Hơn một tháng nay, vào mùa gió Bắc thổi mạnh, ông Nguyễn Trung Khương (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phải cho tàu cá nằm bờ tránh gió, gia đình không có thu nhập.
“Nghề câu mực ở Bình Châu mấy năm nay xuống lắm, không còn được như xưa, ngư dân đi toàn lỗ. Thời điểm này mùa gió Bắc, tàu chỉ có thể nằm bờ đến Tết, qua năm mới đi biển lại được”, ông Khương chia sẻ.
Hầu hết các ghe, tàu nhỏ ở cảng Bến Lội - Bình Châu đều lựa chọn nằm bờ khi mùa gió Bắc đến. Theo đại diện Ban quản lý Cảng cá Bến Lội - Bình Châu, Bình Châu có khoảng 750 tàu cá nhưng hơn một tháng nay, 70% tàu nằm bờ để tránh gió, phần lớn là tàu nhỏ dưới 15m.
Một số tàu lớn vẫn có thể đi biển nhưng phải di chuyển xuống khu vực miền Tây - Kiên Giang khai thác để tránh luồng gió.
Ngoài ra, từ nay đến Tết nguyên đán là mùa thấp điểm ít khách du lịch, giá bán hải sản giảm mạnh, nên những chuyến biển không mang lại nhiều lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Ông Trần Mảy (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), có 2 tàu đánh cá trên 15m, công suất 400CV, đánh bắt xa bờ nghề lưới rê, vừa đi biển lại sau 4 ngày nằm bờ tránh bão cho biết, năm nay đi biển rất thất, nhất là vào mấy tháng cuối năm, mùa gió Bắc.
Mùa thấp điểm, gió Bắc, sản lượng hải sản khai thác giảm mạnh, ngư dân thất thu. Trong ảnh: Hải sản vừa cập bến cảng Tân Phước (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Trước mỗi chuyến biển 20 ngày, tàu đánh bắt được khoảng 3-4 tấn cá các loại nhưng nay chỉ còn được 1,2-1,5 tấn, giá bán cá lại giảm từ 10-20 ngàn đồng/kg tùy loại nên thu nhập giảm mạnh hơn 50%.
“Mấy ngày nay bão, biển động mạnh, ghe tàu không đi biển được, giá cá có tăng lên một chút nhưng chẳng ăn thua”, ông Mảy nói.
Tương tự, tại TP.Vũng Tàu, nhiều tàu cá cũng lỗ nặng. Ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) cho biết, năm nay ngư dân đi biển rất thất. Sản lượng giảm mạnh hơn 50%, giá cá lại giảm 20% so với các năm trước.
“Một chuyến biển khoảng 2 tháng, bình quân mỗi tàu chỉ đánh bắt được khoảng 1,5 tấn cá thu và 10 tấn cá ngừ, trong khi thời gian trước là gấp đôi. Đầu ra cũng bị thu hẹp, không xuất khẩu được nên giá cũng giảm 20%, một kg cá thu bán ngoài biển hiện chỉ được 100-110 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ phí tổn, mỗi tàu tôi lỗ 200 triệu đồng. Cả năm đi 6 chuyến biển, cộng lại đã lỗ hơn 1 tỷ đồng”, ông Ngọc cho hay.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, diễn biến bão lũ, không khí lạnh và mưa lớn từ nay đến cuối năm vẫn còn phức tạp.
Thời tiết Nam Bộ sẽ có những đợt mưa trái mùa với mưa dông trên diện rộng kéo dài một vài ngày, có nơi mưa vừa, mưa to. Có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới và bão trên khu vực nam Biển Đông.
Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển vẫn có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền. Hiện khu vực Biển Đông trong vài ngày tới tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-6m tùy nơi.
Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng các địa phương, đồn biên phòng, cảng cá đã chủ động lên phương án phòng chống bão, thông báo cho ngư dân biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, hướng dẫn tàu thuyền vào các khu tránh trú bão, nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản cho ngư dân.
Do thời tiết phức tạp, nhiệt độ thay đổi đột ngột giữa ngày và đêm, đặc biệt khí lạnh tăng cường vào những tháng cuối năm, khiến một số hộ nuôi trồng thủy sản, tôm, cá bị vướng bệnh, chậm lớn, năng suất, sản lượng giảm.
Để bảo vệ tôm nuôi tránh dịch bệnh, bảo đảm sản lượng thu hoạch vụ Tết, ông Phan Đức Đạt (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tăng cường các biện pháp phòng chống như: xử lý kỹ nguồn nước đầu vào qua hệ thống các ao lắng và diệt khuẩn trong ao nuôi, nuôi với mật độ thưa trong hệ thống nhà màng để cản bớt lượng mưa xuống ao, giữ nhiệt độ ổn định, ít chênh lệch giữa ngày và đêm, tránh cho tôm bị sốc nhiệt. “Ngoài ra, tôi cũng tăng cường vitamin trong thức ăn để tăng sức đề kháng cho con tôm”, ông Đạt chia sẻ.
Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo người nuôi tu bổ lại đê bao, lồng nuôi cho chắc chắn đảm bảo giữ được nước và chủ động tháo nước khi mực nước tăng cao, phát quang cây, cành, dọn dẹp vệ sinh xung quanh bờ đê để tránh cành, lá, tạp chất, vi khuẩn rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.
Người nuôi cũng cần chủ động dự trữ các loại vôi, chế phẩm sinh học, men vi sinh dùng để xử lý môi trường nước, bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất trong khẩu phần thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, cá. Đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn, độ trong… để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.