải pháp để tăng chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam, ông Hoàng Quốc Hòa cho rằng, trước hết, trong thời gian tới, ngành du lịch cần phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ số liệu cập nhật về du lịch Việt Nam cho Diễn đàn Kinh tế thế giới để đánh giá đúng tác động kinh tế - xã hội của du lịch cũng như chính sách thị thực của Việt Nam.
Tiếp đến là với chỉ số Y tế và vệ sinh (81); Sự bền vững về môi trường (93), các Bộ, Ban ngành và chính quyền địa phương cần phải rút kinh nghiệm và cải thiện.
Giải pháp cho chỉ số Sự bền vững về môi trường, chúng ta cần thu hút đầu tư. Cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao nhân lực lao động.
Chỉ số Sự bền vững về nhu cầu du lịch (giảm 24 bậc), chúng ta cần cải thiện các sản phẩm du lịch, các tour du lịch hấp dẫn. Kích thích khách du lịch bằng các tour kéo dài, ví dụ tour đi 5N4Đ, 7N6Đ… sẽ có nhiều chương trình hấp dẫn hơn những tour 2N1Đ…
Đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách quanh năm để giảm tính mùa vụ của du lịch quốc tế. Phát triển thêm các điểm đến mới, điểm đến thứ cấp nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại một số trọng điểm du lịch. Ví dụ như Sapa là điểm đến chính, thì phải xây dựng thêm các điểm đến lân cận quanh thị xã Sapa.
Đồng thời, tiếp tục phát huy các thế mạnh nổi trội của Việt Nam về sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, mức độ an toàn, an ninh. Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở các địa phương.
Đối với một số chỉ số bị tụt hạng nhiều như chỉ số "Hạ tầng hàng không" (giảm 17 bậc), cần kiến nghị ngành hàng không tiếp tục nâng cao năng lực phục vụ vận tải hành khách, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng số lượng ghế cung ứng, mở rộng kết nối mạng bay trong và ngoài nước, giảm giá vé máy bay để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Ngoài ra theo ông Hoàng Quốc Hòa, chúng ta cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch theo hướng hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 82 của Chính phủ và Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.