Một huyện của Tiền Giang đã thả 500.000 con ong ký sinh chỉ để tìm diệt một loài động vật quái ác hại dừa

Kim Lan Thứ hai, ngày 30/12/2024 05:45 AM (GMT+7)
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) tích cực duy trì việc nhân nuôi ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen tại huyện. Đến nay, đơn vị đã phóng thích được hơn 500.000 con ong ký sinh ra các vườn dừa ngăn chặn sâu đầu đen hại cây dừa tại các xã, thị trấn trong toàn huyện.
Bình luận 0

Để góp phần ngăn chặn sự lây lan, gây hại của sâu đầu đen trên cây dừa hiện nay, ngoài việc tiến hành phun xịt thuốc trực tiếp lên các tàu lá dừa bị nhiễm và chặt bỏ, tiêu hủy các tàu lá bị nhiễm bệnh để hạn chế mầm bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) còn tích cực duy trì việc nhân nuôi ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen tại huyện đồng thời đem phóng thích đến nay được hơn 500.000 con ong ký sinh ra các vườn dừa ngăn chặn sâu đầu đen hại dừa tại các xã, thị trấn trong toàn huyện.

Theo đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tổ chức ra quân thả 100.000 con ong ký sinh tại 5 ha vườn dừa của nông dân ở xã Thạnh Nhựt, xã Vĩnh Hựu,... 

Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể diện tích vườn dừa nhiễm sâu đầu đen phát sinh mới, diện tích phục hồi dần tăng. 

Các diện tích vườn dừa bị nhiễm đã thực hiện các giải pháp phòng trừ có dấu hiệu phục hồi tốt; các diện tích nhiễm còn lại lây lan chậm, diện tích nhiễm nặng giảm dần.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường nhân nuôi ong ký sinh phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen và phân bổ đồng đều nguồn ong ký sinh giữa các xã để đảm bảo việc phòng trừ chung tăng mật số ong ký sinh bao phủ rộng trên các diện tích vườn dừa để tiêu diệt sâu đầu đen.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân cần kiên trì áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen, như: phun xịt, tiêu hủy các tàu dừa nhiễm bệnh, đăng ký thả ong ký sinh để bảo vệ vườn dừa đảm bảo cho năng suất ổn định. 

Đặc biệt, nhà vườn nên theo dõi vườn dừa và tiếp tục thả ong ký sinh để quản lý theo biện pháp sinh học vừa hiệu quả vừa đảm bảo an toàn môi trường. 

Riêng đối với những vườn dừa đã áp dụng biện pháp quản lý sinh học thả ong ký sinh, bà con không nên phun thuốc trừ sâu nhằm duy trì nguồn thiên địch trong tự nhiên để việc phòng trừ đạt hiệu quả cao và bền vững, tránh trường hợp diệt các loại thiên địch dễ gây bộc phát sâu đầu đen.

*Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gò Công Tây về việc tổng ra quân phòng trừ sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện, ngày 21/12/2024, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây phối hợp cùng UBND xã Vĩnh Hựu tổ chức đồng loạt phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu đầu đen hại dừa tại các vườn dừa trên địa bàn ấp Phú Quý, ấp Bình An, ấp Thạnh Thới của xã Vĩnh Hựu. 

Được biết, loại thuốc mà Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ nông dân hoàn toàn từ chế phẩm sinh học đảm bảo an toàn cho môi trường, con người, vật nuôi.

Qua điều tra sơ bộ, xã Vĩnh Hựu có tổng diện tích vườn dừa là 642 ha, hiện tại có trên 2 ha vườn dừa tại các ấp đang bị nhiễm sâu đầu đen và đang có nguy cơ lan rộng ra các diện tích lân cận.

Một huyện của Tiền Giang đã thả 500.000 con ong ký sinh chỉ để tìm diệt một loài động vật quái ác hại dừa - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) thực hiện phóng thích ong ký sinh ngăn chặn dịch hại sâu đầu đen tại vườn dừa xã Thạnh Nhựt.

UBND xã Vĩnh Hựu đã tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, xuống tận hộ dân tuyên truyền về tác hại của sâu đầu đen hại dừa, làm ảnh hưởng năng suất, và cùng cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp để tránh sâu đầu đen lây lan trên diện rộng.

Các giải pháp phòng, trừ loài sâu đầu đen hại cây dừa là: Cắt bỏ những tàu lá dừa bị nhiễm đem tiêu hủy bằng cách đốt hoặc ngâm nước nhằm làm giảm mật số sâu hại, áp dụng các biện pháp sinh học để bảo tồn thiên địch như ong kí sinh, nhóm bắt mồi (kiến vàng, bọ đuôi kim), phun chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis với liều lượng 80-100ml pha với 20 lít nước phun ướt đều tàu lá (4-5 lít/cây)phun lần cách lần từ 7 - 10 ngày. 

Đối với những vườn trồng dừa nhiễm từ trung bình đến nặng cũng cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá dừa bị nhiễm trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm mật số sâu hại.

Việc cắt tía, tiêu hủy tàu lá dừa bị nhiễm sâu đầu đen còn giúp tăng khả năng tiếp xúc sâu non và tăng hiệu quả thuốc; sử dụng hoạt chất Emamectin benzoate kết hợp dầu khoán để khống chế mật số sâu kết hợp nhân, thả ong Bracon hebeter để quản lý bền vững và hiệu quả sâu đầu đen.

Trong ngày 21/12, UBND xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã tổ chức đoàn phun xịt được hơn 110 cây dừa bị nhiễm sâu đầu đen các dạng vừa và nhẹ tại các ấp và chuẩn bị trong 10 ngày sau sẽ thả tiếp ong ký sinh tiêu diệt mật số sâu đầu đen bảo vệ khôi phục lại các diện tích vườn dừa bị nhiễm bệnh. 

Ngoài ra, UBND xã cũng vận động người dân chủ động thường xuyên thăm vườn, kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh về ngành Nông nghiệp xã để có giải pháp phun xịt, chặt tỉa các tàu dừa bệnh diệt trừ sâu đầu đen và ngăn chặn sâu đầu đen lây lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem