Trong những ngôi chùa, mộ hay nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, loài rắn hổ mây khổng lồ luôn được tạo hình một cách trang trọng, đầy uy nghiêm.
Là vùng đất được nhiều người xem là linh thiêng nhất của dải đồng bằng châu thổ Cửu Long Giang, khu vực Thất Sơn (gồm 7 ngọn núi là núi Cấm, Tô, Tượng, Sam, Két, Dài, Nước) ở vùng biên giới tỉnh An Giang, từ xa xưa đã nổi tiếng với rất nhiều truyền thuyết vừa hư, vừa thực. Trong đó có truyền thuyết về loài rắn hổ mây khổng lồ nặng hàng trăm ký lô.
Đến nay, dù chưa ai khẳng định hay bác bỏ nhưng việc người dân bắt được những con rắn hổ mây vài chục ký lô thì không phải là chuyện hiếm.
Năm 2019, một cặp hổ mây trong đó có con nặng tới 60 ký bị một nhóm công nhân làm dự án điện mặt trời bắt được đã gây xôn xao dư luận, thu hút hàng ngàn người tìm tới. Nhưng không chỉ có trong chuyện kể, rắn hổ mây ở vùng đất này còn đi cả vào đời sống văn hóa, xuất hiện trong hầu hết các sách xưa, hay trong văn hóa thờ cúng dân gian.
Lần theo những câu chuyện tâm linh vừa hư vừa thực, chúng tôi tìm tới ông Nguyễn Văn Hai, 73 tuổi, một người sinh ra và lớn lên ở xã Núi Tô (Tri Tôn, An Giang) vào một sáng cuối tuần. Sau khi ngồi uống cà phê trò chuyện dưới chân núi Cô Tô, một trong 7 ngọn Thất Sơn, chúng tôi được ông Hai chấp thuận cho theo lên núi đi tìm loài rắn hổ mây khổng lồ.
Cũng như nhiều người dân ở vùng Cô Tô, ông Hai thường gọi loài rắn hổ mây là “ông mây” và có lập một am nhỏ để thờ ông mây trên lưng chừng núi.
Ngoài ra, ở khu vực núi Cô Tô này, nơi có hàng ngàn hộ dân sinh sống rải rác ven chân núi, lưng chừng núi cũng có lập bàn thờ “ông mây” để mong cầu những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Có am thờ “ông mây” ở dưới chân núi gần khu du lịch Suối Vàng quanh năm khói hương, người hành hương từ khắp nơi thường ghé qua.
Là người gốc Khmer nhưng ông Hai khá sành sõi tiếng Việt. Ông bảo từ nhỏ tới giờ gần như chỉ quanh quẩn ở núi Cô Tô, ít khi đi đâu khác. Ông làm đủ thứ nghề, từ việc chặt măng chân núi cho tới lấy lá thuốc, củ sâm đất, nấm mèo, củ hũ dừa, dây mây, cam thảo... đem ra chợ bán.
Ngoài ra ông cũng nhận mang vác đồ đạc (như nước, đồ ăn...) cho những khách hành hương leo lên đỉnh núi. Hầu như những đường mòn, lối đi cùng những hang động, ngóc ngách trên núi ông đều thuộc làu.
Thế nhưng hơn bảy mươi năm cuộc đời, chỉ duy nhất một lần trong đời ông bất ngờ gặp được “ông mây”.
Ông Hai kể, lúc đó chừng hơn 30 năm trước, ông cùng hai người con lên núi hái xoài. Lúc đó trời cũng giữa trưa nắng, ông thấy con gái chỉ phía sau lưng ông một cách đầy sợ sệt toan bỏ đi. Một cảm giác lạnh sống lưng xâm chiếm toàn cơ thể dù ông chưa quay lại để nhìn phía sau lưng mình.
Sau đó, bằng bản năng sinh tồn, ông từ từ quay lại và thấy một đôi mắt màu đen nâu, xanh thăm thẳm như mắt mèo nhưng hẹp hơn nhìn ông. Trong giây phút ấy, ông còn nhận ra dường như “ông mây” có cả con mắt thứ 3 nữa. Lúc này, ông không suy nghĩ được gì chỉ biết từ từ tụt khỏi thân cây xoài và quỳ hai chân cúi đầu trước “ông mây”.
Sau khi ông ngẩng đầu lên thì không thấy “ông mây” đâu cả, chỉ có một mùi tanh nồng nặc đọng lại, rồi nhanh chóng mất đi khi cơn gió phía bên kia núi ào tới. Bấy giờ ông mới hoàn hồn, vội vã thu gom tất cả xoài hái được cùng hai con xuống núi.
