Cựu sĩ quan đặc công Phạm Đình Khánh - nguyên Trưởng ban trực thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công năm nay vừa tròn 80 tuổi. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vị cựu sĩ quan đặc công rất mẫn tiệp. Ông từng học tập, công tác và trực tiếp tham gia chiến đấu ở Binh chủng Đặc công (1971 – 1973) tại Quảng trị.
Những ký ức hào hùng về ngày còn chiến đấu như những thước phim cứ tuần tự, tuần tự trở về trong tâm lý vị cựu sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong những ngày tháng lịch sử kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, những thước phim quý giá ấy càng khiến ông Khánh bồi hồi, xúc động.
Trong ký ức của mình, ông Khánh đặc biệt ấn tượng với những kỷ niệm in đậm về lần vinh dự được biểu diễn hoạt động tác chiến để Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị tướng lĩnh quân đội tại E bộ 426, sơ tán ở Trường Bổ túc cán bộ Dân tộc Trung ương (Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội) kiểm tra.
Lần đó, ông Khánh cùng các đồng đội đã được nghe Bác nói chuyện, huấn thị, động viên ân cần và nghe chính thức công nhận Binh chủng Đặc công được thành lập.
Nhớ lại các dấu mốc thời điểm đó, ông Khánh chia sẻ, ngày 13/4/1966, do yêu cầu của Cách mạng Việt Nam và những chiến công của các đơn vị Đặc công trên các chiến trường Đông Dương (B.C.K), Trung đoàn 426 được thành lập.
Trong Trung đoàn có 3 cơ quan: Chính trị, Tham mưu, Hậu cần, đóng tại Trường Bổ túc cán bộ Dân tộc Trung ương để bảo đảm bí mật.
Thời gian đó, ông Khánh đang công tác trong ban huấn luyện của Trung đoàn nên đã được tham gia nhiều lần phục vụ cho các cuộc tập luyện trình diễn kỹ thuật, chiến thuật, cách đánh đặc công cho các phái đoàn tham quan của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng và những lần phục vụ cho các phái đoàn quân sự quốc tế đến tham quan diễn tập…
Vào những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1967, ông cùng đồng đội được quán triệt một nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức diễn tập phục vụ cho một phái đoàn đặc biệt đến kiếm tra.
Theo ông Khánh, điều được cấp trên lưu ý đặc biệt khác với các lần trước là tổ chức luyện tập và trình diễn ngay tại cơ quan Trung đoàn.
Lực lượng tham gia luyện tập trình diễn rất hạn chế; thời gian luyện tập rất khẩn trương nhưng phải thể hiện được các kỹ thuật chiến thuật cơ bản, điêu luyện, cách đánh của bộ đội đặc công và có nghiên cứu một số kỹ thuật đào tạo mới (vượt rào bằng thang người, đẩy sào, vượt tường cao do yêu cầu thực tế chiến trường)…
Sau cuộc họp, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, các bộ phận tích cực khẩn trương triển khai, lựa chọn phân công cụ thể, xúc tiến theo nhiệm vụ …. Ban tác huấn thực hiện công tác tổ chức xây dựng thao trường khẩn trương và bãi tập trên địa hình sâu sát với đề án chiến, kỹ thuật, các hàng rào dây thép, bãi mìn, tường cao khoảng 7 - 9m…; chọn người trong cơ quan để tham gia luyện tập và nghiên cứu cách nằm người trên giây thép, tổ vượt tường cao bằng sào tre….
Với bản thân ông Khánh, ông được trưởng ban giao nhiệm vụ ngoài công tác bảo đảm bảo vật tư, vật chất cho xây dựng bài tập chung còn phải nghiên cứu tìm giải pháp sào tre, áo quần cho bộ đội luyện tập động tác người nằm trên rào, cách vượt tường cao 7m trở lên… Sau hơn 1 tuần, các đơn vị đã chuẩn bị xong tất cả các yêu cầu.
"Trong hai ngày 17 và 18/3/1967, các chiến sĩ đặc công đang chỉnh sửa bài tập, tiếp tục luyện tập thì thấy Trưởng ban bảo vệ cơ quan cùng một số đồng chí khác đi kiểm tra đoạn giao thông hào ra số 1 hầm kèo, có cả máy dò mìn kiểm tra khu vực bài tập, khán đài, hội trường của trường Bổ túc cán bộ Trung ương….
Ở vòng ngoài có một số người ăn mặc thường dân đi trên các khu ruộng bắt cua, ốc…, sau này mới biết đó là những cán bộ công an và bảo vệ của cấp trên về làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho buổi diễn tập lịch sử" – cựu sĩ quan đặc công Phạm Đình Khánh nhớ lại.
Sáng ngày 19/3/1967, toàn đội hình tập được Trung đoàn trưởng cho các chiến sĩ luyện nhẹ để tập trung cho công tác chuẩn bị cuối cùng. Chiều ngày 19/3/1967, các chiến sĩ được nghỉ sớm, ăn cơm sớm, điều này khác với mọi ngày.
