Dân Việt

Dân một làng cổ ở Đà Nẵng làm đặc sản bán dịp Tết, nhà nào cũng đỏ lửa ngày đêm

Tuyết Nhung - Trần Hậu 29/12/2024 05:41 GMT+7
Tết Nguyên đán năm 2025 đang cận kề, làng Túy Loan, một làng cổ làm nghề bánh tráng (xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng) bước vào cao điểm mùa vụ, các cơ sở đang hoạt động hết công suất để đảm bảo đơn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường Tết.

Nghề làm bánh tráng Túy Loan có lịch sử lâu đời, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 21/2/2024. 

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 1.

Từ giữa tháng 11 Âm lịch, các lò tráng bánh ở Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) lại tất bật đỏ lửa phục vụ khách hàng dịp Tết. Ảnh: T.N.

Hiện nay làng nghề còn khoảng 15 hộ gia đình duy trì nghề làm bánh tráng truyền thống. 

Đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, các lò tráng bánh ở Túy Loan lại tất bật hơn để kịp sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Bên bếp lửa nghi ngút khói, chị Nguyễn Đặng Thái Hòa (49 tuổi) chia sẻ: "Vào dịp cận Tết nhu cầu mua bánh của thị trường tăng gấp đôi, nên mỗi ngày tôi bắt đầu làm sớm hơn từ 2 giờ sáng đến khoảng 10 giờ là tráng xong 2 ang gạo. 

Rồi lại tiếp tục công việc nướng bánh, đóng gói, ngâm gạo, rang mè, chuẩn bị gia vị... mọi việc cứ thế xoay vòng cả ngày không ngơi tay. Vì làm thủ công nên năng suất không nhiều, mỗi ngày tôi chỉ tráng khoảng 160 chiếc bánh".

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 2.

Bánh tráng Túy Loan được làm từ gạo 13/2, loại gạo đặc trưng chỉ có ở địa phương. Ảnh: T.N.

Để có được những chiếc bánh tráng ngon, người làng Túy Loan chỉ sử dụng gạo 13/2, gạo được vo sạch, chuốt thật trắng, ngâm nước qua đêm và xay mịn. 

Tuy gạo này nấu cơm bị cứng, khô, nhưng dùng làm bánh tráng thì thơm ngon hơn các loại gạo khác, có mùi vị đặc trưng.

Chị Hòa cho hay, bột gạo được pha với nước theo tỷ lệ nhất định để không bị lỏng hoặc đặc, rồi trộn với gia vị gồm: đường, nước mắm, muối, mè, tỏi và gừng.... Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà gia vị được thêm nhiều hoặc ít, bình quân dùng 1,5kg gia vị/1 ang gạo.

Bánh tráng Túy Loan so với bánh tráng ở nhiều nơi khác thì có độ dày hơn, đặc biệt là bánh không phơi nắng mà được xông khô trên lồng tre bằng than hồng. 

Công đoạn này giúp bánh tráng Túy Loan để lâu không bị mốc, bánh nướng ăn rất giòn, xốp và giữ được vị bùi của gạo, vị béo của mè, cay nhẹ của gừng tỏi hòa quyện tạo nên một hương vị khó quên, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 3.

Đều đặn mỗi ngày từ 2 giờ sáng, chị Hòa lại nhóm bếp để tráng bánh, kịp cung ứng hàng cho các tiểu thương, khách hàng tiêu thụ dịp Tết. Ảnh: T.N.

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 4.

Bình quân 2 ang gạo sẽ tráng được khoảng 160 chiếc bánh. Ảnh: T.N.

Cũng tất bật làm bánh tráng dịp cận Tết, bà Trần Thị Luyện (72 tuổi) bộc bạch: "Làm bánh tráng phải có ít nhất hai người, một người đổ bột và một người gỡ bánh, xông bánh. 

Công việc làm bánh giáp Tết vất vả hơn nhưng ai cũng phấn khởi vì bánh đắt hàng, có thêm thu nhập khá. 

Từ giữa tháng 11 âm lịch nhiều lò làm bánh nên khó thuê được người phụ, công việc xông bánh cũng nhọc công và đòi hỏi người làm phải chú ý thay đổi thứ tự để bánh khô đều".

