Xã Tức Tranh là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển các loại cây trồng lâu năm như cây ăn quả và cây chè của huyện Phú Lương. Vài năm trở lại đây, bên cạnh việc phát triển cây chè là cây trồng chủ lực, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn thay đổi hướng đi, trồng bưởi với diện tích tương đối lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng sản phẩm được nâng lên.
Gia đình anh Đồng Văn Hoà (xóm Gốc Gạo) đã có thâm niên trồng bưởi gần 20 năm nay. Giống bưởi được gia đình anh lựa chọn trồng là bưởi Diễn. Hiện, gia đình anh có khoảng 300 cây bưởi trên diện tích 1ha. Anh Hoà chia sẻ, việc chăm sóc cây bưởi cơ bản nhàn, mà thu nhập cũng tương đối.
"Hiện nay bưởi được gia đình tôi chủ yếu bán cho khách quen và bán tại các chợ với giá bán từ 7.000 – 8.000 đồng/quả. Năm nay với giá cả như hiện tại, theo tính toán sau khi trừ chi phí, vườn bưởi của gia đình tôi cho lợi nhuận khoảng hơn 100 triệu đồng", anh Hoà cho biết.
Ông Lê Văn Chính – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh cho biết: Hiện trên địa bàn xóm Gốc Gạo có khoảng 8ha diện tích trồng cây lâu năm, trong đó chủ yếu là cây bưởi. Trong số đó những cây thu hoạch từ 10 năm trở lên chiếm diện tích khoảng 4,7ha.
Ngoài giống bưởi Diễn đã có từ trước, người dân trong xóm đang làm một số giống bưởi ghép như bưởi Đào đường, bưởi Phúc Trạch. Giống bưởi Diễn trước kia được bà con địa phương xuống tận vùng Diễn để mua về trồng. Hiện nay, hộ trồng nhiều nhất khoảng 400 cây bưởi, còn những hộ khác trồng khoảng trên dưới 200 cây xen kẹp với nhau.
Bưởi của bà con trong xóm chủ yếu xuất bán đi khu vực TP.Thái Nguyên và một số địa phương lân cận với giá buôn khoảng 8.000đồng/quả và giá bán lẻ từ 10.000 – 12.000đồng/quả, được nhiều khách hàng ưa chuộng vì quả đẹp, vị ngọt thơm ngon.
Trước đây, người dân trong vùng chủ yếu trồng bưởi theo phương thức cũ nên chất lượng và hiệu quả không cao. Nhưng từ khi được Hội làm vườn tập huấn về kỹ thuật cũng như hướng dẫn cách thức chăm sóc từ bón phân đến tỉa cảnh phù hợp nên chất lượng quả bưởi được nâng lên rõ rệt, bưởi ăn ngọt đậm hơn.
Theo ông Chính, về cơ bản chăm sóc cây bưởi không quá vất vả, bưởi ở đây được bà con chủ yếu bón bằng phân chuồng mỗi năm hai lần, một lần vào đầu năm và một lần bón thúc vào khoảng tháng 5, tháng 6.
Cây bưởi ít khi mắc bệnh, nếu có thường hay mắc bệnh sâu đục thân nên hàng năm cần quét vôi vào gốc cây để hạn chế. Còn khi cây bắt đầu nảy lộc thì phun thuốc phòng trừ rệp sáp, khi cây ra hoa phun thêm một lớp đậu quả bằng phân bón lá để kích thích tăng trưởng đầu quả và phun phòng trừ nấm. Còn khi quả đã trưởng thành thì giảm tỷ lệ phun.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình trồng bưởi tại địa bàn, ông Chính khẳng định: So với cây chè thì hiệu quả từ cây bưởi mang lại cho bà con trong vùng cũng tương đối cao. Với mỗi sào bưởi sẽ cho thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/năm.
Ông Chính mong muốn sẽ được nhà nước hỗ trợ phân bón để bà con có điều kiện phát triển cây trồng trên địa bàn nhằm tạo nguồn thu ổn định. Ngoài ra, địa phương cũng đang nghiên cứu để mở rộng diện tích trồng hồng da tre vì loại cây này đang cho giá trị kinh tế cao.
Ông Đoàn Văn Viên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tức Tranh thông tin: Một số hội viên, nông dân thuộc xóm Gốc Gạo đã chuyển đổi diện tích trồng chè trung du kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đặc biệt là cây bưởi như bưởi da xanh, bưởi Diễn. Hiện nay, các thành viên Tổ trồng cây ăn quả xóm Gốc Gạo đang thực hiện việc trồng và chăm sóc bưởi theo quy trình VietGAP và vừa qua đã được tỉnh chứng nhận gần 10ha diện tích.
"Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã Tức Tranh đã tuyên truyền, vận động các hội viên này tới đây sẽ chuyển từ trồng bưởi VietGAP sang trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời, chúng tôi cũng đề xuất với cấp trên tạo điều kiện để Tổ trồng cây ăn quả này được tiếp cận khoa học kỹ thuật để có kiến thức chuyển đổi mô hình từ VietGAP sang hữu cơ", ông Viên cho biết thêm.