Trong tâm trí ông Khánh, ông đã có một linh cảm về việc mình và các đồng đội sắp được gặp Bác Hồ. Lúc này tinh thần ông càng trở nên phấn chấn.
Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, Thủ trưởng Cục nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu đến gặp Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn ngay trước cửa hội trường. Sau cuộc gặp, Trung Đoàn trưởng lệnh cho mọi bộ phận về vị trí sẵn sàng chờ lệnh.
Ông Khánh cho biết, lúc đó bỗng ánh sáng đèn pha chiếu lên, chiếu quanh khắp nơi rồi lại tắt đi ngay càng làm cho mọi người hồi hộp. Khoảng 19 giờ, nhiều xe ô tô con xuất hiện, đậu ngay trước sân trường.
Từ trong một chiếc xe, một cụ già bước xuống và tác phong thật nhanh nhẹn đi về phía khán đài.
"Lòng tôi sung sướng khẽ reo lên: Bác Hồ đúng Bác Hồ rồi. Tim tôi dồn dập, mặt tôi đỏ bừng, chân tôi run lên như muốn chạy thật nhanh đến gần, để được gặp được nhìn rõ Bác hơn, nhưng do được quán triệt từ trước và với nhiệm vụ được giao tôi không dám hô to, không dám bỏ vị trí bảo vệ của mình" – ông Khánh bồi hồi nhớ lại.
Buổi trình diễn báo cáo với Bác Hồ, với đoàn diễn ra theo kế hoạch ngay sau đó. Ông Khánh thấy Bác Hồ rất chăm chú quan sát, theo dõi tỉ mỉ. Có khi Bác rướn người lên phía trước để quan sát nơi các chiến sĩ đang trình diễn kỹ thuật lết, trườn, khắc phục bẫy.
Khi được lệnh, mấy chục cán bộ chiến sĩ đồng loạt đứng dậy với đủ cách ngụy trang (mình trần bôi trát bùn, cát ,đất, quần áo rằn ri sẵn có, quần áo dệt cỏ rất công phu…), có chiến sĩ chỉ cách Bác khoảng hơn một mét rưỡi. Bác Hồ lúc đó cười rất tươi, cả đoàn tham quan vỗ tay trầm trồ khen ngợi.
Các kỹ thuật vượt rào bằng thang người, vượt tường cao bằng sào để đánh chiếm mục tiêu bên trong; những thế võ bất ngờ quật đánh địch, diệt địch rất dũng mãnh nhanh gọn được thể hiện rất điêu luyện chính xác.
Khi diễn tập kết thúc, các chiến sĩ tập trung trước hội trường để gặp Bác. Bác xem một số trang bị tự tạo như cần dò mìn, cọc chống rào, lộ tiêu của đội hình, Người đã khen ngợi, động viên các cán bộ, chiến sĩ.
Ngay sau đó ông Khánh cùng đồng đội vào hội trường để nghe Bác nói chuyện.
Ở buổi gặp đó, Bác Hồ đúc kết những tinh hoa truyền thống đánh giặc ngoại xâm giữ nước hàng ngàn năm của tổ tiên, cha ông ta…; đúc kết từ những kinh nghiệm của các phong trào kháng chiến… và đặc biệt rút ra thực tế từ cách đánh của lực lượng đặc công trên khắp các chiến trường. Bác đặt niềm tin tưởng vào kỹ thuật chiến thuật tiến công của đặc công.
Ông Khánh vẫn còn nhớ như in lời huấn thị của Bác trong tối ngày 19/3/1967: "Đặc công là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, do chiến tranh du kích phát triển đặc biệt cao. Chiến thuật của du kích là lấy ít thắng nhiều, đi không tiếng về không tăm, bây giờ các chú cũng thế. Cũng phải lấy ít đánh nhiều nhưng mà cao hơn nữa, quy mô hơn nữa.
Đặc công đã đi là đánh, đã đánh là tất thắng. Như thế là phải đặc biệt dũng cảm, cái gì cũng phải đặc biệt đối với đặc công. Chữ đặc biệt xuyên suốt tất cả từ luyện tập cho đến khi đánh cũng như lúc trở về, mưu trí cũng đặc biệt linh hoạt, kỹ thuật phải đặc biệt thuần thục. Đối với Đảng phải đặc biệt trung thành, nội bộ phải đặc biệt đoàn kết…".
"Kết thúc buổi nói chuyện, Bác Hồ đứng lên rồi Bác hỏi: Các cháu có làm được không?". Cả hội trường đồng thanh đáp "thưa Bác, có ạ". Mọi người đứng dậy tiễn Bác, định hô khẩu hiệu tiễn Bác nhưng Bác ra hiệu không. Tiếng vỗ tay rền vang ở hội trường không ngớt tiễn đoàn" – ông Phạm Đình Khánh nhớ lại.