Cũng theo ông Hai, “ông mây” mà ông gặp có chiều dài phải tới 7-8 mét, to bằng thân cây chuối ra bông. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong đời ông đối mặt với “ông mây” trong mấy giây phút ngắn ngủi…
Theo sự dẫn đường của ông Hai, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá và tìm kiếm nơi ở của “ông mây”.
Theo ông Hai, dù chưa gặp “ông mây” ở trong hang này nhưng nhiều người dân vùng Cô Tô đều tin đây là nơi ở của “ông mây” bởi họ từng thấy trứng, mùi tanh nồng nặc cũng như rất nhiều cá suối, thức ăn ưa thích của “ông mây”.
Người dân đều cho rằng hang đó là nơi “ông mây” đẻ trứng, bắt nhiều thức ăn đem về cho những con non và thường không ai dám tới gần khu vực hang.
Đây là khu vực có rất nhiều dây leo um tùm, hoang vu, đường đi chỉ là lối tự mở. Từ phía đường mòn dành cho người hành hương lên đỉnh Cấp Một (cao khoảng 630 mét) phải đi vòng mất hơn một cây số mới tới cửa hang. Miệng hang rất rộng, có nhiều đá lởm chởm. Dù rất hiếu khách nhưng ông Hai cũng chỉ dám dẫn chúng tôi tới bậc đầu tiên của hang vì sợ làm kinh động tới nơi ở của “ông mây”.
Theo ông Hai, dù chưa có người dân nào bị “ông mây” cắn hay tấn công nhưng tìm gặp “ông mây” là điều không tốt, trừ khi “ông mây” muốn cho ai đó gặp!
Những câu chuyện vừa hư vừa thực của ông Hai rất quen thuộc với người dân vùng biên giới An Giang bởi nhiều người cũng từng trải qua.
“Ông mây” trong đời sống của người dân vùng này thực tế là loài rắn hổ mây, xuất hiện nhiều ở rừng núi nhiệt đới trong đó có Ấn Độ và Đông Nam Á. Rắn hổ mây rất độc, có kích cỡ lớn hơn nhiều loại rắn khác.
Nhiều nơi khác, người dân từng bắt được rắn hổ mây có kích cỡ cả trăm ký lô, dài tới 7-8 mét. Ở Việt Nam, rắn hổ mây là loài động vật quý hiếm, được ghi trong sách đỏ với nguy cơ tuyệt chủng cao do săn bắt quá nhiều.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế vùng biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn ở tỉnh An Giang không chỉ có 7 ngọn núi nhưng từ xa xưa, người dân vẫn gọi đây là Thất Sơn.
Có nhiều lý giải khác nhau nhưng có lẽ cụm từ Thất Sơn và bảy ngọn núi này gắn liền với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, có tầm ảnh hưởng ở vùng An Giang, sau này đã sản sinh ra nhiều đạo phái khác ở miền Tây Nam bộ, trong đó nổi bật nhất có Phật giáo Hòa Hảo.
Thực tế, vùng đất này có tới hơn 30 ngọn núi lớn nhỏ khác nhau nằm rải rác, không liền mạch ở nhiều xã, thị trấn của vùng biên giới. Mỗi ngọn núi với chu vi hàng chục cây số ngày nay đều có những đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng riêng biệt nhưng điểm chung là thường có những am nhỏ thờ “ông mây”, loài rắn khổng lồ vừa hư vừa thực.
Nhưng không chỉ xuất hiện trong các câu chuyện kể, từ sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức cho tới những câu chuyện của nhà văn Sơn Nam, ghi chép của Hồ Biểu Chánh về vùng Thất Sơn, rắn hổ mây đã được nhắc tới, hiện diện trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây từ hàng trăm năm trước.
Thậm chí với cộng đồng người Khmer ở vùng biên giới này, rắn hổ mây còn được tạc khắc nên trong tất cả các công trình văn hóa tín ngưỡng quan trọng của người dân.
Trong những ngôi chùa, mộ hay nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, loài rắn khổng lồ cũng luôn được tạo hình một cách trang trọng, đầy uy nghiêm. Với họ, rắn là loài có thể bảo vệ con người khỏi cái ác cũng như răn đe sự ác trong mỗi con người.
Ông Hai ngẩng đầu lên thì không thấy “ông mây” đâu cả, chỉ có một mùi tanh nồng nặc đọng lại, rồi nhanh chóng mất đi khi cơn gió phía bên kia núi ào tới. Bấy giờ ông mới hoàn hồn, vội vã thu gom tất cả xoài hái được cùng hai con xuống núi.
“Ông mây” mà ông Hai gặp có chiều dài phải tới 7-8 mét, to bằng thân cây chuối ra bông. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất trong đời ông đối mặt với “ông mây” trong ít giây phút ngắn ngủi…