Đêm đến, hàng chục người dân ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang) mang đèn săn ve sữa bán. Tương tự người dân ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) lại vào rừng đào sâm đất.
Đội đèn săn ve sữa
Những cơn mưa đầu mùa trút xuống vùng Bảy Núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài côn trùng sinh sôi, nảy nở, trong đó có ve sữa - một món khoái khẩu không chỉ của người dân xứ Thất Sơn mà còn nhiều tỉnh miền Tây.
Những người dân ở xã Núi Tô đi săn ve đêm
Ve sữa vừa chui từ lòng đất lên
Những ngày này, đi dọc tất cả các tuyến đường của huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đều nghe tiếng ve sầu kêu mà buồn não ruột. Sau lịch hẹn khoảng 18 giờ 30 một ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi tháp tùng cùng gia đình ông Chau Lên (54 tuổi, ngụ ấp Tô Trung, xã Núi Tô) đi bắt ve sữa.
Thông thường loài ấu trùng này ẩn mình trong lớp đất dưới những tán cây rừng, khi mùa mưa đến chúng chui lên, rồi leo lên gốc cây, ngọn cỏ để lột xác bắt đầu cho một vòng đời mới.
Chuẩn bị đèn xong, ông Lên cùng vợ và đứa con gái 15 tuổi đi bộ đến khu vườn cách nhà hơn 500m bắt ve. Vừa đi ông Lên vừa nói: “Phải chọn khu vực có nhiều cây cổ thụ ve mới trú ẩn nhiều. Đồng thời, phải đi sớm để tránh “đụng” những thợ săn khác”. Thấy người nhà ông ai cũng mang theo chiếc chai, phích đựng nước chúng tôi thắc mắc.
Ông Chau Lên bật mí: “Bên trong những chai này đều là nước muối pha loãng. Ban đầu mới vào nghề này tưởng dễ ăn, nhưng khi bắt được con đầu tiên bỏ vào chiếc thau, sau đó quay lại chẳng thấy nữa. Từ đó, tôi mới nghĩ ra cách đem nước muối theo. Hễ bắt dính con nào mình nhanh tay cho vào nước muối không cho lột xác”.
Gia đình ông Lên dẫn chúng tôi đến khu vườn có nhiều cỏ dại bị đạp nhẹp, bởi mỗi ngày tiếp nhận hàng chục lượt người ghé thăm. Ánh đèn pin soi đến đâu những chú ve sầu chưa kịp lột xác, mọc cánh bay lên đã nằm gọn trong tay của họ.
Mỗi gia đình bắt được từ 0,5 – 3kg ve/đêm
Chỉ tay vào con ve sữa mới bắt được, ông Lên chia sẻ: “Sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ lên vỏ cây đẻ trứng vào đó. Trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống và chui vào trong đất. Sau khi lột xác, mọc cánh, ve trưởng thành lại bay lên các cành cây kêu suốt mùa hè. Bắt ve chủ yếu canh giai đoạn chúng vừa chui lên từ lòng đất, bò lên thân cây, bụi cỏ, bởi lúc này thịt ve mềm, béo ngậy”.
Những chiến lợi phẩm bắt được gia đình ông Lên đều cho ngay vào chai nước muối chuẩn bị sẵn. Theo lời ông Lên, dưới chân núi Cô Tô mỗi đêm có đến vài chục chiếc đèn soi bắt ve. Địa điểm thường là những gốc cây cổ thụ hoặc những khu đất tơi xốp có cỏ mọc. Vợ chồng ông và đứa con chỉ trong thời gian ngắn đã bắt được hàng trăm con.
Di chuyển sang khu đất trồng xoài soi đèn phát hiện một con ve vừa lột xong, ông Lên bắt cầm trên tay giải thích: “Con ve này mắt nó màu đỏ khác với số vừa bắt được, nếu không biết ăn vô sẽ chết liền”.
Một lúc sau, rất nhiều người đến địa điểm gia đình ông Lên đang hoạt động để cùng tham gia săn ve. Đi xe máy cùng với người em trai, anh Chau Sanh (41 tuổi) cho biết: “Việc bắt ve diễn ra hơn tháng nay. Đêm đến trong xóm có khoảng hơn 40 người kéo nhau đi săn loài côn trùng tăng cường “uy lực” này. Sương đêm càng xuống lượng ve sữa bắt được càng nhiều, nên một số người thức trắng đêm.
