Nhạc sĩ Doãn Nho: "Lá cờ đỏ sao vàng năm ấy và giọng của Bác Hồ theo tôi suốt cuộc đời"

Thư Bích Ngọc Thứ hai, ngày 02/09/2024 06:02 AM (GMT+7)
79 năm trước, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho (khi đó 12 tuổi) là nhân chứng lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám và trực tiếp tham dự Quốc khánh 2/9. Mùa thu này, ông đã 91 tuổi, nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên. Ông bảo: "Lá cờ đỏ sao vàng năm ấy vẫn bay suốt cuộc đời tôi".
Bình luận 0

Tôi được gặp Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho lần đầu cách đây 4 tháng để lắng nghe những xúc cảm của ông về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Mùa thu này, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã 91 tuổi (tính theo tuổi ta là 92 tuổi), nhưng ông vẫn còn mẫn tiệp và tinh anh lắm. Nhân dịp kỷ niệm 79 năm cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 năm nay, tôi lại được ông dành cho một cuộc gặp gỡ tại nhà riêng để tiếp tục lắng nghe về những ngày tháng hào hùng của dân tộc.

Thành viên nhỏ tuổi nhất của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Tháng 8/1944, trước yêu cầu của lịch sử, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập tại số nhà 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo lời kể của nhạc sĩ Doãn Nho, khi ấy, nhà của ông (làng Cót, nay là phố Hạ Yên Quyết, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; xưa kia là ngoại thành Hà Nội) là cơ sở hoạt động cách mạng, nơi sinh hoạt bí mật của Đảng bộ ngoại thành, chủ trì là đồng chí Vũ Oanh (đồng chí Vũ Oanh sau trở thành Ủy viên Bộ Chính trị).

Nhạc sĩ Doãn Nho: Lá cờ đỏ sao vàng năm ấy và giọng nói Bác Hồ theo tôi suốt cuộc đời- Ảnh 1.

Ở tuổi 91, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn còn rất mẫn tiệp và nhớ từng chi tiết trong lịch sử. Ảnh: Phạm Thứ.

Một thời gian dài, gia đình của ông là nơi nuôi giấu, qua lại họp bàn của nhiều cán bộ Việt Minh, trong đó có chính anh trai ông. Trong cuốn hồi ký của mình, đồng chí Vũ Oanh cũng nhắc đến việc sinh hoạt tại nhà ông Hai Chú - thân phụ của nhạc sĩ Doãn Nho.

Gia đình là nơi hoạt động cách mạng, anh trai cũng là một thành viên của Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu; những suy nghĩ, nhận thức về cách mạng đã nhen nhóm hình thành trong nhạc sĩ Doãn Nho từ khi còn là cậu thiếu niên.

“Tôi nghiễm nhiên trở thành thành viên của Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Tôi là thành viên nhỏ tuổi nhất, được phân công làm liên lạc, bảo vệ cho cơ sở cách mạng. Ngoài ra, tôi cũng biết một chút về âm nhạc nên tôi còn được giao nhiệm vụ hướng dẫn các đội viên học hát, tuyên truyền, phổ biến những bài hát về cách mạng”, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết.

Những năm tháng quân Nhật đi từng nhà sục sạo cướp thóc và thu rơm rạ cho ngựa, cơ sở cách mạng tại nhà nhạc sĩ Doãn Nho khi ấy cũng không phải là ngoại lệ. Quân Nhật có thể vào bất cứ lúc nào, nếu để lộ là cơ sở cách mạng, không chỉ gia đình ông bị mất mạng mà cả những gia đình khác xung quanh cũng bị ảnh hưởng.

Trong một lần đi học về, đứng từ sân nhà nhìn vào gian thờ tổ tiên, nhạc sĩ Doãn Nho phát hiện một khẩu súng trường của Nga do một cán bộ Việt Minh vội đi họp nên dựng ở góc nhà.

Nhạc sĩ Doãn Nho: Lá cờ đỏ sao vàng năm ấy và giọng nói Bác Hồ theo tôi suốt cuộc đời- Ảnh 2.

Tác giả chụp hình lưu niệm với nhạc sĩ Doãn Nho tại nhà riêng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Phạm Thứ.

