Chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao đang làm giàu cho nông dân một huyện của Lâm Đồng
Mô hình chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao đang làm giàu cho nông dân một huyện của Lâm Đồng
Chủ nhật, ngày 22/12/2024 09:00 AM (GMT+7)
Huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) hiện có hơn 57.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, với các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, chè, sầu riêng, dâu tằm và một số loại cây ăn trái khác.
Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao gắn với các loại cây trồng chủ lực, thế mạnh.
Mang lại giá trị kinh tế cao
Trong những năm qua, Bảo Lâm đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng đầu tư chuyên canh, thâm canh hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ.
Các vùng chuyên canh gắn với các loại cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương như cà phê, chè, dâu tằm và cây ăn trái.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, dựa trên những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện hình thành, phát triển rõ nét theo từng khu vực cụ thể.
Trong năm 2024, toàn huyện đã phát triển được hơn 1.000 cây trồng ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng diện tích các loại cây trồng sản xuất theo hướng công nghệ cao, thông minh và sinh học của toàn huyện lên hơn 16.000 ha.
Cùng với đó, Bảo Lâm đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực hoạt động hiệu quả.
Theo ước tính, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha trên địa bàn huyện đã đạt 152 triệu đồng. Trong khi đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương ước đạt từ 500 - 650 triệu đồng/ha.
Giá cà phê tăng cao đã mang lại niềm vui, nguồn thu nhập cao cho người trồng cà phê trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Riêng đối với cây cà phê, Bảo Lâm đã xây dựng được 7 chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, tập trung tại các xã Lộc Ngãi, Lộc Quảng, Lộc Phú, B’Lá, Lộc Lâm, Lộc Đức và Lộc Tân.
Trong đó, hơn 6.000 ha sản xuất theo hướng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao, đạt năng suất từ 5,5 - 6 tấn nhân/ha.
Qua đó, nâng năng suất chung của cà phê toàn huyện lên 3,5 tấn nhân/ha/năm. Theo ước tính, vụ cà phê năm 2024, tổng sản lượng cà phê của toàn huyện Bảo Lâm đạt khoảng 124.687 tấn nhân.
Đối với cây chè, toàn huyện đang có hơn 5.700 ha ứng dụng công nghệ cao, chiếm hơn 92,5% diện tích, cung cấp nguồn nguyên liệu cho 10 nhà máy sản xuất, chế biến chè trên địa bàn. Các vùng chuyên canh chè của Bảo Lâm tập trung chủ yếu tại 2 xã Lộc Tân và Lộc Quảng.
Trong đó, riêng xã Lộc Tân có khoảng 4.000 ha. Đặc biệt, Bảo Lâm đang có khoảng 1.200 ha chè Ô long chất lượng cao. Năng suất chè của địa phương ước đạt khoảng 16 tấn búp tươi/ha/năm; tổng sản lượng chè của toàn huyện ước đạt 77.316 tấn búp tươi/năm.
Đối với diện tích cây sầu riêng, Bảo Lâm bắt đầu tập trung phát triển khoảng 10 năm trở lại nay và đã đạt hơn 6.500 ha, tập trung chủ yếu tại các địa phương như: Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc An và Lộc Đức.
Trong đó, có gần 750 ha sầu riêng chuyên canh trong thời kỳ kinh doanh được cấp mã vùng trồng liên kết với Công ty TNHH Long Thủy để xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, với tổng sản lượng hơn 12.740 tấn/năm.
Bên cạnh đó, cây dâu tằm đã phát triển được hơn 800 ha chuyên canh tập trung tại các xã Lộc Tân, Lộc Đức, Lộc Nam, Lộc Ngãi và Lộc Bảo.
Tiếp tục đầu tư phát triển theo chiều sâu
Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trương Hoài Minh khẳng định: Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ là chiến lược lâu dài, xuyên suốt của địa phương.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, huyện đã xây dựng kế hoạch và vạch ra lộ trình cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn. Qua đó, tập trung tuyên truyền, định hướng để người dân chủ động triển khai thực hiện. Cùng với đó, huyện cũng đã xây dựng các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Bảo Lâm đến năm 2030 đặt mục tiêu toàn huyện có trên 35.000 ha cây trồng các hoạt sản xuất theo hướng chuyên canh công nghệ cao. Trong đó, có 21.000 ha cà phê, 5.900 ha chè, 7.000 ha sầu riêng và 2.000 cây dâu tằm.
Trên cơ sở đó, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) sẽ tập trung thực hiện các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện pháp lý và huy động vốn hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất hoàn thiện hệ thống sản xuất, cung ứng giống; tiếp tục đổi mới, ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ vào từng khâu của quá trình sản xuất.
Tất cả các diện tích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh sẽ được xây dựng gắn với các chuỗi liên kết từ sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân.
Qua đó, phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh quy mô lớn được số hóa, kiểm soát theo quy chuẩn, chất lượng gắn với phát triển công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trương Hoài Minh cho biết thêm: Cùng với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, trong thời gian tới, địa phương sẽ triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải; đồng thời, xây dựng nông nghiệp theo hướng kết hợp phát triển du lịch sinh thái, canh nông gắn với vườn mẫu, trang trại mẫu.
Cùng với đó, huyện Bảo Lâm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên thu hút đầu tư các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu tập trung trái cây, cà phê, dâu tằm, chè và các loại rau, củ.
Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt trên 70%, trong đó chế biến đạt trên 45%; đồng thời, xây dựng, phát triển đạt khoảng 40 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, hướng tới thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.