Thường mỗi gia đình bắt được từ 0,5 – 3kg/đêm. Mỗi ký ve bán cho thương lái với giá từ 150.000 – 200.000 ngàn đồng”.
Ve sữa bắt xong được cho vào chai hoặc xô đựng nước muối
Những người có nhiều năm kinh nghiệm săn ve sữa cho biết, công việc bắt ve không khó, nhưng vất vả ở chỗ phải len lỏi theo các chân núi, khu vườn vào ban đêm. Do thường đi chân trần, nên cũng có trường hợp bị rắn độc cắn, đạp phải miểng chai. Bắt ve khó hơn bắt nhái, bởi mắt loài côn trùng này không phản chiếu ánh đèn.
Trước khi chia tay những người thợ săn ve đêm, chúng tôi được ông Lên và anh Sanh cho biết thêm: “Cuộc mưu sinh theo mùa và kéo dài đến tháng 5 âm lịch mới chấm dứt. Chịu khó đi bắt vài tiếng đồng hồ là có bữa ăn thịnh soạn hoặc đủ tiền ăn gạo vài ngày. Ve sữa sau khi mang về được rửa lại bằng nước muối vài lần cho sạch đất, ký sinh trùng. Sau đó, đem ra chiên nước mắm hoặc xào với gốc hành. Nó ngon hơn cả đuông dừa, rất bổ dưỡng và tăng cường “bản lĩnh đàn ông”, nên luôn được thương lái săn đón”.
Băng rừng đào sâm đất
Nhiều người dân ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển hàng ngày vẫn vào sâu trong rừng ngập mặn để tìm kế sinh nhai, trong đó có nghề săn sâm đất. Theo lời giới thiệu của giới đi săn, sâm đất có công dụng bổ thận, ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương,… nên luôn được săn đón. Sâm đất tươi được chế biến thành các món rán, xào, nướng hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe. Hiện nay, tại các nhà hàng sâm đất là một đặc sản đắt tiền.
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi tháp tùng cùng ông Nguyễn Văn Thuận băng qua những cánh rừng đước để đào sâm đất. Dụng cụ lao động của người đi săn khá đơn giản chỉ cần một cây cuốc nhỏ, can nhựa để đựng chiến lợi phẩm bắt được. Đồ nghề luôn được mài sắc để có thể đào sâu xuống nền đất nhiều rễ cây rừng.
Người dân ở xã Tân Ân lội rừng đi đào sâm đất
Mỗi ngày đi săn sâm đất người dân có thu nhập vài trăm ngàn đồng
Gắn bó với nghề này hơn chục năm nay, ông Thuận tâm sự: “Đào sâm đất là nghề chính của tôi, trong xóm có khoảng vài chục người làm công việc này. Thông thường sâm đất có quanh năm, những tháng nước lên có nhiều hơn. Nghề này cũng khá cực khổ vì phải lặn lội nhiều, muỗi đốt. Ban ngày tôi đi đào sâm đất, còn ban đêm soi ba khía mới đủ tiền nuôi gia đình”.
Theo lời ông Thuận, sâm đất nằm trong hang sâu dưới lớp đất bùn và di chuyển rất nhanh, người đi săn phải thật nhanh tay mới bắt được. Ở những nơi mặt bùn có ụ lên vài lỗ nhỏ, nếu nhìn kỹ sẽ thấy vòi nhỏ thò ra, nên hầu như lúc nào cũng có sâm đất. Việc đào bới ảnh hưởng đến rễ của các loại cây rừng, do vậy những người làm nghề rất chú ý tránh khu vực cây con và chỉ đào ở những nơi được cho phép.
Vất vả của người săn “sung dược” sâm đất phải làm việc trong rừng nhiều mỗi, vắt đeo và rất dễ bị thương do đạp phải gai nhọn của cây rừng. Dù vậy, mỗi người sau một ngày làm việc họ thu về chiến lợi phẩm từ 10 – 15kg, mỗi ký bán với giá 30 ngàn đồng.
Nguyễn Nhân (CA TPHCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.