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 5.

Bánh tráng Túy Loan được xông khô trên lồng tre bằng than hồng, giúp bánh để lâu không bị mốc, bánh nướng giòn, xốp, thơm ngon hơn. Ảnh: T.N.

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 6.

Theo bà Luyện, làm bánh tráng nhìn đơn giản nhưng không dễ dàng, mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm phải cân đong, đo đếm, tỉ mỉ để cho ra chiếc bánh tròn trịa, cân đối. 

Các nguyên liệu như gạo, mè, gừng được bà đặt mua của nông dân địa phương, đảm bảo về chất lượng. 

Ngoài ra, bà luôn chọn mua than củi loại tốt để bếp than luôn rực hồng, giữ lửa nóng đều để xông bánh không bị chai sượng.

Tỉ mỉ gỡ từng chiếc bánh trên lồng tre, chị Đặng Thị Anh Thư (49 tuổi) tâm sự: "Mùa Tết này hầu như nhà nào ở Túy Loan cũng làm bánh tráng, một số cơ sở thì làm bán, một số nhà thì tự làm để biếu tặng, dùng trong gia đình. 

Từ công việc gỡ bánh, xông bánh này mỗi ngày tôi có thêm thu nhập từ 200.000-300.000 đồng, tuy vất vả dậy sớm nhưng có thu nhập sắm sửa đón Tết nên cũng cố gắng".

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 7.

Công việc làm bánh tráng dịp giáp Tết vất vả hơn nhưng bà Luyện thấy phấn khởi vì bánh đắt hàng, có thêm thu nhập khá. Ảnh: T.N.

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 8.

Bánh tráng Túy Loan luôn là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày giỗ, ngày Tết, trở thành đặc sản trứ danh của Đà Nẵng theo chân du khách đi muôn nơi. Ảnh: T.N.

Bánh tráng Túy Loan được làm thủ công nên chất lượng khác hẳn bánh được sản xuất bằng máy, dù nhiều khách hàng đặt trước nhưng các cơ sở ở làng nghề chỉ nhận số lượng ít để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Có như vậy, khách hàng mới tin tưởng và ủng hộ lâu dài.

Nguyên liệu làm bánh tráng Túy Loan là những nông sản đặc trưng của địa phương, đảm bảo chất lượng, nên bánh nơi đây luôn có giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại, dao động từ 170.000-270.000 đồng/10 cái (tùy loại).

Người dân làng cổ ở Đà Nẵng đỏ lửa cả ngày đêm, chuẩn bị đặc sản bán dịp Tết - Ảnh 9.

Làng nghề bánh tráng Túy Loan đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: T.H.

Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, bánh tráng Túy Loan luôn là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày giỗ, ngày Tết, trở thành đặc sản trứ danh của Đà Nẵng theo chân du khách đi muôn nơi....

Ông Nguyễn Bá Tâm - Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết: Làng nghề bánh tráng Túy Loan có bề dày lịch sử hơn 500 năm và đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay làng nghề còn 10 hộ tham gia sản xuất bánh tráng thường xuyên, với số lượng lớn, tiêu biểu như bà Đặng Thị Túy Phong, bà Đặng Thị Tùng, bà Trần Thị Luyện…. Các hộ còn lại chỉ làm vào dịp Tết, bắt đầu từ tháng 11 Âm lịch, ra Tết thì sản xuất lai rai theo đơn đặt hàng. Năm 2015, UBND xã Hòa Phong xây dựng và được phê duyệt đề án "Phát triển làng nghề bánh tráng Túy Loan".

Thời gian qua, các hộ sản xuất bánh tráng tiêu biểu đã được Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng đầu tư, hỗ trợ máy xay bột, máy hút chân không, bao bì mẫu mã, mái che..., nhờ đó chất lượng sản phẩm ngày được nâng cao. Ở Túy Loan ngoài sản xuất bánh tráng còn làm mì Quảng, mì khô cũng đang được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư hỗ trợ cho bà con, nhằm duy trì nghề truyền thống, mặt khác giải quyết lao động cho địa phương, giúp bà con nâng cao thu nhập.