Ông hồi tưởng: “Ôi trời ơi! Khẩu súng trường cao bằng người tôi mà thông thống như vậy. Tôi vội vàng lấy chiếu che kín lại. Quân Nhật nhìn thấy thì tai họa ập xuống không chỉ với gia đình tôi đâu”.

Nhạc sĩ Doãn Nho chau mày, ông kể lại sự việc bằng giọng nói gấp gáp hơn. Từng cử chỉ, lời nói của ông khiến tôi dễ dàng hình dung chú bé Doãn Nho gần 80 năm về trước đã hốt hoảng thế nào, nhưng ngay sau đó vẫn bình tĩnh hành động để cả gia đình và những chiến sĩ cách mạng hoạt động tại nhà ông tránh được một tai họa.

Ký ức ngày độc lập của nhạc sĩ Doãn Nho

Nhớ lại những ngày tháng lịch sử của dân tộc, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, thời điểm đó, ông được phân công “nhiệm vụ đặc biệt”: “Tôi phụ trách nhóm thiếu nhi cứu quốc của làng. Khi các anh họp bàn, thông báo có mít-tinh, tôi sẽ báo cho các bạn bè và dân làng cùng biết. Có lần, các anh tổ chức mít-tinh ở đầu làng chỗ xóm Chợ làng Cót. Để cuộc mít-tinh thành công, rất cần có bà con cùng tham dự.

Tôi hiểu được điều đó, liền nảy ra một sáng kiến. Tôi xuống cuối làng chỗ xóm Chùa rồi chạy ngược lên xóm Chợ. Vừa chạy, tôi vừa hô lớn: “Có mít-tinh. Có mít-tinh ở xóm Chợ…”. Bà con nghe xong liền kéo nhau ra đầu làng để xem cuộc mít-tinh đó”. 

Nhạc sĩ Doãn Nho: Lá cờ đỏ sao vàng năm ấy và giọng nói Bác Hồ theo tôi suốt cuộc đời- Ảnh 3.
Nhạc sĩ Doãn Nho: Lá cờ đỏ sao vàng năm ấy và giọng nói Bác Hồ theo tôi suốt cuộc đời- Ảnh 4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu.

Ông bảo, đó hoàn toàn là những hành động rất hồn nhiên, vô tư của cậu bé lên 10 nhưng chính những điều đó đã hun đúc, góp phần làm nên một nhạc sĩ Doãn Nho sau này.

Sáng 2/9/1945, thời khắc thiêng liêng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ, ông đã háo hức từ đêm hôm trước nên dậy từ rất sớm cùng những thành viên của nhóm thiếu nhi cứu quốc và người làng Cót tiến về Quảng trường Ba Đình. Trên đường, nhóm thiếu nhi cứu quốc của làng Cót còn đánh trống ếch và hát vang các bài hát “Tiến quân ca”, “Du kích ca”... Đó là những bài hát nhạc sĩ Doãn Nho được học trước và dạy lại cho các bạn để hát trong ngày Quốc khánh.

“Dọc đường, giữa dòng người đông đúc, ai cũng tay bắt mặt mừng, hân hoan khí thế lắm. Ai cũng mong chờ được nghe thấy giọng nói và được nhìn thấy Bác Hồ. Khoảnh khắc Bác bước lên kỳ đài rồi cất tiếng hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, cả hội trường im lặng đều vỡ òa. Có lẽ tôi không bao giờ quên được giây phút ấy và giọng nói của Bác. Cũng chính ngày hôm đó nhiều người mới biết Bác Hồ chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc”, nhạc sĩ Doãn Nho bộc bạch.

Nhạc sĩ Doãn Nho: Lá cờ đỏ sao vàng năm ấy và giọng nói Bác Hồ theo tôi suốt cuộc đời- Ảnh 5.

Bác Hồ cùng các đại biểu sinh viên Việt Nam trong Festival Sinh viên quốc tế, lần thứ VI, 1957. Nhạc sĩ Doãn Nho mặc áo vest đen, ngồi bên trái Bác Hồ. Ảnh: NVCC.

Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ thêm về khung cảnh ngày 2/9/1945, giữa biển người tham dự cuộc mít-tinh, hai chiếc máy bay của Mỹ bay xung quanh Quảng trường Ba Đình, cách mặt đất không quá cao. Nhân dân ta bấy giờ mỗi người trên tay đều có một lá cờ, ngẩng cao đầu vẫy chào máy bay Mỹ. Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, mỗi người dân vẫy chào lúc máy bay Mỹ bấy giờ đều trong tư thế là một người dân của một đất nước độc lập.

Chi tiết hai máy bay Mỹ bay xung quanh Quảng trường Ba Đình cũng được thiếu tá Jean Sainteny (sau này trở thành đại diện cho Chính phủ Pháp tại Việt Nam) ghi lại trong cuốn hồi ký "Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ", xuất bản năm 1954 (NXB CAND, 2005, Lê Kim dịch): "Phái đoàn đại diện Mỹ cũng có mặt. Hai chiếc máy bay tiêm kích Mỹ Lightning bay lượn rất lâu trên đoàn người dự mít tinh ở độ thấp. Sự kiện này được cơ quan tuyên truyền của chính phủ mới cho rằng đây là biểu hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Minh".

Khi đoàn tham dự mít-tinh, cậu bé Doãn Nho vẫn mải mê ngoái nhìn đoàn quân nhạc thổi kèn, đánh trống biểu diễn những ca khúc mừng độc lập khiến đầu bị va vào cột điện. 

“Đau nhớ đời”, ông cười lớn.

Chất liệu âm nhạc đặc biệt

Nhắc lại về ngày tháng gian truân lẫn vinh quang của đất nước, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ, những kỷ niệm ấy trong ông vẫn sống động như vừa mới hôm qua, xen lẫn cảm xúc đầy tự hào và hạnh phúc. Từ hình ảnh nạn đói đầu năm 1945; tới khi giành lại chính quyền, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong ngày 19/8 và 2/9; hình ảnh và giọng nói Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình…; nhạc sĩ Doãn Nho đều luôn ghi nhớ và đó cũng chính là những chất liệu âm nhạc quý cho những sáng tác của ông sau này.

“Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, quân dân Hà Nội trở về tiếp quản thủ đô. Ngày 1/1/1955, một cuộc diễu binh hoành tráng được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình. Những kỷ niệm về ngày Quốc khánh năm 1945 khi còn là một cậu bé ùa về trong tôi. Trong không khí trang nghiêm và xúc động ấy, tôi đã viết: Đây Ba Đình/ Kỳ đài cao hùng vĩ/ Súng thép quyện màu cờ/ Muôn sao bay như nhắc lại từng giờ/ Ngày khởi nghĩa năm xưa/ Chốn đây, trong nắng thu vàng…”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.

Ở tuổi 91, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn còn rất mẫn tiệp, tinh anh; vẫn có thể vừa tự chơi đàn, vừa hát. Media: Nhóm PV.

Bản phác thảo ấy về sau mới được ông hoàn thiện thành ca khúc “Ba Đình lịch sử” vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Một niềm vui nữa với nhạc sĩ Doãn Nho, đó là mỗi khi bình minh tỏa rạng, ngay tại chính Quảng trường Ba Đình lịch sử, ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” do ông sáng tác được cất lên cùng đội quân đi đều ra quảng trường làm lễ thượng cờ trang nghiêm, chào đón một ngày mới.

Ca khúc "Tiến bước dưới quân kỳ" do nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác. (Nguồn: YouTube Văn công Quân đội)

Nhạc sĩ Doãn Nho (sinh ngày 1/8/1933; quê ở làng Cót, xã Yên Hoà, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Ông là một nhạc sĩ, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam được biết tới với những ca khúc: Tiến bước dưới quân kỳ; Người con gái sông La; Năm anh em trên một chiếc xe tăng; Chiếc khăn Piêu...

Nhạc sĩ Doãn Nho hiện nay thuộc thế hệ lớp người cuối cùng từng trải 3 các sự kiện lớn của lịch sử dân tộc như: Các mạng tháng Tám và ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945; chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Giải phóng miền Nam (30/4/1975).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem