Là một trong những người giao mầm cách mạng ở Nam bộ, từ giữa những năm 1920 đồng chí Ung Văn Khiêm thuộc lứa đàn anh, lớp học trò đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đồng chí Ung Văn Khiêm đã tiếp thu và học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng, tính nhân văn, tính quần chúng của Hồ Chí Minh, và chính đồng chí đã rèn luyện, bồi dưỡng bản thân mình trong suốt cuộc đời cách mạng, đóng góp vào xây dựng sự nghiệp lớn lao của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí Ung Văn Khiêm sinh năm 1910 tại làng Tấn Đức, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Khi còn là học sinh của Trường Collège de Cần Thơ, đồng chí Ung Văn Khiêm đã tham gia lãnh đạo các cuộc bãi khóa của học sinh nhân đám tang Cụ Phan Bội Châu và phản đối thực dân Pháp bắt giữ chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh.
Cuối năm 1927, cùng với thầy giáo Châu Văn Liêm, đồng chí Ung Văn Khiêm được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.
Năm 1928, đồng chí được đưa đi tham dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, đồng chí cùng đồng chí Ngô Gia Tự từ Quảng Châu về Sài Gòn, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Nam Bộ, gây dựng những tổ chức Đảng đầu tiên, đặt nền móng cho phong trào cách mạng ở đây.
Tháng 8/1929, đồng chí Ung Văn Khiêm tham gia cùng đồng chí Châu Văn Liêm và một số đồng chí khác thành lập An Nam Cộng sản Đảng và được chỉ định làm Bí thư Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng toàn miền Hậu Giang gồm 9 tỉnh: Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc.
Tháng 1/1930, đồng chí Ung Văn Khiêm xuống làng An Xuyên quận Cà Mau kết nạp 5 hội viên ưu tú của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội vào An Nam Cộng sản Đảng.
Đây là tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay).
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Xứ ủy Nam Kỳ được thành lập, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Tháng 6 năm 1930, đồng chí Ung Văn Khiêm được cử làm Bí thư Xứ ủy, thay cho đồng chí Ngô Gia Tự bị địch bắt.
Từ năm 1931 - 1936, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn, Sài Gòn và đày đi Côn Đảo. Tại đây, đồng chí tích cực tham gia các cuộc đấu tranh do Đảo ủy phát động.
Sau khi mãn hạn tù, đồng chí Ung Văn Khiêm hoạt động công khai trong tổ chức Ủy ban Hành động của Đông Dương Đại hội, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1939, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt giam.
Sau 18 tháng giam tại Long Xuyên, địch định đưa đồng chí lên giam ở Tà Lài, nhưng nhờ mưu trí, nhân lúc địch sơ hở, đồng chí chạy thoát và về hoạt động tại đồn điền Cờ Đỏ ở Ô Môn, Cần Thơ.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ung Văn Khiêm năm 1961. Ảnh Tự liệu.
Ngày 9/3/1945, chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Ung Văn Khiêm đã đại diện Mặt trận Việt Minh vận động chủ đồn điền người Pháp giao đồn điền Cờ Đỏ cho cách mạng quản lý và hứa sẽ che chở cho các gia đình người Pháp trong những ngày trốn tránh quân Nhật. Hai chủ đồn điền người Pháp đã tuân lệnh đồng chí Ung Văn Khiêm.
Năm 1945, đồng chí Ung Văn Khiêm tham gia Xứ ủy Nam Bộ (Xứ ủy Tiền phong), là Ủy viên Ban Thường vụ.
Giữa năm 1945, đồng chí cùng đồng chí Hà Huy Giáp nhận được thư của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập, thay mặt Xứ ủy Nam Bộ đã ra Tân Trào dự Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 13 - ngày 15/8 và Quốc dân Đại hội ngày 16/8/1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Ung Văn Khiêm được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ. Trong cuộc Tổng tuyến cử toàn quốc đầu tiên năm 1946, đồng chí Ung Văn Khiêm đắc cử đại biểu Quốc hội khóa I đơn vị tỉnh Long Xuyên.
Sau đó, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Ủy viên Nội vụ Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Đồng chí đã cùng Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược khi chúng quay trở lại hòng chiếm nước ta một lần nữa.
Ngày 25/10/1945, trong phiên họp đầu tiên của Xứ ủy Nam Bộ họp tại Thiên Hộ, Đồng Tháp Mười, đồng chí Ung Văn Khiêm đã đề xuất ý kiến phải củng cố bộ đội, phải đưa đảng viên nắm bộ đội. Ý kiến của đồng chí đã được Xứ ủy nhất trí hoàn toàn.
Sau Hội nghị, Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng đã được thống nhất, nhưng nhiều tỉnh vẫn còn tình trạng hai tỉnh ủy.
Trong năm 1946, nhằm thống nhất tổ chức Đảng, với tư cách là đại diện Xứ ủy Tiền phong, đồng chí đã cùng Trần Văn Trà, đại diện Xứ ủy Giải phóng trực tiếp đi đến một số tỉnh đôn đốc việc sáp nhập hai tổ chức Tiền phong và Giải phóng. Từ đây, Đảng bộ Nam Bộ mới được thống nhất thực sự và mọi sự chỉ đạo mới được thông suốt trong toàn Xứ.
Với tư cách là Ủy viên Nội vụ Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đồng chí Ung Văn Khiêm đã bàn bạc với Luật sư Phạm Ngọc Thuần - Quyền Chủ tịch Ủy ban Nam Bộ và đồng chí trực tiếp soạn thảo, ký ban hành Chỉ thị số 4/NV ngày 22/5/1947, một tháng sau, ngày 21/6/1947 ký Chỉ thị 404/NV bổ sung, kêu gọi công chức và viên chức trong cơ quan, bộ máy của Pháp tham gia đấu tranh chống Pháp, tuyệt đối không được hợp tác với giặc.
Thực hiện chỉ thị này, Liên đoàn Viên chức và Nghiệp đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động hàng ngàn thợ thuyền và nhiều nhân sĩ, trí thức, trong đó có nhiều công chức cao cấp rời thành phố ra bưng biển kháng chiến.
Công nhân viên chức ở nội thành còn đình công, tháo gỡ máy móc, bí mật lấy hóa chất, thuốc men, vật liệu văn phòng... của địch để gửi ra căn cứ kháng chiến. Trong khi địch ra sức củng cố bộ máy ngụy quyền thì hai bản chỉ thị trên có sức công phá chính quyền địch một cách hiệu quả, đồng thời tăng thêm nhân lực cho kháng chiến, nhất là đội ngũ trí thức và công nhân kỹ thuật.
Đồng chí còn là người có bản lĩnh, năng động, sáng tạo trong giải quyết những vấn đề bức xúc về tôn giáo, khắc phục những nhận thức ấu trĩ, tả khuynh trong công tác tôn giáo ở Nam Bộ, tăng cường khối đại đoàn kết, nâng cao vai trò của Mặt trận Dân tộc Thống nhất.
Tháng 2/1951, đồng chí Ung Văn Khiêm được cử làm Trưởng đoàn đại biểu của Xứ ủy Nam Bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Việt Bắc.
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe đồng chí báo cáo cụ thể về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã bầu đồng chí Ung Văn Khiêm làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Sau Đại hội, Trung ương quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, với thành phần là các đồng chí Ủy viên Trung ương vừa được bầu tại Đại hội đang hoạt động ở Nam Bộ.
Đồng chí Ung Văn Khiêm được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam. Lúc bấy giờ, tỉnh Bạc Liêu được xác định là một trong những tỉnh căn cứ địa của miền Nam. Năm 1953, Trung ương Cục quyết định cử đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy viên Trung ương Cục tham gia Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Ngày 15/5/1953, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ III họp ở ấp Đất Sét, xã Phú Mỹ, huyện Ngọc Hiển, đồng chí Ung Văn Khiêm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh.
Đồng chí Ung Văn Khiêm đã phát huy dân chủ nội bộ, huy động sức mạnh của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, đẩy mạnh tiến công địch, mở rộng vùng giải phóng.
Đồng chí còn là người vận dụng sáng tạo chủ trương bồi dưỡng sức dân của Chính phủ, lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thực hiện giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất cho nông dân; thi hành tốt chính sách thuế nông nghiệp, góp phần rất lớn vào ngân sách Nam bộ trong kháng chiến.
Sau Hiệp định Gieneve, đồng chí Ung Văn Khiêm được lệnh tập kết ra Bắc. Năm 1955, đồng chí được giao làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Tại Đại hội toàn quốc lên thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Trung ương Đảng và được giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Đồng chí Ung Văn khiêm luôn quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế, luôn nắm vững tư tưởng của Bác Hồ “Dĩ bất biến ứng vạn biến” nhằm tăng cường sự đoàn kết quốc tế giữa các đảng và các nước anh em, liên kết gắn bó với các nước thế giới thứ ba, kiên quvết chống mọi âm mưu của đế quốc, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 1963, đồng chí Ung Văn Khiêm chuyển công tác sang làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến năm 1967, đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng chí mất vào ngày 20/3/1991.
“Nếu có một người có quyền mà không thích sử dụng quyền, phải nói đó là đồng chí Ung Văn Khiêm, học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Điếu văn, do đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, đọc trong Lễ truy điệu đồng chí Ung Văn Khiêm.