Dân Việt

Con đặc sản này vốn là một loài động vật hoang dã, anh nông dân Bình Phước nuôi thành công, bán hút hàng

Ngọc Bích 22/12/2024 05:33 GMT+7
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, thanh niên Nguyễn Thế Tâm, Chi đoàn thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dúi mốc còn mới lạ ở địa phương.
5 năm gắn bó với mô hình này đã mang lại cho gia đình anh thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới và tạo thành phong trào khởi nghiệp từ nuôi dúi mốc cho nhiều thanh niên địa phương.

Dám nghĩ, dám làm bằng mô hình nuôi dúi mốc

Năm 2019, gắn bó nhiều năm với nghề cạo mủ cao su thu nhập ngày càng eo hẹp, anh Tâm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế mới. 

Qua tìm hiểu và so sánh nhiều mô hình kinh tế khác nhau, nhận thấy nuôi dúi mốc phù hợp hoàn cảnh gia đình, điều kiện tự nhiên tại địa phương nên anh quyết tâm thực hiện. 

Anh bỏ ra số vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 5 cặp giống về nuôi thử nghiệm.

Dù đã tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc từ lý thuyết đến tham khảo và học hỏi kinh nghiệm thực tế nhiều mô hình ở các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng… nhưng khi nuôi thí điểm đợt đầu, anh Tâm thất bại. 

Mất số tiền đầu tư con giống ban đầu, anh không nản chí mà quyết tâm đầu tư đợt giống thứ hai với số lượng 10 cặp. 

Tích lũy kinh nghiệm từ lần thất bại trước và tìm ra nguyên nhân, anh điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc, môi trường chăn nuôi phù hợp và đã thành công.

Anh Tâm chia sẻ: Đến năm thứ 2, tôi đã có kinh nghiệm hơn. Thành công lần này giúp tôi có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư nhân đàn. Tôi xác định hướng phát triển là nuôi dúi mốc phục vụ cung cấp con giống và thương phẩm. 5 năm nay, sau mỗi lần xuất bán dúi mốc, tôi luôn duy trì và phát triển đàn với số lượng 100 cặp bố mẹ con giống, hơn 100 con dúi thương phẩm để cung cấp ra thị trường. 

img

Hiện nay, mô hình nuôi dúi mốc của gia đình anh Nguyễn Thế Tâm, nông dân trẻ ở thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tập trung vào dòng sản phẩm con giống và dúi thương phẩm.

Bình quân mỗi năm mô hình nuôi dúi mốc mang về cho gia đình tôi nguồn thu khoảng 300 triệu đồng.

Kỹ thuật chăm sóc đơn giản, chi phí nuôi thấp chính là ưu điểm lớn nhất của loại vật nuôi này. 

“Thức ăn của dúi mốc là cây tre, các loại cây họ tre, thức ăn bổ sung như bắp, cỏ voi. Tôi cho dúi ăn 3 loại thức ăn chính, gồm: tre, bắp kèm với mía để cấp nước cho dúi. 

Mới đây, tôi đã lắp đặt hệ thống vòi nước cho dúi uống. Nuôi dúi mốc không khó nhưng người nuôi phải đặc biệt chú ý nhiệt độ. D

o cơ thể dúi nhiều lông, nếu vượt quá 35OC thì dúi mốc dễ bị sốc nhiệt. Vì vậy, ngoài đảm bảo thức ăn thì cần làm mát chuồng nuôi, giữ nhiệt độ phù hợp với thân nhiệt của dúi” - anh Tâm chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc dúi mốc.

Nuôi dúi mốc có đầu ra ổn định, đây là thực phẩm được thực khách ưa thích. Nuôi dúi vốn đầu tư không lớn, diện tích chuồng nuôi không cần quá rộng, thậm chí có thể tận dụng chuồng của vật nuôi khác đã bỏ trống.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Từ thành công của thanh niên Nguyễn Thế Tâm đã truyền động lực khởi nghiệp cho nhiều đoàn viên thanh niên xã Long Hà. 

Có hướng khởi nghiệp và được hỗ trợ con giống ban đầu, kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng nuôi cũng như đầu ra sản phẩm, anh Nguyễn Trung Bình ở thôn 10, xã Long Hà quyết định đầu tư nuôi dúi mốc.

Khi được anh Tâm hướng dẫn, anh Bình đã tự xây dựng chuồng nuôi. Ban đầu anh đầu tư khoảng 100 con giống. Anh Bình cho biết: Tôi tận dụng nhà kho cũ của gia đình rồi dọn dẹp sạch sẽ, xử lý môi trường đảm bảo an toàn để làm chuồng nuôi dúi mốc. Kỹ thuật nuôi chủ yếu là chế độ ăn uống, nhiệt độ chuồng nuôi. 

Dúi ít mắc bệnh, đầu ra dễ và có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình nuôi, tôi được anh Tâm và Đoàn thanh niên xã Long Hà hỗ trợ chuyển giao mô hình, kỹ thuật chăm sóc, con giống và đầu ra sản phẩm. Tôi sẽ cố gắng phát triển mô hình ngày càng hiệu quả.

img

Hiện nay đàn dúi mốc của gia đình anh Tâm luôn giữ số lượng khoảng 400 con các loại.

Đoàn thanh niên xã Long Hà có 145 đoàn viên, có 5 mô hình nuôi dúi mốc được đầu tư bài bản đang phát huy hiệu quả kinh tế. Từ thành công của các mô hình đi trước đã tạo động lực cho nhiều thanh niên trong xã mạnh dạn khởi nghiệp phù hợp điều kiện gia đình.

Thành công từ mô hình nuôi dúi của anh Tâm và nhiều thanh niên khác trên địa bàn xã Long Hà đã khẳng định, thanh niên nông thôn hoàn toàn có thể lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. 

Điều quan trọng nhất là tinh thần vượt khó vươn lên. Với tinh thần đó, nhiều năm nay, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên xã Long Hà được nhiều đoàn viên thanh niên hưởng ứng. 

Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, phát huy sức trẻ xây dựng, phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh.

Phong trào nuôi dúi trong thanh niên xã khởi phát cách đây 5 năm, bắt đầu từ đoàn viên Nguyễn Thế Tâm. Hiện mô hình của anh Tâm có số lượng đàn lớn, nhiều dòng sản phẩm để cung cấp ra thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Tâm rất tâm huyết với mô hình này và sẵn sàng hỗ trợ đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp từ kỹ thuật chăm sóc đến con giống, đầu ra...", chị Kiều Thị Thúy Phương, Phó Bí thư Đoàn xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.